Theo ông, đâu là những thay đổi nổi bật trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP và những thay đổi này có ý nghĩa như thế nào trong việc thu hút đầu tư tư nhân tham gia các dự án hạ tầng?
Cùng ở cấp nghị định nên chúng ta không thể kỳ vọng nghị định mới sẽ thay đổi toàn diện, tháo gỡ toàn bộ vướng mắc trong thời gian qua về PPP. Tuy nhiên, với sự cầu thị, nỗ lực của Chính phủ, Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã sửa đổi nhiều nội dung, góc cạnh của quy định hiện hành.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng
Một số điểm nổi bật của nghị định mới đó là quy định rõ về quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP nói chung cũng như các dự án có quy trình đặc thù đối với dự án sử dụng công nghệ cao, hay quy trình chặt chẽ đối với dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Bên cạnh đó, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP đã được quy định rõ tại nghị định lần này theo từng loại dự án và nhu cầu sử dụng nguồn lực nhà nước (trung ương hay địa phương) trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, tăng tính trách nhiệm của người đứng đầu.
Nghị định bổ sung nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ các nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công để phù hợp với tính chất của các loại hợp đồng PPP và tăng cơ hội triển khai dự án PPP tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính (ví dụ điển hình là các bệnh viện công lập đang quá tải).
Đối với các dự án BT, Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định theo hướng chặt chẽ hơn, theo đó, dự án BT chỉ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi đã có thiết kế và dự toán được phê duyệt; quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được định rõ ngay trong giai đoạn lập báo cáo cáo nghiên cứu khả thi, với yêu cầu phải được phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có).
Đặc biệt, Nghị định mới giúp minh bạch nội dung cơ bản hợp đồng PPP đã được ký kết thông qua việc quy định thời gian và các nội dung thông tin cơ bản hợp đồng PPP phải được công khai để tăng tính minh bạch, tính giải trình và đặc biệt làm tăng khả năng giám sát của người dân, xã hội.
Ngoài ra, nghị định mới về PPP đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về lĩnh vực đầu tư, hợp đồng dự án, tăng cường việc phân cấp, yêu cầu về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, yêu cầu về thời điểm chuyển nhượng dự án...
Những thay đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư về môi trường đầu tư công khai, minh bạch, các dự án khi đưa ra đấu thầu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Tuy nhiên, cần phải khẳng định với các nhà đầu tư một thông điệp rằng, việc tuân thủ và thực hiện theo đúng quy định sẽ là cách thức để đầu tư một cách hiệu quả và an toàn.
Liệu Nghị định 63/2018/NĐ-CP có giải quyết được triệt để các bất cập trong đầu tư BOT, BT giao thông mà dư luận xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua hay không?
Hiện nay, dư luận đề cập nhiều tới việc công khai, minh bạch về thông tin của dự án; việc áp dụng chỉ định thầu phổ biến... Riêng đối với dự án BT, thực trạng được dư luận phản ánh chủ yếu là về tính chính xác của giá trị công trình BT và giá đất thanh toán.
Như đã trao đổi, Nghị định 63/2018/NĐ-CP phần nào đã giải quyết được các bất cập về chính sách, như việc yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư bài bản hơn; trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải tham vấn ý kiến các bên có liên quan; thông tin dự án phải công bố công khai; hợp đồng sau khi ký kết cũng phải công bố thông tin để người dân giám sát…
Tuy nhiên, một số nội dung chưa thể quy định trong văn bản ở cấp nghị định, mà cần phải được thể chế tại cấp luật như chế tài xử lý vi phạm, cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các rủi ro có thể xảy ra trong dự án PPP... Do đó, về lâu dài, Luật đầu tư theo hình thức PPP cần phải được nghiên cứu, xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ này.
Cần khẳng định rằng, một chính sách tốt không thể biến một dự án tồi thành một dự án tốt và càng không thể tháo gỡ được vướng mắc khi người đứng đầu các cơ quan thực thi không quyết tâm và nghiêm túc thực hiện. Để giải quyết triệt để các vướng mắc, chúng ta cần thời gian và các giải pháp đồng bộ, từ khâu định hướng rõ ràng, thống nhất đến việc cải cách thể chế và tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi dự án PPP cụ thể.
Kế hoạch xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP như thế nào, thưa ông?
Khung pháp lý về PPP hiện nay đã tương đối đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số đối tác phát triển và các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá, đầu tư PPP tại Việt Nam vẫn còn rủi ro vì chưa có các quy định rõ ràng về các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ.
Trong quá trình xây dựng Nghị định 63/2018/NĐ-CP, cơ chế bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng để thảo luận, xây dựng, nhưng còn vướng nhiều luật và cần thêm cơ sở thực tiễn từ một số dự án cụ thể. Do đó, nội dung này chưa được thể chế tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP, mà sẽ thể chế trong Luật về PPP.
Về tiến độ xây dựng Luật PPP, vừa qua, căn cứ hồ sơ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP, trong đó chỉ đạo Bộ sớm trình Quốc hội dự thảo Luật này, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) để cho ý kiến và sẽ được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019).