Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).
Quy mô thị trường TPDN Việt Nam cho đến hết năm 2018 đạt 8,54% GDP. Thưa ông, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2019, liệu có tạo cú hích để phát triển thị trường này?
Thị trường TPDN Việt Nam có bước phát triển nhanh kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN (quy mô năm 2018 gấp 4,5 lần so với năm 2011), tuy nhiên, mới đạt khoảng 8,54% GDP. Để thực hiện lộ trình phát triển thị trường trái phiếu được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg (ngày 14/8/2017) là đến năm 2030, quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP, thì trong thời gian tới, thị trường TPDN phải tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa.
Theo đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 163 thay thế Nghị định 90 là một trong các yếu tố để phát triển thị trường TPDN. Với việc rà lại điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp phát hành TPDN; phân biệt rõ kênh phát hành TPDN riêng lẻ và kênh phát hành trái phiếu ra công chúng, tăng cường công bố thông tin để nâng cao tính minh bạch của quá trình huy động vốn trái phiếu, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.
Những điểm nào đã được tháo gỡ trong Nghị định 163/2018/NĐ-CP để phát triển thị trường TPDN, thưa ông?
Nghị định 163/2018/NĐ-CP có nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp khi huy động vốn trái phiếu.
Thứ nhất, rà lại các điều kiện phát hành trái phiếu, quy định rõ ràng về hồ sơ phát hành, quy định thống nhất về thẩm quyền phê duyệt chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật liên quan, giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ hai, phân biệt rõ giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng, quy định phạm vi phát hành TPDN riêng lẻ là dưới 100 nhà đầu tư, không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tập trung vào nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đối với giao dịch, Nghị định quy định TPDN phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư trong vòng một năm kể từ ngày phát hành. Sau một năm, trái phiếu được tự do giao dịch không bị hạn chế về số lượng nhà đầu tư.
Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh để thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án mang tính chất bảo vệ môi trường, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm nhiều đợt trong vòng 12 tháng nếu có nhu cầu huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với tiến độ triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, thiết lập chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán và quy định cụ thể về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, hỗ trợ thanh khoản cho cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Thông lệ quốc tế cho thấy, các nước đều có quy định về việc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành muốn tham gia huy động vốn trên thị trường. Như vậy, muốn phát triển được thị trường TPDN phải phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, thưa ông?
Khung khổ pháp lý để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã đầy đủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 507/QĐ-TTg về Quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và có một số doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đang nghiên cứu việc cung cấp dịch vụ trên thị trường Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và tiềm năng phát triển của thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới.
Để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là một trong các giải pháp để thúc đẩy cầu đầu tư trên thị trường TPDN.
Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm và có tâm lý e ngại khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu; nhà đầu tư không muốn tham gia đầu tư vào trái phiếu vì chưa có thông tin và khả năng đánh giá rủi ro. Như vậy, cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư đều mong muốn có tổ chức trung gian đánh giá khách quan, trung thực về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Theo đó, việc hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoạt động trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu là cần thiết khi thị trường TPDN bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển ở cấp độ cao hơn như thông lệ quốc tế.
Thưa ông, Quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chỉ đặt mục tiêu đến năm 2030, xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho tối đa 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường TPDN?
Theo thông lệ quốc tế, ngay cả các nước có thị trường vốn, thị trường trái phiếu phát triển, số lượng doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm là không nhiều. Vấn đề này đã được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2030. Hơn nữa, việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phụ thuộc cả vào yếu tố cung và cầu của thị trường.
Về phía cung, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải đáp ứng được chất lượng cung cấp dịch vụ, phải có kinh nghiệm và uy tín.
Về phía cầu, thị trường TPDN hiện mới chỉ chiếm 8,54% GDP, trong đó hầu hết các đợt phát hành trái phiếu là phát hành riêng lẻ.
Theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian tới, sẽ nghiên cứu yêu cầu TPDN phát hành ra công chúng thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi điều kiện thị trường cho phép. Nội dung này đang được nghiên cứu để quy định cùng với việc dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để tăng cường minh bạch thông tin.
Trong thời gian tới, khi thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đi vào vận hành, chắc chắn sẽ thu hút được các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm nước ngoài tham gia, góp phần thúc đẩy thị trường tín nhiệm phát triển, tạo niềm tin để thị trường TPDN phát triển vững chắc.