Kết quả rà soát pháp luật Việt Nam về hải quan được công bố mới đây cho thấy sự tương thích cơ bản khi so sánh với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra là yêu cầu của EVFTA không chỉ đề cập tới những “chuẩn cải cách” tối thiểu từ góc độ pháp luật, mà còn nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng về hiệu quả thực hiện.
Pháp luật Việt Nam có sự tương thích cao…
Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra 2 kết luận. Thứ nhất, Pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích với EVFTA, ngoại trừ hai yêu cầu, đó là không phân biệt đối xử với DN nhỏ và vừa (SMEs) trong thủ tục hải quan ưu tiên và mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.
Thứ hai, EVFTA đòi hỏi “kết quả thực tế” chứ không chỉ “quy định” và trên khía cạnh này, Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.
“Lý do pháp luật Việt Nam có sự tương thích cao là vì các cam kết của EVFTA đều dựa trên yêu cầu của Công ước Kyoto (công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan). Việt Nam khi tham gia vào công ước này đã có sự sửa đổi phù hợp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết.
Về yêu cầu không phân biệt đối xử với SMEs, bà Trang cho rằng, hiện nay, tỷ lệ các DN được vào diện ưu tiên tại Việt Nam là quá thấp khi tính đến tháng 7/2015, con số này chỉ là 38/50.000 chủ thể có hoạt động xuất nhập khẩu.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho biết, quy định về mức kim ngạch khiến các SMEs sẽ không thể tiếp cận cơ chế ưu tiên. Bên cạnh đó, quy định tiêu chí “DN công nghệ cao” và “hàng hóa nhập khẩu cho dự án trọng điểm” (tại các Khoản 5 và 6, Điều 10, Nghị định 08/2015) tạo ra phân biệt đối xử giữa các chủ thể liên quan và chưa tuân thủ yêu cầu bắt buộc của EVFTA.
Bình luận về ý kiến của nhóm nghiên cứu, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia cao cấp trong ngành hải quan cho rằng, hải quan cần từng bước sửa đổi theo hướng giảm mức kim ngạch quy định để các SMEs được vào diện ưu tiên, tuy nhiên không đưa về mức quá thấp làm mất ý nghĩa thực tế của cơ chế này.
Đối với kiến nghị bãi bỏ quy định ưu tiên cho “DN công nghệ cao” và “hàng hóa nhập khẩu cho dự án trọng điểm”, theo ông Bình, đây là những lĩnh vực Nhà nước khuyến khích phát triển, việc ưu tiên này không ảnh hưởng tới lợi ích, không tạo áp lực cạnh tranh cho các DN khác nên không thể coi là phân biệt đối xử.
Về vấn đề “một giấy tờ hành chính duy nhất”, một trong 2 yêu cầu mà Pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng cam kết EVFTA, ông Bình cho biết, quy định này liên quan đến chuẩn mực chuyển tiếp thuộc Công ước Kyoto.
Theo đó, đối với những DN đáp ứng các điều kiện do hải quan quy định (tuân thủ pháp luật, có hệ thống sổ sách ghi chép đầy đủ các dữ liệu thương mại), thì được phép sử dụng 1 tờ khai hải quan xuất nhập khẩu toàn bộ lượng hàng của mặt hàng xuất/nhập khẩu thường xuyên trong một thời gian nhất định. Quy định này đã được luật hóa tại Khoản 5, Điều 29, Luật Hải quan và tại Nghị định 08/2015.
… nhưng chỉ là “trên giấy”
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, kết luận thứ 2 của nhóm nghiên cứu khi thực hiện rà soát, đó là EVFTA đòi hỏi “kết quả thực tế” chứ không chỉ “quy định”.
Phân tích điều này, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, EVFTA không chỉ yêu cầu Việt Nam phải có các quy định trong văn bản, mà còn yêu cầu về hiệu quả thực tế. Trên khía cạnh này, Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Hiệp định. Thực trạng của việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hải quan là minh chứng cụ thể .
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Thanh Hiền, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan đưa ra những ví dụ cho thấy, hiệu quả cam kết chỉ mới đạt được bằng các văn bản mà chưa có hiệu quả thực tiễn.
Cụ thể như, EVFTA có quy định không tính phí hải quan theo giá trị lô hàng, nhưng hiện nay vẫn còn một số loại phí được tính theo giá trị lô hàng như phí kiểm định chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu.
Đối với quy định “có website chính thức công bố các quy định pháp luật về hải quan và liên quan đến thương mại kể cả phí và lệ phí, yêu cầu có một hoặc vài điểm giải đáp, hỗ trợ thông tin vè quy định pháp luật hải quan và liên quan đến thương mại…”, trên thực tế, Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Theo bà Hiền, các cam kết liên quan đến các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, trong đó có những quy dịnh do nhiều cơ quan bộ ngành liên quan ban hành mà hải quan là cơ quan thực thi. Do vậy, để những biện pháp tạo thuận lợi thương mại thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, với một cơ chế phối hợp phù hợp.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Bình nhận định, theo báo cáo thì pháp luật hải quan Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các quy định về hải quan tại EVFTA, nên lẽ ra hoạt động thương mại phải rất thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế câu chuyện lại không như vậy bởi nguyên nhân từ 2 nhóm vấn đề, đó là nhóm vấn đề liên quan đến thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.
Theo vị chuyên gia này, luôn có một khoảng cách rất lớn giữa quy định của pháp luật và thực tế thực hiện. Vì vậy, chưa thể nói là Việt Nam đã đáp ứng cam kết của EVFTA về tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật.