Mở rộng phạm vi xử phạt trên TTCK

Mở rộng phạm vi xử phạt trên TTCK

(ĐTCK) Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, rất nhiều vi phạm mới trong lĩnh vực này sẽ bị xử phạt hành chính, với mức xử phạt nặng hơn.

Mở rộng phạm vi xử phạt trên TTCK ảnh 1

Vi phạm chào bán chứng ra nước ngoài có thể bị phạt đến 600 triệu đồng

 

Siết xử lý vi phạm phát hành riêng lẻ

Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 85 là quy định nhiều vi phạm mới để đảm bảo tính thực thi của Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn.

Tại Nghị định 85, các lỗi vi phạm trong quá trình chào bán chứng khoán riêng lẻ (từ vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin, phát hành khi không đủ điều kiện… chưa được quy định mức xử phạt. Tuy nhiên, tại Dự thảo nghị định mới, mọi vi phạm đối với hoạt động chào bán riêng lẻ chứng khoán đều được định danh và áp dụng mức xử phạt hành chính, với mức xử phạt tối đa 200 triệu đồng cho hành vi phát hành khi chưa đủ điều kiện hoặc chưa báo cáo/được chấp thuận của cơ quan quản lý. Tổ chức vi phạm các quy định về phát hành riêng lẻ cũng có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung khá nặng, bao gồm việc buộc trả lại tiền cho NĐT (nếu NĐT yêu cầu) và bị đình chỉ chào bán riêng lẻ trong thời gian 12 hoặc 24 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.

Ngoài ra, nếu DN phát hành riêng lẻ vi phạm các lỗi liên quan đến công bố thông tin, báo cáo/xin phép cơ quan quản lý, sử dụng vốn sai mục đích từ đợt phát hành… có thể sẽ phải thực hiện công bố/đính chính thông tin, làm thủ tục báo cáo, xin phép cơ quan quản lý và xin ý kiến ĐHCĐ thông qua phương án sử dụng vốn mới.

 

Tăng mức xử phạt vi phạm quản trị công ty đại chúng

Theo Ban soạn thảo Nghị định, hiện nay, vi phạm về quản trị công ty tại các công ty đại chúng đang diễn ra ngày càng nhiều mà điển hình là các hành vi vi phạm quyền của cổ đông được tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) như hạn chế cổ đông tham dự ĐHCĐ, hạn chế cổ đông uỷ quyền tham gia ĐHCĐ; vi phạm trình tự, thủ tục tổ chức ĐHCĐ… Trong khi đó, mức phạt hiện nay đối với các hành vi vi phạm về quản trị công ty theo quy định tại Nghị định 85 thấp (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng), chưa quy định xử phạt đối với các cá nhân là thành viên HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát của công ty đại chúng khi những cá nhân này vi phạm quy định về quản trị công ty… Chính vì vậy, tại dự thảo Nghị định mới, các hành vi vi phạm quy chế quản trị công ty đại chúng, công bố thông tin, xung đột lợi ích giữa các bên có liên quan và công ty đại chúng đều được định danh, với mức xử phạt cho các vi phạm được quy định lên tới 100 triệu đồng cho cá nhân vi phạm.

Dự thảo quy định rõ, thành viên HĐQT, ban kiểm soát, giám đốc/tổng giám đốc và cán bộ quản lý công ty đại chúng không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty đại chúng theo quy định bị phạt từ 70 - 100 triệu đồng, vi phạm công bố thông tin phạt 30 - 50 triệu đồng, vi phạm liên quan đến triệu tập ĐHCĐ phạt tiền 50 - 70 triệu đồng.

 

Thêm chế tài xử lý vi phạm liên quan đến niêm yết, chào bán ra nước ngoài

Một điểm mới nữa của dự thảo là, nhiều hành vi vi phạm của DN liên quan đến việc chào bán chứng khoán ra nước ngoài, chào bán chứng khoán làm cơ sở phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài, vi phạm công bố thông tin của DN niêm yết chứng khoán ra nước ngoài… đã được quy định.

Mục 8, Điều 16 của Dự thảo quy định mức độ xử phạt đối với các lỗi vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành Việt Nam tại sở GDCK nước ngoài, bao gồm các mức phạt liên quan đến vi phạm nội dung công bố thông tin, chế độ báo cáo (không báo cáo, nộp hồ sơ cho UBCK), vi phạm quy định quản lý ngoại hối và các biện pháp áp dụng.

Mục 3 của Dự thảo quy định các sai phạm liên quan đến chào bán chứng khoán ra nước ngoài hoặc chào bán chứng khoán làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài, với mức xử phạt tối đa cho một số hành vi vi phạm lên tới 600 triệu đồng, kèm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Tháng 3/2011, chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs) của CTCP Hoàng Anh Gia Lai dựa trên số cổ phiếu HAGL đã phát hành cho Deutsche Bank niêm yết trên Sở GDCK London. Tuy nhiên, Bản cáo bạch niêm yết chứng chỉ lưu ký này hoàn toàn không có sự xác nhận của UBCK. Thời điểm đó, trao đổi với ĐTCK, một quan chức UBCK đã từng nói, đây là một sai sót, nhưng không thể xử phạt HAGL vì thiếu quy định pháp lý.

 

Buộc CTCK phải hoạt động nghiêm túc

Riêng đối với CTCK, nếu Dự thảo được thông qua, CTCK sẽ bị xử phạt 70 - 100 triệu đồng nếu không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính. Trong quá khứ, CTCK SME đã không thực hiện tính toán và báo cáo UBCK về tỷ lệ an toàn tài chính, nhưng do Thông tư 226/2010/TT-BTC còn để ngỏ quy định liên quan đến vấn đề này, nên UBCK đã thiếu cơ chế xử lý. Hiện nay, Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 226 đã khắc phục được những điểm thiếu sót này, và việc Nghị định thay thế Nghị định 85 quy định mức phạt trên sẽ góp phần làm tăng tính răn đe đối với CTCK vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính.

Ngoài ra, CTCK làm đại lý chào mua công khai cũng sẽ bị áp mức xử phạt 70 - 100 triệu đồng nếu không làm tròn nghĩa vụ của mình, khi không hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật, hoặc không đảm bảo tổ chức, cá nhân có đủ tiền để thực hiện chào mua vào thời điểm chính thức chào mua công khai.

Ngoài ra, CTCK cũng sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm quy định pháp lý hiện hành về quản lý tài khoản giao dịch ủy thác của NĐT cá nhân.

 

Kiểm soát gian lận trong giao dịch chứng khoán

Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung có quy định một số hành vi bị cấm trong giao dịch chứng khoán: chủ sở hữu chứng khoán thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định; CTCK thay đổi thứ tự ưu tiên đối với lệnh đặt của khách hàng; công ty quản lý quỹ thông đồng với CTCK thực hiện giao dịch quá mức đối với các chứng khoán trong danh mục đầu tư của một quỹ do công ty quản lý quỹ quản lý để CTCK thu lợi từ phí môi giới… Để phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi này, tại Nghị định đã bổ sung chế tài xử phạt với mức phạt tối đa là 300 triệu đồng.