Khi câu hỏi được báo chí đặt ra cho lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, đã bật ngược lại: “Phải hỏi tính thượng tôn pháp luật ở đâu?”.
Nửa đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận được 5/45 doanh nghiệp theo kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Trong khi nhiều bộ ngành, địa phương không muốn triển khai thực hiện bàn giao về cho SCIC.
Ông Chi lấy ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải bàn giao 6 doanh nghiệp, có 5 doanh nghiệp đã chốt xong sổ sách giấy tờ, nhưng mãi chưa bàn giao được.
Lẽ ra xong thủ tục doanh nghiệp nào thì bàn giao doanh nghiệp ấy, nhưng Bộ bảo không, bàn giao thì phải bàn giao cả gói.
Hay Bộ Công Thương, phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã được rà soát xong hết thủ tục rồi mà chờ mãi Bộ chưa ký, phần vốn tại Tổng công ty Thép Việt Nam cũng vậy, được viện dẫn hết lý do này đến lý do khác.
Có phải SCIC chỉ nhận doanh nghiệp tốt? Ông Chi nói thẳng là không phải. Nếu có tồn tại về tài chính, SCIC sẽ tái cơ cấu, sổ sách cũng chốt rõ tồn tại do đâu, từ bao giờ, nên SCIC không lo nhận doanh nghiệp xấu.
Ông lo ở chỗ nếu đà này cứ tiếp diễn, danh sách những doanh nghiệp thua lỗ, mất hết vốn Nhà nước nối dài thì tới đây không biết SCIC sẽ nhận và bàn giao kiểu gì.
Theo Quyết định 1232 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn Nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương với tổng số vốn Nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).
Dù đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương, tuy nhiên tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ bộ ngành, địa phương về SCIC còn rất chậm.
Lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232 ngày 17/8/2017 đến hết tháng 6/2018, SCIC mới tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 ủy ban nhân dân tỉnh.
Còn nếu theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP, trong đó quy định rất rõ về đối tượng, trình tự và thời hạn chuyển giao thì hiện vẫn có hàng trăm doanh nghiệp chưa được chuyển giao về SCIC.
Trong một cuộc họp mổ xẻ vấn đề này từ năm ngoái, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nguyên nhân trì hoãn chuyển giao là lo mất lợi ích.
Còn chuyên gia Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, thẳng thắn nói rằng: “Chính phủ giao, nhưng bộ và địa phương không làm, trước hết là vì lợi ích, vì sân sau. Thứ hai là do thiếu chế độ kỷ luật hành chính, không làm không phải chịu trách nhiệm pháp lý”.
Giải pháp được ông Huệ đề xuất là Chính phủ rà soát lại thực trạng, ra nghị quyết và yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cam kết thực hiện; nếu không làm được thì cách chức.
Nhìn rộng hơn, nền kinh tế đang có không ít câu chuyện mắc mớ như việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC. Nếu kỷ cương phép nước không nghiêm minh, ai sẽ tự nguyện tuân thủ để thúc đẩy cải cách?