Mới giải ngân được 48% kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị giao ban về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, tổng kết triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 vừa diễn ra tại TP Hòa Bình.
Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày Tổng quan về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác và Tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày Tổng quan về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác và Tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Ngày 29/9, tại Hòa Bình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị giao ban về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, tổng kết triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Hội nghị được tổ chức để giao ban với các địa phương, cơ sở phía Bắc về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956.

Phát biểu tại hội nghị giao ban, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thiết kế thành các dự án, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..

Trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kinh phí dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 là 4.200 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn hiện mới đạt 48% kế hoạch năm và 31% so với cả giai đoạn 2016 - 2020.

Theo kế hoạch, năm 2020 kinh phí được phân bổ cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1.475 tỷ đồng, nhưng tới nay mới giải ngân được 48% (hơn 700 tỷ đồng).

Đề án 1956 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Báo cáo tại hội nghị giao ban, trong giai đoạn 2016 - 2019, đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 2,85 triệu người (trong số này có 850.000 người học nghề nông nghiệp và khoảng 2 triệu người được học nghề phi nông nghiệp); có 450.000 người dân tộc thiểu số, 200.000 người thuộc hộ nghèo, 60.000 người khuyết tật, còn lại là các đối tượng khác.

Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2019 đạt trên 81%. Có trên 134.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề và đã thoát nghèo, trên 165.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.

Công tác đào tạo nghề đã thiên về chất lượng hơn là số lượng. Tỷ lệ học nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng đã có sự thay đổi với 70% lao động đã học nghề phi nông nghiệp, chỉ còn 30% học nghề nông nghiệp.

Kế hoạch năm 2020, cả nước sẽ tiến hành đào tạo nghề trình độ sơ cấp và các trình độ đào tạo nghề nghiệp khác cho 1,68 triệu người, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.

Theo báo cáo cập nhật, trong 9 tháng năm 2020, cả nước đã tuyển sinh và đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho trên 1 triệu lao động nông thôn, trong đó gần 600.000 người là lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề cho 250.000 lao động nông thôn…

Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, từ hiệu quả tích cực trong thời gian thực hiện, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới. Trong những tháng cuối năm, các cơ sở cần tăng cường công tác tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt ưu tiên nâng cao kiến thức kỹ năng cho các đối tượng lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động tại các vùng biên giới, lao động tự do, lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và lao động là người khuyết tật… để họ chủ động tham gia thị trường lao động, ổn định sinh kế.

Tin bài liên quan