Trò chuyện với các bạn sinh viên Hà Nội trong ngày hội hướng nghiệp việc làm giữa tháng 5, doanh nhân trẻ Trần Uyên Phương kể lại câu chuyện luôn nằm lòng với con người Tân Hiệp Phát.
“Trong một chuyến đi công tác, Chủ tịch Công ty đường sắt đã đi trên đoàn tàu do Công ty mình quản lý. Mỗi khi đoàn tàu sắp đi qua, công nhân hai bên đường đều dừng tay cúi chào Chủ tịch với sự trân trọng và ngưỡng mộ. Ở một đoạn đường như thế, ông yêu cầu dừng tàu và bước xuống.
Ông chào tất cả những người có mặt quanh đó và tiến đến bắt tay một công nhân trong số họ. Khi Chủ tịch lên tàu đi tiếp, ai cũng trầm trồ, ngạc nhiên, tại sao một người công nhân trong số họ lại có thể quen được ông Chủ tịch Công ty? Người công nhân ấy nói:
“Tôi và ông ấy vào Công ty cùng một ngày. Tôi làm việc vì mục tiêu kiếm 1 USD 20 cen/ngày, còn ông ấy luôn làm việc với mong muốn đóng góp hết mình cho sự phát triển Công ty. Sau 30 năm, tôi vẫn làm vì 1 USD 20 cen/ngày, còn ông ấy đã là Chủ tịch”.
Sự khác biệt giữa hai con người cùng xuất phát điểm trong câu chuyện trên là gì? Uyên Phương chia sẻ, đó chính là thái độ làm việc và mục tiêu công việc.
Dẫn câu chuyện gia đình Tân Hiệp Phát sau 25 năm, từ con số 0 đã trở thành doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD có sức cạnh tranh toàn cầu, Trần Uyên Phương khích lệ tinh thần dám khát vọng, dám dấn thân của các bạn trẻ. “Nếu biết con đường người sáng lập Tân Hiệp Phát đã đi, bạn sẽ thấy, bạn cũng có thể làm được như Dr. Thanh (*), vì ông xuất phát từ một đứa trẻ mồ côi, chứ không phải là một sinh viên đại học, được trang bị kiến thức trong thời đại công nghệ mới”, Phương nói.
Sinh viên Hà Nội tham dự Lễ hội Phố hàng nóng do Tân Hiệp Phát tổ chức.
Con đường đi đến thành công luôn chứa đầy thách thức vì cạnh tranh không nhân nhượng, không chờ đợi bất cứ ai trên thương trường. Tuy nhiên, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp “đi được” và xây nên những thương hiệu Việt ghi tên mình trên trường quốc tế như Vingroup, FPT, Thaco, Vinamilk, Vietjet, Sungroup, Tân Hiệp Phát…
Sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát có mặt ở nhiều thị trường quốc tế và đây là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đã kể câu chuyện lập nghiệp kinh doanh, cách vượt qua thách thức để vươn lên thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành nước giải khát không cồn tại Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn đa quốc gia cùng ngành.
Trần Uyên Phương, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng “Chuyện nhà Dr. Thanh” và “Vượt lên người khổng lồ” cho biết, hai cuốn sách được ra đời với thông điệp “Không gì là không thể” nhằm lan tỏa khát vọng dám sống dấn thân để vươn xa của con người Việt, doanh nghiệp Việt.
Nếu như các doanh nhân 8x ở Việt Nam là thế hệ tiếp nối thứ hai, thì thế hệ thứ ba chính là các sinh viên Việt Nam đang học tập và muốn tìm con đường lập nghiệp cho mình.
Cuộc giao lưu gợi ra cho các bạn sinh viên những suy nghĩ về cách xác định giá trị bản thân và chọn lựa công việc. Chia sẻ của các bạn trẻ cho thấy, có nhiều bạn chưa thấy con đường, chưa rõ lối đi.
Theo Uyên Phương, một người chỉ nên lập nghiệp khi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, khi trả lời được câu hỏi doanh nghiệp mình có sản phẩm gì để bán, vì sao sản phẩm đó đáng để người tiêu dùng mua. Ngay cả khi là sản phẩm đáng mua thì câu hỏi tiếp theo là liệu sẽ có bao nhiêu người mua và bao giờ có thể hòa vốn? Khi chưa trả lời thật tốt những câu hỏi này thì con đường tham gia vào một tổ chức đang có sẵn những điều kiện nền tảng để học hỏi và tích lũy giá trị bản thân là đáng lựa chọn hơn.
“Dù có kiến thức tốt, sự tự tin, cố gắng hay chăm chỉ thì yếu tố cốt yếu để một cá nhân được tham gia một tổ chức và đứng vững trong tổ chức đó chính là việc phải trả lời được câu hỏi: Mình sẽ mang lại điều gì cho tổ chức này? Nói cách khác, tổ chức này sẽ thay đổi như thế nào khi mình tham gia vào đó?”, Uyên Phương khích lệ các bạn trẻ với mong muốn tạo động lực cho các bạn trẻ không chỉ trau dồi giá trị bản thân, mà còn phải nỗ lực tìm hiểu môi trường, hiểu tổ chức mình định tham gia và phải có sức sáng tạo để góp sức cho sự phát triển.
Trong công tác quản trị nhân sự, Uyên Phương từng chia sẻ thông điệp: Mọi cá nhân đều có một giá trị đặc biệt để cống hiến. Khi được nuôi dưỡng đúng cách, sự phát triển của các cá nhân và cộng đồng sẽ đi theo chiều hướng tiến lên.
Trong mỗi vị trí công việc, Tân Hiệp Phát thúc đẩy nhân sự hành xử như người làm chủ để một ngày nào đó có thể làm chủ thực sự. Tư duy này xuất phát từ quan điểm công ty cung cấp cho các nhân sự những nguồn lực giá trị như tiền vốn, hệ thống công nghệ, nhân sự…
Vậy người được sử dụng nó hãy đối xử với những tài nguyên đó như đối xử với chính tài sản riêng của mình. Thái độ làm việc như vậy chính là khởi nghiệp. Khởi nghiệp ở mọi vị trí công việc, khởi nghiệp mỗi ngày để đồng hành cùng sự phát triển của tổ chức trong một hành trình lớn.
Viết tiếp câu chuyện “Vượt lên người khổng lồ”
Trần Uyên Phương là tác giả chính của cuốn sách Competing with Giants và Chuyện nhà Dr Thanh. Uyên Phương mong muốn chia sẻ kiến thức của mình cũng như thường xuyên nói về những thách thức và cơ hội của việc điều hành doanh nghiệp gia đình tại các trường đại học, sự kiện, hội thảo trên toàn thế giới.
Đặc biệt, nội dung của Competing with Giants là khơi nguồn cho ý tưởng biên soạn cuốn sách “Nâng cánh thương hiệu Việt” do TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư làm chủ biên nhằm viết tiếp câu chuyện “Vượt lên người khổng lồ”, với một tầm nhìn phổ quát hơn.
Ngày 13/5, cuốn sách đã chính thức được giới thiệu tới độc giả. Nội dung cuốn sách là minh chứng sinh động về ý chí, bản lĩnh, khát vọng và khả năng trỗi dậy, vươn cao của cộng đồng doanh nhân Việt, không chỉ ở trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Phần 1 của cuốn sách cung cấp những thông tin lý thú về hành trình vượt lên người khổng lồ của doanh nghiệp Việt.
Trong khi đó, phần 2 đưa đến các cách tiếp cận khác nhau về những thương hiệu kinh tế hàng đầu hiện nay và phần 3 là những phân tích, đánh giá đa chiều về bản lĩnh doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu Việt…