Ông Trần Đình Liệu

Ông Trần Đình Liệu

Mỗi người lĩnh 8,5 năm luơng hưu là hết số tiền đã đóng

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tràn lan, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều qua (29/5) đã đề xuất đưa hành vi chiếm dụng BHXH vào khung xử lý hình sự.

Để tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH do mất cân đối thu - chi, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, thảo luận có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và giảm phần trăm hưởng lương hưu của người lao động. Liệu như vậy có phải là tăng nghĩa vụ, nhưng lại giảm quyền lợi của người lao động không, thưa ông?

Không phải như vậy. Với quy định đóng thấp mà mức hưởng tới 75% tiền lương như hiện nay, thì khi về hưu, một người chỉ lĩnh 8,5 năm lương hưu là đã hết số tiền họ đóng vào Quỹ BHXH. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người hưởng lương hưu ngày càng cao, khiến số năm hưởng lương hưu trung bình ở nam hiện là 18 năm và 24 năm với nữ. Như vậy, xuất hiện khoản chênh lệch quá lớn giữa thu và chi của Quỹ BHXH.

Nếu không điều chỉnh lại mức đóng - hưởng, thì sẽ gây mất cân đối và dẫn tới vỡ Quỹ vào năm 2034 như tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Vì vậy, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chúng tôi kiến nghị đưa vào 8 giải pháp toàn diện để tăng nguồn thu, cân đối Quỹ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, chứ không phải chỉ tăng nghĩa vụ của người lao động.

Đó là tập trung vào các chế tài để tăng số người tham gia BHXH, tránh tình trạng chủ sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động; hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần; tăng chế tài xử phạt; đưa hành vi chiếm dụng tiền BHXH vào xử lý hình sự; tăng lãi suất chậm đóng lên bằng hai lần lãi suất liên ngân hàng để giảm tình trạng nợ đọng BHXH; giảm cơ cấu độ tuổi nghỉ hưu...

Hy vọng, đến năm 2040, sẽ đưa lương hưu về đúng giá trị theo nguyên tắc đóng cao - hưởng cao, đóng thấp - hưởng thấp.

Ông có thể cho biết, tại sao không tăng cường thu nợ để đảm bảo đầu vào của Quỹ BHXH, thay vì điều chỉnh giảm lương hưu?

Ngoài một số đơn vị khó khăn thật sự không có tiền đóng BHXH, còn nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi, nhưng cố tình vi phạm.

Thực tế, cơ quan BHXH địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt trong việc đòi nợ và sử dụng biện pháp mạnh nhất là khởi kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài ra tòa. Từ năm 2012 đến nay, đã có 2.400 doanh nghiệp bị khởi kiện, nhưng việc thu nợ cũng hết sức khó khăn, nên số nợ thu được chỉ chiếm 28%. Ngoài ra, các chế tài xử phạt hành chính việc nợ, chiếm dụng BHXH hiện không đủ sức răn đe.

Trong khi đó, việc chiếm dụng BHXH lại không bị xử lý hình sự, nên các doanh nghiệp ngày càng “nhờn” luật và gia tăng vi phạm. Vì vậy, như đã nói ở trên, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chúng tôi đã kiến nghị đưa hành vi này vào xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

Đây không phải là lần đầu tiên, kiến nghị này được đưa ra lấy ý kiến, nhưng đến giờ, vẫn chưa thành hiện thực. Theo ông, liệu trong kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội có chấp nhận kiến nghị trên?

Việc chiếm dụng tiền BHXH của người lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của người lao động khi nghỉ hưu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do vậy, phải xem đây là một hành vi rất nguy hiểm. Nếu coi tiền đóng BHXH là một sắc thuế mà chủ sử dụng lao động phải đóng cho người lao động, thì hành vi chiếm dụng tiền BHXH là vi phạm quản lý tài chính và phải xử lý hình sự. Vì vậy, cần sửa đổi không chỉ Luật BHXH, mà cả Luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo tôi, kiến nghị xử lý hình sự hành vi chiếm dụng BHXH sẽ được thông qua, khi mà tình trạng chiếm dụng đã ngày một nghiêm trọng và xử lý hành chính đã không còn đủ sức răn đe.  

Tin bài liên quan