Minh bạch sẽ tạo dựng được niềm tin

Minh bạch sẽ tạo dựng được niềm tin

(ĐTCK) "Minh bạch sẽ tạo dựng được niềm tin. Mà ở vào thời điểm này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần xây dựng niềm tin để vươn tới". ĐTCK xin giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh dành riêng cho ĐTCK.

Năm 2013 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,42% và kiềm chế lạm phát ở mức 6,04%.

Có thể nói, 10 năm qua, Việt Nam mới có được mức lạm phát thấp như vậy và với kết quả này, kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định. Đây chính là thành công nổi bật nhất, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, có thể kể những điểm sáng khác của nền kinh tế, như tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, với trên 132 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh, tăng hơn 54% so với năm trước đó, đạt trên 21,6 tỷ USD...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh việc nền kinh tế phục hồi chậm, thì kinh tế vĩ mô cũng chưa thực sự vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới. Hàng loạt vấn đề khác của nền kinh tế, như tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, sự suy giảm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản... vẫn là những thách thức lớn của nền kinh tế.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay khi nhiệm kỳ mới bắt đầu, chúng tôi đã dự báo, hệ thống doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và đó là một trong những lý do khiến việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm không đơn giản.

Năm 2013, dù số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng dần, nhưng vẫn có tới hơn 60.000 doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Điều đó cho thấy, nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong xu hướng nền kinh tế đang nhích dần lên, năm 2014, tăng trưởng GDP sẽ cao hơn. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là GDP tăng 5,8% trong năm nay, còn năm 2015 là tăng 6 - 6,2%.

Chính phủ vừa thông qua 9 nhóm giải pháp để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Nếu những giải pháp này, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, được thực hiện quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, thì tôi cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Dù vậy, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với ổn định kinh tế hay không phụ thuộc vào chính chúng ta. Việt Nam có cải cách mạnh mẽ và cải cách đúng vào những lĩnh vực cần cải cách hay không? Nếu không, hai năm tới, cũng chưa thể có tăng trưởng mạnh; 5 năm sau còn khó khăn hơn nữa.

Nếu Việt Nam không đổi mới thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nhưng vấn đề là, đổi mới ở đâu, cái gì, thế nào…? Theo tôi, đổi mới thể chế là một trong những đổi mới căn bản và quan trọng nhất. Hiện nay, tôi đang chủ trì cùng các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng lộ trình cho việc đổi mới thể chế của Việt Nam.

Quá trình đổi mới đòi hỏi chúng ta sự minh bạch. Đất nước này cần sự minh bạch, không minh bạch, chúng ta sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Chẳng hạn, hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước phải được công bố công khai, minh bạch, nợ ở đâu, lỗ ra sao, hiệu quả thế nào, để tránh lặp lại các sai lầm của Vinashin, Vinalines. Nếu không minh bạch khối doanh nghiệp này, kinh tế nước ta sẽ còn khó khăn.

Chuyện minh bạch vấn đề đầu tư công cũng vậy. Năm nay, tôi rất mừng là sau 7 năm, Luật Đầu tư công đã hoàn thành và được thông qua ở bước đầu. Tại sao chúng ta sử dụng một khoản vốn lớn của Nhà nước để đầu tư, mà lại không có luật điều chỉnh? Nếu không ban hành Luật Đầu tư công, thì không thể khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát. Tình trạng này càng kéo dài, nợ công càng lớn.

Minh bạch sẽ tạo dựng được niềm tin. Mà ở vào thời điểm này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần xây dựng niềm tin để vươn tới. Giữ vững niềm tin và tiếp tục cải cách là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

>>Minh bạch để phát triển