Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

"Mời lãnh đạo doanh nghiệp làm việc khác nếu chần chừ cổ phần hóa"

(ĐTCK) “6 tháng đầu năm nay, tiến độ cổ phần hóa (CPH) vẫn diễn ra chậm. Một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này, theo chỉ đạo của Chính phủ là sẽ quyết liệt xem xét trách nhiệm lãnh đạo DN”, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến cho biết khi trao đổi với ĐTCK.

Ông có thể cho biết kết quả CPH các DNNN trong 6 tháng đầu năm?

6 tháng đầu năm CPH được 38 DN; 138 DN đã thành lập Ban chỉ đạo CPH, nhưng chưa thực sự triển khai như kế hoạch; 135 DN chưa triển khai CPH.

Kết quả CPH chưa như mong đợi, bởi vậy, trên cơ sở rà soát từng DN trong diện CPH, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (ĐM&PTDN) phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thường xuyên đôn đốc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhất là kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai phương án CPH, để đẩy nhanh CPH trong thời gian tới.

Theo đó, Ban chỉ đạo ĐM&PTDN yêu cầu 159 DN đang xác định giá trị DN, trong quý III/2014, tất cả đều phải công bố giá trị DN để cuối quý IV/2014 phê duyệt xong phương án CPH. Với 135 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH, thì phấn đấu trong quý III/2014 phải thành lập và triển khai việc xác định giá trị DN để đến hết quý II/2015 công bố được giá trị DN và quý III/2015 phê duyệt xong phương án CPH.

Nếu quá trình triển khai phương án CPH không đạt kế hoạch như ông vừa nêu, thì trách nhiệm của DN như thế nào, thưa ông?

Khác với biểu hiện CPH theo kiểu “bình mới, rượu cũ” như những năm trước đây, tiến trình CPH đang được Chính phủ quyết liệt thúc đẩy bằng nhiều giải pháp mạnh. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo ĐM&PTDN định kỳ hàng tháng, hàng quý chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, để không chỉ đảm bảo việc đôn đốc, giám sát việc triển khai các phương án CPH diễn ra thường xuyên, quyết liệt, mà còn kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, cũng như đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể.

Khi các khó khăn được tháo gỡ, nhưng DN vẫn không CPH đúng kế hoạch, thì sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu DN. Nếu người đứng đầu DN do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, thì Ban chỉ đạo ĐM&PTDN đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh xem xét trách nhiệm, còn những nhân sự đứng đầu DN do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, thì Ban chỉ đạo sẽ đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý trách nhiệm.

Ban chỉ đạo sẽ chỉ rõ DN nào CPH chậm, tại sao chậm và đề nghị xem xét trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ đó, kể cả “mời lãnh đạo DN làm việc khác nếu chần chừ CPH” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu. Đây là những biện pháp mạnh nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu CPH 432 DN trong giai đoạn 2014 - 2015.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, với những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược, hoặc các cổ đông tự nguyện khác. Liệu cách làm này có là hình thức?

Đây là giải pháp cuối cùng nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch CPH 432 DN trong bối cảnh thị trường vốn, TTCK chưa phục hồi tốt. Sức cầu của TTCK còn hạn chế, trong khi số lượng DN CPH, IPO tăng đột biến, đang dẫn tới hiện tượng bội cung. Hệ quả là nhiều đợt IPO không mấy thành công. Trong bối cảnh này, nếu IPO bằng mọi giá, để đảm bảo tiến độ, thì đồng vốn của Nhà nước, của dân sẽ bị bán đổ, bán tháo với giá rẻ mạt, thậm chí dẫn đến nguy cơ thất thoát vốn. Do đó, việc áp dụng phương thức CPH mới là chuyển DNNN thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động..., nhằm bước đầu cải thiện chất lượng quản trị, cũng như tính minh bạch trong hoạt động của DN.

Phương thức CPH mang tính “trung chuyển” trên là hợp lý trong bối cảnh sức cầu của TTCK chưa được cải thiện, bởi nó chuẩn bị lượng hàng hóa đa dạng cho thị trường. Cùng với việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai một số giải pháp nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho các đợt IPO, cải thiện sức cầu cho thị trường, thì lượng hàng hóa đã được chuẩn bị sẵn sẽ được đưa ra IPO khi TTCK khởi sắc. Điều này vừa góp phần thúc đẩy tiến trình CPH diễn ra ở cấp độ sâu và nhanh hơn, vừa giúp mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho đồng vốn Nhà nước, đồng thời tránh tạo áp lực tăng cung quá lớn cho TTCK trong thời gian ngắn khiến tác động tiêu cực đến thị trường, cũng như kế hoạch CPH.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về đẩy mạnh CPH và thoái vốn nhà nước. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Yên Bái, Kon Tum cần chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo có kết quả thực tế theo lộ trình đề ra; có hình thức xử lý hành chính đối với lãnh đạo DN không thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN.

Tin bài liên quan