Ông Nguyễn Ngọc Anh

Ông Nguyễn Ngọc Anh

Minh bạch phải nhất quán

(ĐTCK) Việc doanh nghiệp chủ động minh bạch thông tin khi sản xuất - kinh doanh thuận lợi là khá dễ dàng, nhưng vào những thời điểm khó khăn lại không đơn giản.

CTCP Đầu tư thương mại SMC (HOSE: SMC) là một trong số không nhiều doanh nghiệp niêm yết duy trì được sự nhất quán về tính minh bạch trên thị trường hiện nay. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC về vấn đề này.


Được biết, SMC hiện đang công bố kết quả kinh doanh theo tháng, tức là đã “vượt chuẩn” yêu cầu công bố theo quý của các cơ quan quản lý. Điều này xuất phát từ đâu, thưa ông?

Từ khi SMC cổ phần hóa vào năm 2004 và lên sàn vào năm 2006, tôi đã xác định minh bạch là trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp với các cổ đông của mình, chứ không có chuyện tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại.

Khi SMC công bố lỗ vào tháng 1/2012, mặc dù chỉ lỗ nhẹ (dưới 1 tỷ đồng), một số người đã tỏ ra gay gắt, nhưng tôi nói rằng, mình làm như thế nào thì công bố như vậy. Cổ đông dù nhỏ hay lớn cũng có vai trò như một lực hãm rất mạnh mẽ để giữ cho người lãnh đạo đi đúng chiến lược. Công ty cổ phần muốn phát triển phải tạo ra sự liên kết giữa các nhà quản trị với cổ đông thông qua việc công bố thông tin kịp thời, chính xác.

 

Theo quan sát của tôi, BCTN của SMC trong 3 năm gần đây luôn được đầu tư rất kỹ cả về nội dung lẫn hình thức, xin ông cho biết nguyên nhân?

Sự phát triển của SMC đến ngày hôm nay dựa trên 2 nền tảng là sức mạnh tài chính và sức mạnh sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, hai phần trong BCTN được SMC đặc biệt chú trọng là phân tích tài chính và chiến lược kinh doanh. Ngành thép không có bí mật kinh doanh, ăn thua ở chỗ mình có làm tốt chức năng của mình hay không mà thôi và BCTN chính là cơ hội tốt nhất để các cổ đông thấy được điều này.

Tháng 6/2011, nhà máy cơ khí thép (coil center) thứ 2 của SMC tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, mặc dù ngành thép đã và đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn. Chúng tôi công bố điều này trong BCTN để các cổ đông, nhà đầu tư thấy được chủ trương đầu tư của SMC những năm vừa qua là đúng đắn. Hiện SMC đang giữ thị phần phân phối thép tại phía Nam là 15% và thị phần cả nước là 5%.

Theo thời gian, trình độ và nhận thức của nhà đầu tư và cổ đông sẽ sâu sắc hơn. Chính vì vậy, chúng tôi đã trao đổi với không ít cổ đông để tìm hiểu nhu cầu thông tin của họ. Như năm 2011 vừa qua, cổ đông quan tâm hàng tồn kho của SMC bao nhiêu, nợ ngân hàng nào, lãi suất ra sao, chúng tôi đều đưa và thông tin rõ ràng. Ngoài việc thông tin cho từng năm, chúng tôi cũng xâu chuỗi, liên kết để duy trì mạch thông tin giữa các năm với nhau hoặc làm rõ thêm những thông tin đã công bố để phục vụ các cổ đông. Nhờ đó, BCTN của SMC luôn có tính chất thống nhất về mặt thông tin chiến lược, nhưng cũng cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn sản xuất.

 

SMC sẽ làm gì để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng BCTN của mình?

TTCK không chỉ có nhà đầu tư trong nước mà còn có nhà đầu tư nước ngoài. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tôi được biết BCTN là một trong những căn cứ quan trọng nhất khi họ tiếp cận và nghiên cứu về doanh nghiệp. SMC cũng đã xác định chiến lược của mình trong thời gian tới đây không chỉ giữ vững thị phần trong nước mà còn hướng ra ngoài nước. Chính vì vậy, BCTN của SMC sẽ phải được chuẩn hóa hơn nữa để các đối tác hiểu biết và tin tưởng vào chúng tôi nhiều hơn.