Minh bạch là cách tốt nhất để có được niềm tin

Minh bạch là cách tốt nhất để có được niềm tin

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các thông lệ quốc tế tốt, như vẫn còn thiếu khung pháp lý và hướng dẫn đầy đủ về việc thực hiện báo cáo thường niên (BCTN) của DN.

Đó là quan điểm của ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

 

Thưa ông, việc thực hiện BCTN có vai trò như thế nào trong việc thể hiện cam kết minh bạch của các DN, đặc biệt là DN niêm yết?

Tính minh bạch hiện đã thực sự trở thành mối quan tâm của đa số công ty niêm yết tại Việt Nam. Các công ty đang bắt đầu hiểu rằng, cách tốt nhất để có được niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư là sự cam kết dài hạn về việc minh bạch trong báo cáo và công bố thông tin. BCTN là một trong những phương tiện chính để DN truyền thông tới các nhà đầu tư và hiện tại, các DN Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định để thể hiện sự minh bạch thông qua kênh truyền thông quan trọng này. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, vẫn còn một chặng đường dài đối với các DN Việt Nam để việc thực hiện BCTN có thể đạt tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt.

Ở cấp độ cơ quan quản lý, Việt Nam đã tích cực đưa ra các quy định nhằm tăng cường tính minh bạch của các công ty. Chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn công bố thông tin (Thông tư 09/2010 và Thông tư 52/2012) áp dụng đối với các công ty đại chúng. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty Việt Nam ấn hành năm 2011 của IFC, việc công bố thông tin và mức độ minh bạch của các công ty Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn thông lệ quốc tế. Báo cáo đã xem xét thông lệ quản trị công ty, trong đó có các thông lệ về công bố và minh bạch thông tin, của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên hai Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM. Với tỷ lệ đáp ứng các thông lệ quốc tế tốt đạt 43,2% năm 2010 trong việc công bố và minh bạch thông tin (tăng nhẹ so với mức 39,4% năm 2009), các thông lệ đang áp dụng tại các công ty Việt Nam cần được cải thiện hơn.

Tôi rất vui mừng được biết thông tư mới về công bố thông tin (Thông tư 52) vừa được ban hành sẽ giúp các công ty tăng cường mức độ công bố thông tin trong BCTN, bao gồm thông tin về cơ cấu sở hữu cổ phần, báo cáo hoạt động của HĐQT và ban giám đốc, báo cáo thù lao, báo cáo quản trị công ty, các rủi ro kinh doanh có thể tiên liệu. Bước tiếp theo là các công ty cần áp dụng, tuân thủ quy định mới và có thể còn cần làm tốt trên mức quy định thông qua việc tự nguyện áp dụng các nguyên tắc minh bạch cao hơn.

 Minh bạch là cách tốt nhất để có được niềm tin ảnh 1

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư trao kỷ niệm chương cho các DN niêm yết tham dự Cuộc bình chọn BCTN lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (năm 2008)

 

Ông nhìn nhận thế nào về lộ trình hướng tới sự minh bạch của các DN Việt Nam?

Giống như các nền kinh tế đang chuyển đổi khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các thông lệ quốc tế tốt. Chẳng hạn như, vẫn còn thiếu khung pháp lý và quy định hướng dẫn hoàn thiện về việc thực hiện BCTN của DN.  Tuy nhiên, tôi nhận thấy trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập, do đó các công ty trong nước đã bắt đầu nhận thấy rằng, việc tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt sẽ giúp tăng cường tính minh bạch một cách hiệu quả, qua đó mang lại lợi ích cho công ty. Các DN Việt Nam giờ đây đã bắt đầu nhìn nhận rằng, áp dụng các thông lệ tốt trong thực hiện BCTN sẽ giúp DN nâng cao khả năng thu hút những nguồn vốn chất lượng hơn với chi phí rẻ hơn.

Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất do Sở GDCK TP. HCM, Báo ĐTCK và Dragon Capital đồng tổ chức trong 5 năm qua đã giúp các DN trong nước quan tâm hơn tới những vấn đề này, qua đó góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng BCTN. Tôi tin rằng, những thay đổi gần đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh chất lượng BCTN và tăng cường tính minh bạch của các công ty. Trong bối cảnh hiện nay, cũng cần phải nâng cao năng lực báo cáo tài chính, kế toán của DN và áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính, kế toán quốc tế tại DN.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế trong việc thực hiện BCTN của các DN. Theo ông, đâu là nguyên nhân và để giải quyết thì cần những giải pháp gì?

Trách nhiệm chính nằm ở phía DN, vì DN cần hiểu rằng, tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các Nguyên tắc Quản trị công ty của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là chuẩn mực quản trị công ty quốc tế dành cho các nhà hoạch định chính sách và công ty, đồng thời có thể sử dụng làm cơ sở hướng dẫn tại Việt Nam. Bộ nguyên tắc OECD ủng hộ việc phát triển các tiêu chuẩn chất lượng cao được quốc tế công nhận, có vai trò nâng cao tính minh bạch và khả năng so sánh của các báo cáo tài chính cũng như các thông tin tài chính và phi tài chính khác giữa các quốc gia.

Các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ bước chuyển tích cực nhằm tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng cho BCTN của các công ty trong nước bằng cách đưa ra nhiều quy định pháp lý chi tiết hơn để hướng dẫn việc lập BCTN phù hợp với Bộ nguyên tắc OECD. Nhà nước - với vai trò là cổ đông lớn của nhiều công ty - có nhiều thuận lợi trong việc ủng hộ sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thông qua người đại diện vốn nhà nước trong HĐQT các công ty. Bộ nguyên tắc OECD cũng nên được áp dụng và đưa vào các điều kiện bắt buộc đối với các DN Việt Nam muốn được niêm yết trên TTCK.

 

Liệu những kinh nghiệm nào của IFC trong hoạt động nâng cao sự minh bạch của DN trên thế giới có thể áp dụng tại Việt Nam, thưa ông?

Là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân, kinh nghiệm thực tiễn của IFC cho thấy, việc tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt về tính minh bạch sẽ giúp gia tăng giá trị thị trường và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của công ty. Các nguyên tắc quản trị công ty của OECD là một bộ nguyên tắc bao gồm các chuẩn mực quốc tế mà các công ty Việt Nam có thể áp dụng để đảm bảo sự minh bạch tốt hơn.

Tại nhiều quốc gia, một lượng thông tin lớn, bao gồm thông tin bắt buộc và tự nguyện, về các công ty niêm yết và công ty chưa niêm yết lớn được thu thập và cung cấp cho một loạt người sử dụng. Thông tin thường được công bố công khai ít nhất là mỗi năm một lần, một số quốc gia quy định công bố thông tin nửa năm hoặc ba tháng một lần, thậm chí thường xuyên hơn trong trường hợp có sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới công ty. Các công ty thường công bố thông tin tự nguyện thường xuyên hơn mức quy định để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong thập kỷ qua, thị trường ngày càng đòi hỏi các DN phải minh bạch về các hoạt động môi trường, xã hội và quản trị. Tuy nhiên, DN tại nhiều nền kinh tế đang phát triển vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về báo cáo hoạt động môi trường, xã hội và quản trị. Nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư tổ chức, cần biết những thông tin này để đưa ra quyết định đầu tư. Việc thiếu các báo cáo về hoạt động phát triển bền vững sẽ hạn chế đáng kể khả năng phân tích và phân bổ vốn của nhà đầu tư tới các công ty phát triển bền vững tại những thị trường mới nổi.

IFC đã nỗ lực trong nhiều năm nay để giải quyết vấn đề khó khăn về thông tin này. Một trong những nỗ lực đó là chương trình hợp tác của IFC với Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI). IFC nhìn nhận báo cáo về phát triển bền vững là xu hướng tất yếu và đúng lúc để tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin vào khu vực DN tư nhân, đồng thời là công cụ quản lý có thể giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới sản phẩm dịch vụ, củng cố quan hệ với các bên liên quan, gia tăng giá trị tên tuổi và thu hút nhà đầu tư.

Phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chính phủ cũng như cộng đồng DN trong nước, tôi tin rằng, IFC có thể hỗ trợ DN đáp ứng các thông lệ quốc tế tốt, qua đó góp phần đáng kể vào tăng cường tính minh bạch của DN Việt Nam.