Mặt hàng sữa hiện chịu sự quản lý của cả Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mặt hàng sữa hiện chịu sự quản lý của cả Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mỗi bộ quản lý một kiểu: Doanh nghiệp... rối

(ĐTCK) Được nhận xét là đã có nhiều bước tiến trong cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính, đỡ lãng phí thời gian và công sức của doanh nghiệp, nhưng để quy trình cắt giảm thời gian xuất nhập khẩu tại thị trường Việt Nam xuống mức trung bình của các nước trong khu vực, cần có sự phối hợp hơn nữa từ các bộ, ngành.

Tại Hội thảo Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được tổ chức tại TP. HCM, tiếng kêu của doanh nghiệp về các thủ tục hành chính vẫn chưa dứt. Liên quan đến vụ việc hàng hóa bị kẹt cảng trong kỳ nghỉ lễ tháng 9 vừa qua, đại diện Công ty Panasonic đặt câu hỏi: giữa hải quan và các cảng biển có mối tương quan không? Trong những ngày lễ, trong khi hàng hóa vẫn liên tục cập cảng, nhân viên hải quan lại nghỉ lễ nhiều ngày, gây nên tình trạng kẹt cảng. Dù tình hình sau đó đã được giải quyết, nhưng phí kẹt cảng thời điểm đó doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu.

Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Công thương cho biết, sau khi xảy ra sự việc, các bộ ngành đã cùng phối hợp giải quyết nhanh chóng. Bộ Công thương sau đó cũng liên tục họp với các bên liên quan để đưa ra các giải pháp tốt nhất, không chỉ giải quyết những vấn đề liên quan đến phí kẹt cảng, mà còn cả các loại phí khác liên quan đến các hãng tàu. Hiện tại, Cục Hàng hải Việt Nam đang chủ trì với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương và các đơn vị khác để giải quyết triệt để những vấn đề này.

Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện cũng đặt câu hỏi: đối với danh mục quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp thấy đã ổn chưa? Nên sửa đổi như thế nào cho hợp lý? Theo đánh giá không chính thức tại hai cơ quan hải quan lớn nhất cả nước, hiện nay danh mục quản lý hàng chuyên ngành chiếm từ 60 - 80% tổng số hàng nhập khẩu. Đây là con số không bình thường, bởi với lượng hàng hóa chuyên ngành lớn như vậy, không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát, mà còn gây khó cho cả doanh nghiệp trong việc đăng ký khai báo.

Vì vậy, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh thấy những hàng hóa nào không phù hợp đưa vào danh mục này thì nên đề nghị sửa đổi. Vị này dẫn lại câu chuyện đã được doanh nghiệp phản ánh rằng, để chuẩn bị hồ sơ xin phép nhập hàng chuyên ngành, giám đốc một doanh nghiệp phải cắt cử 2 phó phòng tranh thủ thức ngày đêm để ký vào những bản sao y cho những hồ sơ xin nhập hàng. Điều này cho thấy, thủ tục hành chính còn quá nặng nề cho doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo thắc mắc, doanh nghiệp nhập khẩu một mặt hàng khi đăng ký chuẩn bao bì là 20 kg/thùng. Nhưng sau này để tiết kiệm, doanh nghiệp đã tăng khối lượng lên 80 kg/thùng, chất lượng sản phẩm bên trong không thay đổi, nhưng lại bị yêu cầu phải đăng ký lại từ đầu.

Đơn vị này kiến nghị nên bỏ việc đăng ký lại để đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay tại buổi Hội thảo, đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế nói rằng, nếu cùng loại mặt hàng, cùng chất liệu bao bì, nếu thay đổi khối lượng chỉ cần làm công văn xin thay đổi khối lượng, chứ không phải làm thủ tục đăng ký lại. Một doanh nghiệp khác cũng có thắc mắc tương tự và cũng được đại diện Cục này khẳng định không phải đăng ký lại.

Ghi nhận thực tế của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) cũng cho thấy, danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu quá nhiều và chưa quy định rõ. Nhiều mặt hàng thuộc danh mục chưa ban hành quy chuẩn, nên không có căn cứ để kiểm tra.

Hay cùng một mặt hàng nhưng có nhiều bộ quản lý, thậm chí cùng một yêu cầu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi bộ đưa ra các form mẫu khác nhau (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tiêu chí về kiểm tra và quản lý các mặt hàng, mỗi bộ cũng có một quy định và thực hiện khác nhau, chẳng hạn như mặt hàng sữa thuộc quản lý của cả Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng cho rằng, số lượng hàng hóa không đạt yêu cầu rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5 - 1%, thậm chí có những nơi chưa bao giờ không đạt yêu cầu, vì thế cũng nên xem xét lại cách thức kiểm tra và lựa chọn mặt hàng.

Tin bài liên quan