Giải pháp này nhằm thúc đẩy sự kết nối thông tin từ doanh nghiệp đến nhà đầu tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế và đây đó có nhiều doanh nghiệp đã phải hủy, giãn tổ chức đại hội do các cơ quan chức năng yêu cầu không tổ chức hội họp trực tiếp để giảm thiểu nguy cơ nhiễm dịch.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK chia sẻ, trong công văn gửi đến doanh nghiệp, UBCK sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức họp ĐHCĐ trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nếu muốn gia hạn thì phải có văn bản đề nghị gửi cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết.
Cùng với đó, UBCK yêu cầu các công ty chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho cổ đông tham dự, phù hợp với các văn bản chỉ đạo của các cấp về vấn đề này.
Trong phương án tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, lãnh đạo UBCK cho hay, Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Nghị định 71 (năm 2017) và Điều lệ mẫu (năm 2017) đều đã mở lối cho doanh nghiệp thực hiện việc này, tức là cho phép cổ đông bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.
Tuy nhiên, điểm khó là ở chỗ, Điều lệ và Quy chế nội bộ của nhiều doanh nghiệp lại không đề cập và có hướng dẫn cụ thể phương án ĐHCĐ trực tuyến.
Trong bối cảnh cả xã hội đang phải đối phó với dịch Covid-19 hiện nay, giải pháp ĐHCĐ trực tuyến trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, nhưng muốn làm được, cần sự nỗ lực của nhiều bên.
Về phía doanh nghiệp, trước hết cần rà soát quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ và Quy chế nội bộ về quản trị tại công ty.
Trường hợp Điều lệ hoặc Quy chế nội bộ chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp (bao gồm hướng dẫn cổ đông biểu quyết thông qua họp ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác), thì hội đồng quản trị cần xây dựng Quy chế tổ chức ĐHCĐ trực tuyến chi tiết, hoặc bổ sung nội dung này vào quy chế nội bộ để xin ý kiến cổ đông thông qua.
“Lối mở” của UBCK cho các doanh nghiệp là ở chỗ, cho phép doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông về Quy chế tổ chức ĐHCĐ trực tuyến bằng văn bản, để từ đó có cơ sở tổ chức ĐHCĐ trực tuyến.
Dịch vụ E-voting của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sau 4 năm hầu như chưa được doanh nghiệp sử dụng, nay trở nên hữu dụng cho mùa đại hội 2020. Cùng với đó, một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp họp trực tuyến như FPTS cũng có cơ hội có thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho biết, để chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường lúc này, VSD cam kết sẽ giảm 30% tiền giá dịch vụ cho các công ty đại chúng sử dụng dịch vụ E-voting.
Theo quy định hiện hành, oanh nghiệp muốn ĐHCĐ theo hình thức E-voting sẽ phải trả chi phí cố định 5 triệu đồng cho VSD và trả 5.000 đồng cho 1 giao dịch bỏ phiếu.
Với việc giảm giá 30%, doanh nghiệp sẽ chỉ phải trả 3,5 triệu đồng phí cố định và trả 3.500 đồng trên mỗi giao dịch bỏ phiếu thực của nhà đầu tư.
Lối cho doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ trực tuyến sắp có, bước tiếp theo là doanh nghiệp phải xắn tay làm. Dịch bệnh đã khiến TTCK toàn cầu suy thoái, trong đó thị trường Việt Nam đã mất gần 30% điểm số. VN-Index lùi về mốc 700 điểm, khiến rất nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp chưa từng có.
Tuy vậy, lực cầu ngập ngừng chưa vào mạnh vì nhà đầu tư chưa rõ oanh nghiệp xây chiến lược, kế hoạch 2020 như thế nào.
Nếu ĐHCĐ được tổ chức đúng hạn sẽ không chỉ giúp oanh nghiệp thực thi đúng Luật Doanh nghiệp, thỏa mãn cơn khát thông tin của nhà đầu tư, mà còn có thể làm tăng giá trị thị trường của nhiều oanh nghiệp, khi nhà đầu tư có niềm tin để giá cổ phiếu vượt qua giai đoạn ngập ngừng…