Không giống như những thế hệ đi trước, Millennials được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội, số còn trẻ thì tiếp tục lớn lên song song với sự phát triển của kỹ thuật số, số còn lại lớn tuổi hơn thì đã gia nhập vào lực lượng lao động. Thế hệ Millennials phần lớn đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kết nối với nhau và điều này cũng làm cho các thương hiệu trở nên gần gũi với họ hơn.
Alistair Owen sử dụng phần lớn số tiền của mình dành cho quỹ dùng để du lịch và phục vụ phong cách sống.
“Tôi không tiết kiệm tiền để mua bất kỳ thứ gì. Tôi thích ra ngoài ăn tối ở những nơi đẹp đẽ, lượn vòng quanh các pub hay khám phá một địa điểm mới trên thế giới. Tôi cảm thấy mình dường như đang đánh mất cơ hội sống nếu tôi chọn mua một thứ gì đó”, Owen cho biết.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bắt đầu phản ánh cách sống và sự lựa chọn của thế hệ như Alistair Owen, thế hệ mang tên “Millennials”. Các cổ phiếu liên quan tới du lịch, hưởng thụ cuộc sống, bao gồm các quán pub, hàng không, nhà hàng đang dần trở thành át chủ bài, thay cho các cổ phiếu của nhà bán lẻ, ngay cả khi sự tự tin của người tiêu dùng đã tăng lên kể từ sau khủng hoảng tài chính.
Cổ phiếu của các công ty liên quan tới millennials có màn biểu diễn vượt trội
“Các trải nghiệm giúp thế hệ millennials định hình cách sống và tạo nên những ký ức, ở mức độ cao hơn so với các thế hệ trước đó. Giới đầu tư sẽ muốn tập trung vào các công ty chú tâm tới các sự kiện thể thao, lễ hội, trò chơi online, nền kinh tế chia sẻ, du lịch và phát hành âm nhạc. Đây là tất cả những trải nghiệm mà các millennials có thể chia sẻ với bạn bè của mình”.
Một khảo sát được thực hiện bởi hãng nghiên cứu thị trường Harris Poll và Eventbrite Inc cho thấy, tại các trang online bán vé, 78% thế hệ millennials chọn trả tiền cho các trải nghiệm kiểu như trên, thay vì mua một loại hàng hóa thông thường. Chưa kể tới việc, 82% millennials cho biết họ tới các sự kiện trong năm qua, như buổi hòa nhạc, lễ hội và 72% cho biết họ có kế hoạch tăng tiêu dùng ở những hoạt động như vậy.
78% thế hệ millennials chọn trả tiền cho các trải nghiệm, thay vì mua một loại hàng hóa thông thường
Andrew Oswald, giáo sư kinh tế học tại University of Warwick (Anh) cho biết, ngày nay, nhưng người tiêu dùng trẻ tuổi cảm thấy họ đã sở hữu đủ những thứ cần thiết. Họ cần các loại “hàng hóa” thay thế nhằm thỏa mãn khát khao khác các thế hệ trước đây.
Bằng chứng mới đây nhất là cách millennials sử dụng số tiền tiết kiệm được nhờ giá năng lượng sụt giảm. Theo dự án mới nhất về số liệu bán lẻ tại Anh, Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn đối với các loại hàng hóa trong dịp lễ, khiến doanh thu của Macy Inc cho tới Best Buy Co đều giảm sút.
Trong khi đó, doanh thu của các công ty như Greene King Plc, sở hữu một chuỗi các quán pub tăng mạnh. Doanh thu của hãng hàng không giá rẻ Ryannair Holdings Plc và EasyJet Plc tăng gấp 7 lần kể từ khủng hoảng kinh tế xảy ra. Cổ phiếu của khu trượt tuyết Vail Resorts Inc tăng hơn 700% kể từ mức đáy tại thị trường Mỹ năm 2009…
Giới đầu tư sẽ sớm nhận ra sự dịch chuyển này và tập trung vào thế hệ millennials, đầu tư vào các công ty liên quan tới mạng xã hội, thương mại điện tử, giải trí, công nghệ di động, sức khỏe, phong cách sống và du lịch.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Nielsen về Phong cách sống trên toàn cầu 2015, thế hệ millennials không có niềm vui tích lũy để mua được những đồ vật mà thế hệ cha mẹ họ mong muống. Chỉ 15% millennial coi việc mua 1 chiếc ô tô là một trong những ưu tiên hàng đầu, đối với một chiếc túi xách hàng hiệu là 10%.
“Mọi người muốn mua sự hạnh phúc. Một trải nghiệm luôn luôn trở nên đặc biệt bởi nó trao cho con người 3 thứ: chờ đợi để tham gia, tham gia được sự kiện và kỷ niệm sau đó. Không chỉ thế, họ còn có thể chia sẻ chúng với tất cả mọi người”, Jack Huang, người sáng lập Truly Experiences cho biết.