Mỗi đại hội, một câu chuyện

Mỗi đại hội, một câu chuyện

(ĐTCK) Hai tuần cuối tháng 6 là thời gian cao điểm tổ chức ÐHCÐ của các doanh nghiệp trước thời hạn chót phải thực hiện là 30/6 theo quy định của Luật Doanh nghiệp. 

Câu hỏi đặt ra là liệu những câu chuyện ở mỗi ÐHCÐ có góp phần giữ lửa cho thị trường từ nay đến hết tháng? Diễn biến trồi sụt mạnh những phiên gần đây có che giấu một “thuyết âm mưu” nào đó mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó nhận ra?

Chiều 15/6, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức ÐHCÐ tại một khách sạn 5 sao ngay trung tâm Hà Nội. Trước cuộc họp này, nhiều nhà đầu tư có chung nhận định rằng, Chủ tịch HÐQT SHB Ðỗ Quang Hiển sẽ không còn chịu cảnh cổ đông bức xúc vì giá cổ phiếu thấp như tại ÐHCÐ năm ngoái.

So với đại hội năm trước, thị giá SHB hiện cao hơn 50%, đây là mức giá đã điều chỉnh, sau giai đoạn tăng nóng đến gần 20.000 đồng/cổ phiếu, với các kỳ vọng riêng về Ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư vui vì sau gần 1 năm “kẹp hàng” đã có lãi, trong khi danh mục có lúc từng bay 50% giá trị.

Cổ phiếu STB của Sacombank với câu chuyện về một tập đoàn tư nhân hàng đầu tham gia bỏ vốn được dân môi giới các công ty chứng khoán đánh giá sẽ sớm leo lên 2x. Có lẽ bởi vậy mà trong phiên đầu tuần thị trường đỏ lửa, VN-Index giảm tới 31 điểm, STB vẫn giữ được sắc xanh và khớp lệnh tới hơn 31 triệu đơn vị.

Cổ phiếu PLP của Công ty cổ phần Nhựa Pha Lê tăng trần 3 phiên liên tiếp và bó cung trước thông tin râm ran về việc doanh nghiệp sắp chia thưởng tới vài chục phần trăm và nhà máy sản xuất sàn SPC, xu hướng vật liệu thông minh mới sắp đi vào hoạt động, hứa hẹn trở thành một VCS thứ hai trên sàn.

Doanh nghiệp có câu chuyện riêng để kể vẫn thu hút được dòng tiền, còn nhìn chung, thị trường được nhận định đã bước vào giai đoạn phân phối mà nhà đầu tư cần phải cẩn trọng, nếu không rất dễ “kẹp hàng”.

Thông thường, thị trường xuất hiện phân phối ngay cả khi nó đang tăng giá, điều này giải thích tại sao rất ít người biết cách nhận diện dấu hiệu phân phối.

Ở các phiên này, mức tăng lần lượt ngày càng ít đi nhưng khối lượng giao dịch vẫn duy trì lớn, thậm chí xen kẽ với những phiên giảm điểm vẫn có những phiên tăng. Tuy nhiên, sẽ không dễ để nhận diện chiến thuật “rút củi đáy nồi” của các nhà giao dịch chuyên nghiệp.

Do quy mô vị thế lớn, các “tay to” thường đóng vị thế nắm giữ cổ phiếu khi giá đang tăng mạnh, gần thời điểm thị trường tạo đỉnh.

Với áp lực bán mạnh, mức tăng của thị trường sẽ ngày càng bị thu hẹp. Thông thường, các hoạt động phân phối sẽ diễn ra trong 3 - 6 phiên giao dịch trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tuần. Sau đó, thị trường gần như sẽ đảo chiều.

Ở nhiều cổ phiếu, nhà đầu tư chứng kiến khả năng tăng giá ít với khối lượng cao hơn đáng kể.

Ðây là một tình huống phải rất tinh ý mới thấy bên bán nhiều hơn bên mua, vì lực bán mạnh này bị che giấu bởi thực tế là cuối ngày, giá đóng cửa cao hơn một chút so với giá đóng cửa ngày hôm trước, khiến ít có nhà đầu tư nghi ngờ việc “xả hàng”.

Sự giằng co của VN-Index trong phiên giao dịch đầu tuần và đóng cửa ở mức thấp điểm nhất trong ngày có thể khiến những nhà đầu tư quyết tâm rời thị trường từ phiên giảm điểm cuối tuần trước không còn luyến tiếc, ít nhất danh mục cũng đã được bảo toàn.

Tin bài liên quan