Minh Phú hủy niêm yết, chiều lòng NĐT ngoại

Minh Phú hủy niêm yết, chiều lòng NĐT ngoại

(ĐTCK) Thủy sản Minh Phú đã bất ngờ đưa nội dung hủy niêm yết cổ phiếu vào trong chương trình ĐHCĐ thường niên năm nay. Liệu dự tính này có thể thành hiện thực?

Ngày 25/4 vừa qua, trong một thông báo mới nhất, lãnh đạo CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, ngày 16/5 này là thời gian diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2013 và trụ sở Công ty sẽ là địa điểm tổ chức đại hội. Có khá nhiều nội dung được trình cổ đông trong ĐHCĐ lần này, nhưng đáng chú ý nhất là kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu MPC. Cổ phiếu này hiện đang niêm yết trên sàn TP. HCM.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Toán, Thư ký HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và đồng thời là nhân viên công bố thông tin của MPC cho biết, hủy niêm yết cổ phiếu MPC là ý muốn của một số cổ đông lớn. Họ đề nghị đưa nội dung này vào bàn thảo trong ĐHCĐ. Ông Toán không tiết lộ danh tính cụ thể bên đề nghị nhưng có chia sẻ, đó là một số tổ chức nước ngoài. Những nhà đầu tư này muốn tham gia nhiều hơn vào MPC, trong khi theo quy định hiện hành, room cho nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp niêm yết lại bị hạn chế.

Minh Phú hủy niêm yết, chiều lòng NĐT ngoại ảnh 1

Cổ đông ngoại hiện sở hữu khoảng 12% vốn điều lệ tại Minh Phú

Theo Báo cáo thường niên 2012 của Minh Phú, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 11,98% vốn điều lệ tại công ty này. Trong đó, Red River Holding giữ tỷ lệ sở hữu lớn nhất với 9,47% vốn. Như vậy, giới hạn room cho nhà đầu tư nước ngoài ở Minh Phú vẫn còn gần 38% vốn. Nếu tổ chức nước ngoài muốn gia tăng sở hữu ở MPC thì cơ hội vẫn còn nhiều.

Còn nhớ, với kế hoạch phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng đã được ĐHCĐ năm ngoái thông qua, MPC từng xin chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 11,58% vốn điều lệ đến hết ngày 31/1/2013. Việc khóa room ngoại của MPC đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, do chưa phát hành được 30 triệu cổ phiếu, từ ngày 25/12/2012, room cho nhà đầu tư nước ngoài tại MPC đã mở lại và được trở về mức 49% vốn điều lệ như bình thường.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 sắp tới, MPC dự kiến tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phần riêng lẻ này. Ngoài ra, MPC còn trình cổ đông kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ chủ chốt, tăng vốn ở Minh Phú - Hậu Giang từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, dự tính đầu tư 1 triệu USD để thành lập Viện nghiên cứu tôm. Kế hoạch nào cũng cần gọi thêm vốn lớn, nên room cho nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng là câu chuyện đáng quan tâm. Nếu hủy niêm yết cổ phiếu, những giao dịch qua sàn sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, những giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu đáng kể ở doanh nghiệp khi đó sẽ không buộc phải công bố thông tin. 

Tuy nhiên, ông Toán khẳng định, hủy niêm yết cổ phiếu MPC mới chỉ dừng ở ý định của một vài cổ đông và sẽ được đưa ra bàn thảo kỹ càng. Bởi ngay mỗi thành viên HĐQT cũng đã có những quan điểm khác nhau liên quan đến câu chuyện này. Vì thế, quyết định ra sao sẽ còn tùy ở cổ đông tại đại hội diễn ra vào ngày 16/5/2013.

Theo đại diện Sở GDCK TP. HCM (HOSE), doanh nghiệp chỉ được hủy niêm yết tự nguyện khi có trên 50% cổ đông nhỏ đồng ý. Đây có thể không phải là vấn đề quá khó với MPC, vì theo Báo cáo thường niên 2012, cổ đông lớn hiện nắm khoảng 81% vốn tại công ty này, trong khi cổ đông nhỏ ước chỉ nắm khoảng 19% vốn. Đáng nói, trong tổng số cổ đông nhỏ, các thành viên liên quan trong HĐQT, Ban kiểm soát đã nắm gần 9%.

Cũng theo HOSE, ngoài việc được cổ đông nhỏ tán thành, doanh nghiệp phải có hướng giải quyết quyền lợi cho cổ đông khi lên phương án hủy niêm yết. Những công việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian, nên dù được ĐHCĐ thông qua thì cổ phiếu MPC cũng chưa thể hủy niêm yết ngay lập tức.