Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, lo ngại về khả năng thực thi

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã có quy định mới về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn lo ngại về khả năng thực thi của những quy định này.
Không ít ý kiến vẫn lo ngại về khả năng mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Không ít ý kiến vẫn lo ngại về khả năng mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016, đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng tới tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Từ ngày 1/1/2018, Luật tiếp tục mở rộng tới những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2016 là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc (bỏ quy định giới hạn về trần tuổi khi tham gia BHXH tự nguyện).

Cùng với đó, Luật quy định linh hoạt về mức đóng, phương thức đóng góp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.

Mục tiêu được đặt ra là, tới năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH nhằm đảm bảo sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH.

Tại Hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật BHXH” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, quy định áp dụng BHXH bắt buộc cho những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ là tiền đề thúc đẩy, triển khai các hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam với nhiều quốc gia khác.

Khi được ký kết, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho công dân của mỗi quốc gia tham gia, tránh được sự thực hiện song trùng bảo hiểm, người lao động được tính liên tục về thời gian đóng BHXH, có cơ hội được nhận trợ cấp BHXH ở quốc gia mà người lao động sinh sống và mức trợ cấp được xác định trên cơ sở số thời gian làm việc và đóng góp BHXH ở mỗi quốc gia… Trên cơ sở đó, tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động trong quá trình dịch chuyển lao động trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

Rào cản khi đưa luật vào thực tế

Tuy nhiên, TS. Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, không dễ bắt buộc đối tượng (là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân) đóng BHXH bắt buộc. “Cái khó là do thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH chưa đề cập tới đối tượng này”, ông Tân lý giải. 

Việc Luật quy định không khống chế tuổi trần của người tham gia, mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn các hộ nghèo của khu vực nông thôn, linh hoạt trong phương thức đóng (đóng một lần cho nhiều năm và đóng một lần cho những năm còn thiếu cơ bản)… góp phần tháo gỡ những khó khăn cho đối tượng đóng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế của các nước thực hiện chính sách này cho thấy, nếu không được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng trong những năm đầu tiên tham gia, thì sẽ khó thu hút người lao động tham gia với quy mô mong muốn.

“Khoản 1, Điều 87, Luật BHXH có quy định căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Song do chưa được định rõ trong luật khiến mọi người có quyền thắc mắc về thời điểm nào sẽ thực thi chính sách này”, ông Tân băn khoăn.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận thực tế, trong số 11,6 triệu người đóng BHXH hiện nay, thì có tới 11,4 triệu thuộc diện bắt buộc.

Quy định từ ngày 1/1/2018 áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH (là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật) là nhằm tăng mức đóng BHXH tiệm cận với thu nhập của người lao động. Song trong bối cảnh Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa mà mức đóng BHXH tăng sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Mặc dù Luật BHXH có quy định xem xét đưa doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH phải xử lý hình sự, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn liệu có thể xử lý triệt để tình trạng này.

Ông Sinh cũng kiến nghị các nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH nên có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết BHXH trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, bỏ trốn... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tin bài liên quan