Được cổ phần từ vài năm nay, nhưng hai đại gia ngành bia Habeco và Sabeco vẫn chưa có kế hoạch lên giao dịch/niêm yết trên TTCK

Được cổ phần từ vài năm nay, nhưng hai đại gia ngành bia Habeco và Sabeco vẫn chưa có kế hoạch lên giao dịch/niêm yết trên TTCK

Mờ tỏ chuyện “làm mới” của các ông lớn

(ĐTCK) Dù đã cổ phần hóa hay đang tiến hành các bước cổ phần hóa, quá trình “làm mới” của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, qua lăng kính của giới đầu tư, đang có nhiều điểm mờ tỏ đáng ngại.

Việc hai “ông lớn” là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiến hành cổ phần hóa trong năm ngoái từng đem lại kỳ vọng cho giới đầu tư trong và ngoài nước vào sự thay đổi quản trị công ty của hai tập đoàn này, từ đó, TTCK có thêm hàng hóa chất lượng, thêm cơ hội đầu tư mới… Thế nhưng, sự kỳ vọng ban đầu đang dần bị thay thế bằng sự thất vọng, khi lộ trình niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK của hai “đại gia” này đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Với việc cổ đông Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, giới đầu tư nhìn nhận quản trị công ty của hai doanh nghiệp này chưa có sự thay đổi đáng kể nào. Trên thực tế, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, cũng như nhiều vị trí chủ chốt khác tại Vinatex, Vietnam Airlines vẫn là người cũ trước thời điểm cổ phần hóa. Trong khi Vinatex đã tìm được cổ đông chiến lược, tuy rằng khó có thể coi là “hợp gu”, thì đến nay, Vietnam Airlines vẫn loay hoay tìm cổ đông chiến lược.

Lùi xa hơn về quá khứ, hai đại gia trong ngành bia là Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được cổ phần hóa từ nhiều năm nay gây nhiều điều tiếng trên thị trường vì không dưới một lần trễ hẹn kế hoạch bán bớt vốn Nhà nước cho các nhà đầu tư, trong đó có cổ đông chiến lược trong và ngoài nước cũng như thực hiện kế hoạch niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK…

Giới đầu tư kỳ vọng, cùng với việc Bộ Công Thương vừa thay đổi người đại diện phần vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco, việc thoái bớt vốn Nhà nước, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, niêm yết trên TTCK…, sẽ được tái khởi động với lộ trình rõ ràng. Tại ĐHCĐ bất thường năm 2015 của Habeco vừa diễn ra, ông Đỗ Xuân Hạ, nguyên Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Cũng với diễn biến tương tự, ông Võ Thanh Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Sabeco kể từ ngày 14/10, thay cho người tiền nhiệm là ông Phan Đăng Tuất.

Giới đầu tư không giấu được sự sốt ruột và thất vọng về sự lỗi hẹn lên sàn chứng khoán của Habeco và Sabeco. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) không dưới một lần có văn bản gửi Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan kiến nghị thúc đẩy Habeco và Sabeco thoái bớt vốn Nhà nước, sớm niêm yết trên TTCK, nhằm cải thiện tính minh bạch và hiệu quả kinh doanh. Từ đó không chỉ mang lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông Nhà nước, mà còn gia tăng chất và lượng hàng hóa cho TTCK, mang lại cơ hội đầu tư mới cho giới đầu tư trong và ngoài nước.

Với các “ông lớn” đang trong quá trình triển khai các bước để tiến hành cổ phần hóa, thì thời điểm hoàn tất thoái vốn, cổ phần hóa các công ty con; chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, lộ trình niêm yết trên TTCK lại càng thiếu rõ ràng hơn. Thực tế này đòi hỏi các bộ chủ quản, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp… cần thường xuyên có biện pháp thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty tuân thủ tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu như đề án đã được phê duyệt.

Theo lộ trình cổ phần hóa của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), quý IV/2015 sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương và lộ trình cổ phần hóa, để cổ phần hóa trong quý IV/2016... Lộ trình gấp gáp là vậy, nhưng đến nay, khối lượng công việc còn rất lớn đang chờ VRG hoàn tất. Ông Phạm Văn Thành, Trưởng ban Kế hoạch đầu tư VRG cho biết, theo lộ trình cổ phần hóa 5 đơn vị thành viên trong năm 2015, thì đến ngày 30/9, mới có Công ty Cao su Bà Rịa và Công ty Cao su Tân Biên đã hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, 3 công ty còn lại là Bình Long, Phú Riềng và Lộc Ninh chưa chốt được giá trị doanh nghiệp. Đến ngày 30/9, theo tính toán của VRG, còn 18 công ty sẽ phải dời kế hoạch thoái vốn sang năm 2016, với tổng giá trị hơn 893 tỷ đồng.

Một thách thức nữa đang đặt ra đối với VRG trong quá trình thúc đẩy các bước cổ phần hóa, theo Tổng giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận, là việc cổ phần hóa Công ty mẹ VRG mà Nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ là chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược. VRG kiến nghị tỷ lệ này nên giảm xuống 65%, để tạo thuận lợi cho Tập đoàn trong cổ phần hóa, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để cơ cấu lại hoạt động hiệu quả hơn.     

Tin bài liên quan