Các cơ quan nhà nước luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Trong ảnh: Vinamilk tặng sữa cho cán bộ y tế

Các cơ quan nhà nước luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Trong ảnh: Vinamilk tặng sữa cho cán bộ y tế

Mọi chính sách đều hướng về doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp càng trở thành đối tượng được ưu tiên phục vụ.

Doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên phục vụ

Lịch làm việc một tuần trước thời điểm cộng đồng doanh nhân Việt Nam đón mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư “ken đặc” các cuộc họp bàn liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một buổi làm việc với Tập đoàn Nike, 3 cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, rồi cuộc họp trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng về doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 27. Chưa kể, còn có cuộc làm việc nội bộ với Cục Phát triển doanh nghiệp và cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cũng trong tuần ấy, Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Đồng thời, cũng đã gửi Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật lên Quốc hội.

Dày đặc các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Và điều ấy là dễ hiểu trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp đang yếu, mà sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế.

“Phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã luôn nhấn mạnh điều ấy.

Cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh nhưng gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của đại dịch. Chính sách này cần đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận.

Trước đây cũng vậy, và bây giờ, càng trong khó khăn, doanh nghiệp càng là đối tượng được ưu tiên phục vụ. Năm ngoái, khi dịch Covid-19 nổ ra, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo, cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Đảng, Nhà nước đã có nhiều đêm không ngủ, khi lo doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, lúc tính phương án làm sao hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Năm nay, nhất là kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, doanh nghiệp khó khăn mọi bề, liên tục có các cuộc họp bàn diễn ra, bất chấp ngày tháng, bất kể giờ giấc. Chính phủ, chỉ từ đầu tháng 8 tới nay, đã có hai cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, có cuộc còn diễn ra vào ngày Chủ nhật. Chưa kể, Thủ tướng Chính phủ còn liên tiếp có các cuộc làm việc riêng lẻ với từng hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trăn trở lắm. Ông nói, doanh nghiệp giờ có nhiều cái khó, khó về lao động, về nguồn tiền, khó cả thị trường, khó về chuyên gia, khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Thế nên, để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ phải khẩn trương “vướng đâu, xử lý đó”, phải tiếp tục chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Với phương châm ‘sớm nhất - hiệu quả nhất’, phải tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu chậm trễ ngày nào, thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn và chúng ta sẽ phải tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để khắc phục hậu quả và để hồi phục sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng nói.

Thế nên, ngày đêm, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế, xây dựng và ban hành. Gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được ban hành. Các chính sách này đã ngay lập tức đi vào cuộc sống, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước… Quy mô tuy không quá lớn, nhưng cũng đã lên tới 6,7 tỷ USD.

Thậm chí, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Tuy chưa bằng Thái Lan, Malaysia, càng không thể so sánh với Mỹ, với châu Âu, với Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, đó là một sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ.

Và không chỉ vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang rốt ráo và quyết liệt làm việc, hàng tuần, hàng ngày, để làm sao gỡ rối được nhanh nhất các vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Nhanh và quyết liệt đến mức Chính phủ chỉ vừa ra quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ngay lập tức có cuộc làm việc với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam để lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Cũng để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung một loạt luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Tất cả đều vô cùng quyết liệt và chủ động, nhằm gỡ bỏ các cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Động lực, trung tâm của sự phát triển

Hơn một lần, khu vực tư nhân được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam được hình thành và dẫn đầu trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đã khiến các nhà hoạch định chính sách mừng vui. Nhưng Covid-19 đang khiến những thành quả quan trọng đó bị đe dọa.

Thế nên, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, phải có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Và rằng, không được để nền kinh tế bị lỡ nhịp phục hồi.

Để nền kinh tế không lỡ nhịp phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, với rất nhiều đề xuất chính sách quan trọng. Trong đó, một trong những khu vực được tập trung hỗ trợ tiếp tục là khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính của doanh nghiệp.

“Cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh nhưng gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của đại dịch. Chính sách này cần đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy và cho biết, Chương trình này sẽ sớm được trình lên Chính phủ.

Nhưng không chỉ là các chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn, thậm chí là trung hạn, để phát triển khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong suốt thời gian qua và cho tới bây giờ, vẫn đang tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện đưa khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Không chỉ là đề án thúc đẩy các “đại bàng” Việt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được thiết kế. Thậm chí, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox)… cũng đang được rốt ráo thực hiện.

Từ năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. “Đây là chương trình hết sức thiết thực, hiệu quả và cấp thiết, phải làm ngay. Nếu chúng ta hỗ trợ cho 800.000 doanh nghiệp hiện nay được tiếp cận chuyển đổi số, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó lớn mạnh và đóng góp cho nền kinh tế rất rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nói như vậy.

Càng trong Covid-19, chuyện chuyển đổi số doanh nghiệp càng trở nên quan trọng. Đó là động lực, là chìa khóa để khu vực tư nhân Việt Nam lớn mạnh hơn, bắt kịp với thế giới.

Xác định khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế Việt Nam, các chính sách hỗ trợ khu vực này phát triển cũng đang tiếp tục được xây dựng. Việc Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng chính là để thu hút được “đại bàng” tới làm tổ. Các “đại bàng” vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ kéo khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh theo.

Khi khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh, thì cùng với khu vực doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả, cộng hưởng với khu vực đầu tư nước ngoài vẫn luôn là bánh xe tăng trưởng quan trọng, chúng ta sẽ có “kiềng 3 chân” vững mạnh, để đưa kinh tế Việt Nam vững bước tiến về phía trước.

Tin bài liên quan