Các mô hình kinh tế chia sẻ - như dịch vụ của Grab đang cạnh tranh gay gắt mới mô hình kinh doanh truyền thống.

Các mô hình kinh tế chia sẻ - như dịch vụ của Grab đang cạnh tranh gay gắt mới mô hình kinh doanh truyền thống.

Mô hình kinh tế chia sẻ: Lấp khoảng trống pháp lý, còn khoảng trống tư duy

Cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi tư duy để mở rộng cơ hội trong nền kinh tế chia sẻ. Nhưng việc tận dụng cơ hội thế nào lại thuộc về tư duy của chính doanh nghiệp.

Gỡ mào

Chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 999/2019/QĐ-Tg phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký Công văn 7588/BGTVT-VT, ngày 14/8/2019, gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tiếp thu, điều chỉnh đối với Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Bộ Giao thông - Vận tải đã rà soát và tiếp thu bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi”, công văn trên viết. Nghĩa là, các loại xe hợp đồng, xe du lịch sẽ không còn bắt buộc phải gắn cố định hộp đèn có kích cỡ tối thiểu 12 x 30 cm trên nóc xe, không phải dán cụm từ “xe hợp đồng” hay “xe du lịch” kích cỡ tối thiểu 06 x 20 cm, bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và phía sau kính xe.

Cuộc tranh luận căng thẳng về việc có hay không “đeo mào” cho loại xe hợp đồng điện tử - một trong những lý do chính khiến dự thảo này phải bước sang lần trình thứ 11, gần như đã chính thức chấm dứt theo hướng thuận cho các mô hình kinh doanh mới.

Đặc biệt, trong dự thảo lần này, Bộ Giao thông - Vận tải cũng loại bỏ ra khỏi Dự thảo 8 điều kiện kinh doanh, chuyển sang nội dung quản lý 36 điều kiện và giữ lại 3 điều kiện (về quyền sở hữu và quyền sử dụng phương tiện; điều kiện về sức chứa xe của các loại hình kinh doanh) so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…

Tất nhiên, mọi việc sẽ phải đợi Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng với động thái gỡ mào này, thì lo ngại trước đó về việc phải bỏ thêm chi phí không nhỏ để tuân thủ hàng loạt điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thời buổi hiện tại của các doanh nghiệp được gỡ bỏ phần nào.

Khó khăn chưa hết

Đương nhiên, không chỉ các doanh nghiệp đang có các ứng dụng gọi xe, như Grab, Bee, Fastgo… vui mừng, mà các mô hình chia sẻ phòng nghỉ như Airbnb hay dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P) - mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn cũng sẽ bớt cảm giác chông chênh. Hiện tại, các mô hình này đều đang hoạt động, nhưng gần như nằm ngoài khung khổ pháp luật và rủi ro pháp lý treo sẵn trên đầu.

Trong Quyết định 999/2019/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng; Bộ Văn hóa - Thế thao và Du lịch nghiên cứu pháp luật liên quan về dịch vụ chia sẻ phòng ở, mô hình kết hợp căn hộ - khách sạn…

Nhưng, có lẽ khó khăn chưa hết ngay, khi sự phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ không chỉ đối mặt với rào cản từ tư duy quản lý nhà nước, mà còn phải bước qua cả những khó khăn từ phía các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.

Có thể lấy ngay câu chuyện của cuộc chiến gỡ mào cho Grab, Bee… làm ví dụ.

Nếu so với tổng số 51 điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện hành, theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, thì với đề xuất trong Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống cũng đang có cơ hội bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Đặc biệt, mọi việc có thể còn hanh thông hơn theo Quyết định 999/2019/QĐ-TTg, Bộ Giao thông - Vận tải không chỉ phải rà soát, bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống, đồng thời bổ sung một số điều kiện cần thiết đối với loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ; đưa kinh tế chia sẻ thành nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng hải… Các nhiệm vụ này sẽ phải thực hiện theo quan điểm mà Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ghi rõ, đó là thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương, người dân về mô hình kinh tế chia sẻ…

Với quan điểm này, nhiều điều kiện kinh doanh, theo kiểu xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”… và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định có thể sẽ được xem xét lại sự cần thiết.

Tuy nhiên, khi có thông tin về việc sẽ gỡ mào các xe hợp đồng điện tử, các hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM lại tiếp tục có đề nghị “lắp hộp đèn”. Thậm chí, các hiệp hội còn đề nghị được đối thoại trước khi Dự thảo được thông qua, để kiến nghị việc này.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã từng đặt vấn đề rằng, nếu các hiệp hội doanh nghiệp không vượt qua được lợi ích nhóm, không đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh lên trên khi tham gia phản biện, xây dựng chính sách, thì chính họ lại là người kìm hãm môi trường kinh doanh Việt Nam.

“Tôi lo lắng với tư duy này, vì họ đang bảo vệ những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đang hoạt động, thay vì đáng ra phải ủng hộ cắt giảm điều kiện kinh doanh, mở cửa thị trường, mở rộng người chơi để tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho thị trường vận tải ô tô”, ông Cung nói.

Mục tiêu Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ:

Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống;

Đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng;

Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số

Tin bài liên quan