Phục hồi từ sự suy giảm kéo dài
Sau khi VN-Index đạt 644 điểm trong tháng 9/2014, thị trường rơi vào tình trạng suy giảm kéo dài cho đến ngày 18/5/2015, dù có một nhịp hồi phục đầu năm 2015 nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu lớn. Đợt suy giảm này không chỉ đơn thuần là do tác động bởi Thông tư 36/2014/TT-NHNN kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng sang TTCK, mà có thể còn bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác khiến NĐT cảm thấy TTCK trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, thị trường luôn có “sóng” tăng, kể cả trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế. Sự hồi phục trong 2 tuần qua có thể bắt đầu bởi giải pháp nới “room” trong dự thảo Nghị định 58/2012/NĐ-CP sửa đổi và những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về Việt Nam. Chưa khi nào mà Việt Nam lại ký kết nhiều hiệp định thương mại đến vậy, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vươn xa.
VN-Index hướng tới mốc 600 điểm
Trong đợt phục hồi vừa qua, VN-Index đã chạm đến mốc 580 điểm và chạm đến đường xu hướng giảm giá dài hạn. Tuy nhiên, áp lực bán ra do NĐT lo lắng về một nhịp điều chỉnh đã đẩy chỉ số quay trở lại. Nhưng đó là câu chuyện riêng với VN-Index khi chỉ số bị tác động mạnh bởi nhóm Ngân hàng + 3 (GAS, MSN, VIC).
Thanh khoản duy trì ở mức cao như hiện tại sẽ thúc đẩy dòng tiền tham gia thị trường. Một cú breakout (phá vỡ ngưỡng cản) qua đường xu hướng tại mốc 580 điểm nhiều khả năng sẽ sớm diễn ra và mục tiêu chinh phục tiếp theo của chỉ số sẽ là 600 điểm (+/-10). Những NĐT đã bán và dòng tiền thông minh sẽ lại lùng sục kiếm tìm cổ phiếu chưa tăng giá.
Trong bối cảnh đó, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển một phần sang sàn HNX, đẩy thanh khoản của sàn này tăng lên. Khi “bộ đôi” cùng song hành, có nghĩa dòng tiền đang đứng bên ngoài đã gia nhập thị trường, thì khả năng bứt phá của chỉ số chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, dấu hiệu này chưa thực sự xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Khó khăn có thể quay trở lại
Thị trường sau nhịp tăng mạnh này rất có thể sẽ quay trở lại câu chuyện thường nhật. Câu chuyện sẽ lại bắt đầu từ việc phát hành thêm cổ phiếu cho đến những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những đợt tăng giá điện hay giá xăng dầu đang khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng co hẹp.
Trong khi đó, hàng nhập khẩu có xu hướng gia tăng bởi 2 yếu tố là tỷ giá và những thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tư do. Hàng hóa từ Thái Lan, Hàn Quốc, sắp tới là Nhật Bản dự báo sẽ tràn vào Việt Nam, bởi những lợi thế không chỉ từ tỷ giá, mà còn bởi tính chất hàng hóa đó, gây khó khăn rất lớn cho hàng hóa của các doanh nghiệp nội.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, nhưng ẩn sau nó là một xu hướng đáng lo ngại: xuất khẩu của các công ty trong nước giảm 1,6% tính từ đầu năm tới nay, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã tận dụng tốt chi phí lao động rẻ của Việt Nam để đưa xuất khẩu của họ tăng 12,3% .
Ngoài ra, thâm hụt thương mại, nợ công và tỷ giá có vẻ như chưa có lời giải hữu hiệu. Nợ công sắp chạm trần 65% GDP cho phép. Kế hoạch về tỷ lệ nợ công trong các năm tới sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP. Tuy nhiên, theo Báo cáo tháng 5 của HSBC về triển vọng kinh tế Việt Nam, điều đó đòi hỏi mức tăng trưởng GDP thực tế cao.
Cũng theo báo cáo, để giảm thâm hụt thương mại, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách là giảm lãi suất tiền đồng, hoặc giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Trong 2 biện pháp này, khả thi nhất có lẽ là việc giảm giá VND, bởi dư địa giảm lãi suất không còn. Lãi suất đang có xu hướng tăng lên, dù mức tăng rất thấp, nhưng báo hiệu TTCK sẽ rơi vào khó khăn. Thời kỳ lãi suất thấp thúc đẩy thị trường tăng điểm sắp qua đi.
Cho dù khó khăn đang ở phía trước, nhưng thực tế trên TTCK hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có sự thay đổi cả về lượng và chất. Sự thay đổi đó là nhằm cạnh tranh tốt hơn với sự “tấn công” của các doanh nghiệp ngoại. Những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về lực, về thế, sẽ tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp. Đó có lẽ là minh chứng vì sao hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang hướng đến lĩnh vực này.