Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Mở cửa cho doanh nghiệp vượt khó

(ĐTCK) Giãn cách xã hội có thể tiếp tục, nhưng cần có cánh cửa mở ra để hàng hoá lưu thông, giúp các doanh nghiệp có thể tiêu thụ sản phẩm, nền kinh tế có thể tiếp tục hoạt động ở một mức độ chấp nhận được, phù hợp với mức độ kiểm soát dịch bệnh. 

Ðây là một trong những kiến nghị quan trọng mà một số doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn đã đưa ra tại cuộc gặp với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Vương Ðình Huệ vừa qua.

Nếu như đề xuất trên được thực hiện thì các doanh nghiệp sẽ có cơ hội xoay sở để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả khi phải “sống chung” với đại dịch. Ðây là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh chưa biết đại dịch sẽ kết thúc lúc nào.

Tháng 3, Công ty cổ phần Ðầu tư dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) có kết quả bán xe tải tăng cao nhất kể từ đầu năm nay, từ mức 52 xe của tháng 1 lên hơn 100 xe tháng 2 và lên 118 xe trong tháng 3, đúng thời điểm nền kinh tế bước vào cao trào chống dịch.

Diễn biến hàng bán tăng vọt vào tháng 3 còn diễn ra ở các doanh nghiệp đầu ngành tôn thép như Hoà Phát, Hoa Sen…

Lý giải điều này các doanh nghiệp cho biết, trong 3 tháng đầu năm dịch bệnh ảnh hưởng đến Hà Nội và TP. HCM là chủ yếu, còn ở các tỉnh thành khác, các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường. Ðặc biệt, người dân vẫn xây nhà bởi đây là nhu cầu thiết yếu và thường được xây bằng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có.

Sang tháng 4, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản có sản phẩm ở phân khúc nhà có giá vừa phải, phục vụ nhu cầu ở thật, vẫn đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận bằng hoặc cao hơn năm trước.

Không hiếm để tìm ra những cái tên như CTCP Khang Ðiền, CTCP Ðầu tư LDG, CTCP Ðầu tư Nam Long, Năm Bảy Bảy, Tập đoàn Hà Ðô, Nhà Từ Liêm…

Công ty ở Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức đại hội đồng cổ đông ngày 16/4 vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 20% như kế hoạch trung hạn và không thay đổi vì lý do đại dịch. CTCP Ðầu tư Nam Long thì chào bán căn hộ theo hình thức bán hàng không tập trung, khách đã đặt mua ngay một nửa trong giỏ hàng hơn 100 căn;

LDG bắt đầu đưa ra 100 căn hộ dự án mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt chào bán, đã có khách đặt mua một phần ba; HDG bàn giao toà cuối của dự án Hado Centrosa cho thấy, số căn cho thuê hoặc chuyển nhương lại rất ít, vì đa số khách hàng mua để ở…

Ðặc thù chung của các doanh nghiệp này là có dự án căn hộ giá vừa phải (1,9 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng), hoặc dự án có số lượng sản phẩm hữu hạn như nhà liền thổ, được quy hoạch đồng bộ. Có khách đặt mua thì chủ đầu tư sẽ phải đảm bảo tiến độ xây dựng để bàn giao nhà.

Hoạt động xây dựng vì thế vẫn phải tiếp tục, kéo theo nhu cầu các sản phẩm vật liệu xây dựng khác.

Chuỗi cung ứng hàng hoá trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là điền hình dễ nhận thấy nhất cho thấy, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá nội địa còn lớn. Nhu cầu này bị nén lại  trong nửa đầu tháng 4 khi giãn cách xã hội được thực hiện.

Vì thế, khi Chính phủ phân vùng để kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp đồng loạt ủng hộ chính sách này. Chính sách mới tạo một khe cửa cho nền kinh tế tiếp tục hoạt động, hàng hoá tiếp tục lưu thông, đáp ứng nhu cầu nội địa trước tiên.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã hình thành tầng lớp trung lưu đông đảo với tỷ lệ tiết kiệm, tài sản tích luỹ chiếm tỷ trọng cao.

Nếu như tiềm năng tiêu dùng của tầng lớp này từng là điểm hấp dẫn các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam những năm qua thì nay, các chủ thể này cũng là một điểm tựa để giúp các doanh nghiệp tin tưởng vào sức cầu nội địa, tìm cách duy trì và tiêu thụ hàng hóa, ngay cả khi thị trường nước ngoài còn đang bị phong toả, chưa thông.

Tin bài liên quan