Tạo thể chế thuận lợi để hút FDI từ Hàn Quốc
Dễ hiểu vì sao đầu tư là một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại Kỳ họp lần thứ 17, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc. Bởi theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lên tới trên 66 tỷ USD.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, như ô tô, may mặc, công nghiệp điện tử…”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nói và cho biết, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A.
Không hề giấu giếm tham vọng, vị đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đang mong muốn thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, sản phẩm bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, y học, smart city, nông nghiệp, năng lượng… Những kỳ vọng về việc các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia nhiều hơn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các start-up của Việt Nam cũng đã được nhấn mạnh.
Đúng là gần đây, đã có sự dịch chuyển khá rõ về “khẩu vị đầu tư” của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thay vì chỉ đầu tư vào sản xuất hàng xuất khẩu như trước, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chế biến chế tạo, giải trí, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, bất động sản…
Đó là lý do vì sao mà bên cạnh Samsung, Lotte, LG…, thì LH, Hanwha, Kookmin… là những cái tên mới được nhắc đến. Hanwha đang đầu tư xây dựng một dự án sản xuất linh kiện máy bay 200 triệu USD ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong khi đó, Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc (LH), một tập đoàn nhà nước của Hàn Quốc, mới đây đã quyết định bắt tay với Tập đoàn Ecopark để trước mắt triển khai 2 dự án bất động sản ở Việt Nam.
Trong khi đó, Kookmin là ngân hàng mới nhất của Hàn Quốc được phép đặt chi nhánh tại Hà Nội, bên cạnh các ngân hàng Shinhanbank, KEB HanaBank và Woori đã có mặt trước đây. Thông tin gần đây cho biết, tổng lợi nhuận năm 2018 của 4 ngân hàng Hàn Quốc nói trên đã tăng 120% so với cùng kỳ từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đạt 132 triệu USD.
Nhưng theo thông tin từ Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Kang-hyeon, hiện còn 3 ngân hàng Hàn Quốc khác cũng quan tâm đặt chi nhánh tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng ở Việt Nam. Dự án Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành và các dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc “nhắm” đến.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài và sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nói.
Nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác tại nhiều lĩnh vực
Tháng 6/2019, tại cuộc Đối thoại lần thứ nhất về hợp tác kinh tế cấp Phó thủ tướng, Việt Nam - Hàn Quốc đã thống nhất hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Các thỏa thuận hợp tác này đã được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai phía, nhưng hai vị đồng chủ trì Kỳ họp Lần thứ 17, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc đều thống nhất rằng, vẫn còn nhiều “dư địa” để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Bằng chứng rõ nhất, ví như ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính - ngân hàng, mối quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc tới thị trường Việt Nam ngày càng lớn.
Hay trong lĩnh vực thương mại, hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020, nhưng năm ngoái, mới đạt gần 70 tỷ USD. Điều này có nghĩa, dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại là rất lớn, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong hợp tác thương mại, có một vấn đề được cả hai bên cùng quan tâm, đó là làm sao đạt được mức cân bằng thương mại, bởi hiện tại, Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ Hàn Quốc. Cũng trong hợp tác thương mại, phía Việt Nam đã đề xuất phía Hàn Quốc tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể xuất khẩu sang đất nước này.
Ngoài ra, các vấn đề về hợp tác lao động, hợp tác ODA… cũng được nhấn mạnh tại Kỳ họp. Hai bên đã thống nhất tiếp tục tìm giải pháp để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực này.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Kỳ họp lần thứ 17, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23/10, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Kang-hyeon.
Tại Kỳ họp, hai bên đã đánh giá lại các kết quả hợp tác đã đạt được trong những năm qua, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ, đồng thời thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
“Trong thời gian qua, nhiều cơ chế, thỏa thận hợp tác giữa hai bên đã đem lại thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực hơn, hỗ trợ tốt hơn quan hệ hợp tác phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực giữa hai nước”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.