Lợi thế của nghề môi giới chứng khoán
Khi mà Internet ngày càng phổ biến, mỗi nhà đầu tư không khó để sở hữu một chiếc điện thoại di động, máy tính bảng hay máy tính xách tay nhỏ gọn cũng là lúc sàn giao dịch của các công ty chứng khoán ngày càng vắng bóng.
Tất nhiên, nguyên nhân không phải do nhà đầu tư rời bỏ “cuộc chơi” như những năm sau cuộc khủng hoảng 2008 mà bởi giờ đây, họ có thể ngồi bất cứ đâu để đặt lệnh, từ văn phòng làm việc, quán café hay tại nhà… Sàn giao dịch chỉ còn dành cho số ít nhà đầu tư lớn tuổi, khó làm quen với các thiết bị công nghệ hay có thói quen lên sàn thảo luận, hàn huyên.
Bối cảnh thay đổi, công việc của những chuyên viên môi giới chứng khoán cũng thay đổi. Không còn vai trò kết nối người mua, người bán, đặt lệnh như thời giao dịch OTC sôi động, Internet và thiết bị di động chưa phổ biến, công việc của chuyên viên môi giới hướng đến hàm lượng “chất xám” nhiều hơn như tư vấn danh mục đầu tư cho khách hàng.
Phần lớn chuyên viên môi giới hiện nay đều có xuất phát điểm từ chuyên ngành kinh tế, tài chính. Một số khác là những “tay ngang” không thuộc ngành kinh tế nhưng nhanh nhạy với thời cuộc, trong quá trình làm việc cũng liên tục được đào tạo từ kiến thức phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật đến các chiến thuật giao dịch…, tạo ra nền tảng kiến thức phân tích, đánh giá doanh nghiệp tốt hơn nhiều so với những nhà đầu tư cá nhân thường làm những công việc ít tiếp xúc với sổ sách kế toán.
Bên cạnh đó, chuyên viên trong các công ty chứng khoán có lợi thế về thông tin khi hầu hết các công ty chứng khoán đều có bộ phận phân tích đi sâu tìm hiểu, đánh giá ngành nghề, mô hình kinh doanh, tình hình tài chính của từng doanh nghiệp, có mối quan hệ tốt với nhiều doanh nghiệp niêm yết và một số công ty chứng khoán có cả bộ phận tự doanh mà quy mô giao dịch đủ tác động đáng kể đến thị trường.
Thời gian, chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm là những lợi thế của một môi giới chứng khoán để thuyết phục nhà đầu tư tìm đến sự tự vấn của họ, nhất là những nhà đầu tư mới, không chuyên giữa một thị trường có tới hơn 1.500 cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và một khối lượng thông tin đa chiều khổng lồ mỗi ngày.
Tư vấn, giới thiệu, tìm kiếm những cơ hội đầu tư hiệu quả cho khách hàng, lẽ dĩ nhiên cũng là yêu cầu công việc, khiến chuyên viên môi giới không tận dụng những lợi thế này để tìm kiếm cơ hội sinh lời cho chính mình.
Môi giới chứng khoán, đầu tư được không?
Một chuyên viên môi giới chứng khoán chia sẻ, anh đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi trong buổi phỏng vấn tuyển dụng vào làm việc tại một công ty chứng khoán thuộc Top 10 thị phần môi giới, vị sếp trực tiếp phỏng vấn đặt câu hỏi: Nếu được nhận vào làm nhưng công ty quy định nhân viên không được phép thực hiện đầu tư cho chính mình, có làm được không?
Ngạc nhiên là bởi nếu bản thân mình không thể đầu tư thành công thì làm sao có thể giúp khách hàng tìm kiếm lợi nhuận. Xưa nay người ta chỉ tìm cách học hỏi kiến thức, kinh nghiệm đầu tư của W. Buffett, P. Fisher, B. Graham - những nhà đầu tư chiến thắng thị trường, mấy ai làm ngược lại, nghe người nghèo dạy cách làm giàu.
Ngay cả khi giới thiệu cho khách hàng một cổ phiếu, sự tin cậy sẽ giảm đi phần nào nếu khách hàng hỏi tại sao cổ phiếu giới thiệu tốt, mà chính chuyên viên lại không đầu tư. Tuy nhiên, sau đó anh đã phần nào hiểu ra nguyên nhân sâu xa mà những người lãnh đạo công ty chứng khoán này lo ngại.
Chẳng hạn, nếu một chuyên viên chỉ tập trung vào việc đầu tư cho chính mình, liệu có thể giành thời gian, toàn tâm chăm sóc, tư vấn, đem lại những lợi ích tốt nhất cho khách hàng? Liệu có hay không rủi ro khi chuyên viên tư vấn cho khách hàng những thông tin không chính xác, khuyến nghị khách hàng mua cổ phiếu xấu để tìm cách thoát sau khi mình lỡ “mắc kẹt”?
Ngày 10/5/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 600 triệu đồng và thu hồi Chứng chỉ hành nghề chứng khoán đối với ông Chu Trường Giang - cựu nhân viên môi giới của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), bởi quá trình điều tra cho thấy, ông Giang đã sử dụng 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần VT Vạn Xuân (VAT).
Ngay sau quyết định này, DAS cũng công bố thông tin cho biết, ông Chu Trường Giang đã thôi việc tại DAS từ đầu năm 2017 và các hoạt động liên quan đến giao dịch cổ phiếu VAT ông Giang thực hiện với tư cách là nhà đầu tư cá nhân, không phải với vai trò nhân viên môi giới của DAS.
Quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không nêu thời gian cổ phiếu VAT bị thao túng. Dù vậy, giả định việc thao túng cổ phiếu được thực hiện khi ông Giang còn làm công việc môi giới, liệu có thể khẳng định, ông không giới thiệu những khách hàng của mình đầu tư vào cổ phiếu này?
Trên thị trường, không khó để tìm thấy những “room” phím cổ phiếu đang được đánh lên, đè xuống. Cũng có một bộ phận những môi giới tự giới thiệu mình có quen với “đội lái” biết “game” và “phím” nhà đầu tư có thể yên tâm mua cổ phiếu này, kia với mức sinh lời cao trong ngắn hạn.
Thực hư của những thông tin này chẳng thể kiểm chứng. Nếu kết quả có lời sẽ tiếp tục là những lời mời chào mở tài khoản, tăng giá trị danh mục đầu tư. Nếu thua sẽ là những dòng tin nhắn không hồi đáp, đôi khi là những lời xin lỗi “em cũng bị đội lái đánh úp!”. Điều này phần nào khiến nghề môi giới “xấu đi” trong mắt nhà đầu tư.
Ở một khía cạnh khác, khi nhà đầu tư tìm đến nhà tư vấn, họ luôn kỳ vọng nhận được những tư vấn khách quan, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, vốn được xem là kẻ thù số 1 với đầu tư chứng khoán và thường khiến góc nhìn kém chính xác. Điều này liệu có còn tồn tại khi chính chuyên viên tư vấn cũng đang nắm giữ chung cổ phiếu, chung tâm trạng với khách hàng?
Khi kết quả đầu tư, cảm nhận dịch vụ của khách hàng không tốt, dĩ nhiên cả công việc của chuyên viên và công ty chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, người hành nghề môi giới chứng khoán có thể bị phạt nếu gian lận, lừa đảo, công bố thông tin sai sự thật, giao dịch nội gián, thao túng cổ phiếu, cung cấp dịch vụ chưa cấp phép, sử dụng tài khoản, tài sản khách hàng trái quy định…, nhưng không có quy định pháp lý nào cấm họ đầu tư chứng khoán.
Về yêu cầu đạo đức nghề nghiệp, một số công ty chứng khoán quy định nhân viên không được đầu tư, việc tuân thủ chủ yếu cũng nằm ở sự tự nguyện, bởi không có quy định nào yêu cầu bạn bè, người thân… của người hành nghề chứng khoán cũng không được đầu tư và dĩ nhiên, họ có thể dễ dàng nhờ đứng tên để giao dịch trên những tài khoản này nếu muốn, hay thậm chí giao dịch tại công ty chứng khoán khác nơi làm việc.
Người làm nghề môi giới chứng khoán có nhiều lợi thế để có thể tự đầu tư sinh lợi cho chính mình và cũng không có gì sai khi làm giàu bằng chính năng lực của mình. Thực tế, không ít môi giới chứng khoán đã thành công, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn đem lại lợi ích cho khách hàng, công ty mình làm việc.
Nhưng nghề môi giới chứng khoán cũng không ít khốc liệt và cám dỗ, để tồn tại và phát triển được lâu dài, có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, những quy định pháp luật mà họ cần tuân thủ. Nếu làm sai, việc bị đào thải là tất yếu.