Năng lượng tái tạo đã và đang mở ra một hướng phát triển mới, bền vững cho nhiều địa phương miền Trung - Tây Nguyên.
Trao đổi về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, dự kiến vốn đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời của tỉnh thời gian tới sẽ rất lớn. “Định hướng trong những năm tới, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển, bởi Phú Yên có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo”, ông Phạm Đại Dương chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 dự án điện mặt trời đã hoàn thành và vận hành thương mại với tổng công suất 413,3 MW. Cùng với đó, có 9 dự án điện gió đã được UBND tỉnh Phú Yên trình Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch Điện lực quốc gia, trong đó Dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ (công suất 200 MW) do Công ty TNHH HBRE Phú Yên làm chủ đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt, đang được triển khai xây dựng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Phú Yên có 17 dự án điện gió đăng ký đầu tư, với tổng công suất 930 MW. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất 4.381,3 MW, trong đó có 18 dự án điện mặt trời (tổng công suất 1.069,3 MW), 34 dự án điện gió (tổng công suất 3.012 MW). Chính vì vậy, tỉnh Phú Yên đã đưa năng lượng tái tạo trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế trong định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Năng lượng tái tạo đã mở ra một hướng phát triển mới cho nhiều địa phương miền Trung - Tây Nguyên. Với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư xây dựng, tỉnh Ninh Thuận đã tạo bước phát triển thần kỳ cho địa phương. Năm 2020, trong khi nhiều tỉnh gặp khó khăn trong tăng trưởng kinh tế vì Covid-19, thì tỉnh Ninh Thuận ghi nhận con số tăng trưởng cao, nhờ vào năng lượng tái tạo.
Tại Tây Nguyên, mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương bổ sung Dự án Nhà máy Điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk vào Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 2.090 tỷ đồng. Thời gian qua, hàng loạt nhà đầu tư đến Đắk Lắk khảo sát, lập dự án năng lượng.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 20 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, tổng công suất 10.448 MWp; 3 dự án đã lấy ý kiến, đang xem xét trình vào quy hoạch, công suất 585 MWp. Bên cạnh đó, 11 khu vực tiềm năng cũng được đề xuất đưa vào quy hoạch, với tổng công suất 9.900 MWp.
Đối với điện gió, 35 dự án đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch (tổng công suất 3.441,8 MW), 6 dự án đã lấy ý kiến các cơ quan chức năng, đang trình đưa vào quy hoạch (tổng công suất 5.699,5 MW), 3 dự án đang nghiên cứu khảo sát (tổng công suất 730 MW) và 9 khu vực có tiềm năng phát triển điện gió đề xuất đưa vào quy hoạch (công suất 1.440 MW).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành cả Nghị quyết về phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa các dự án điện gió, sinh khối, điện mặt trời vào vận hành, phát điện thương mại đạt công suất 2.000 - 3.000 MW; giai đoạn 2026 - 2030, công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đạt 3.000 - 4.000 MW, chiếm 26,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, Đắk Lắk sẽ xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và liên tục, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện.
Với tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời, các tỉnh Tây Nguyên đang trở thành điểm đến mới của nhà đầu tư. Vì vậy, trong định hướng phát triển kinh tế cho giai đoạn mới, các địa phương đều đưa năng lượng tái tạo trở thành khâu đột phá. Tại tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, địa phương này đã nhiều lần đề xuất Bộ Công thương xem xét bổ sung các dự án điện năng lượng tái tạo. Hiện Đắk Nông chỉ có 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 106,4 MWp được vận hành, quá ít so với tiềm năng. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết đã nhận được hồ sơ đề xuất thực hiện các dự án điện gió: Nam Bình 1, Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 (Đắk Song) của các nhà đầu tư. UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định quy hoạch. Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Nông cũng trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định quy hoạch 11 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.744 MWp.
Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 3 dự án, gồm: Dự án Nhà máy Điện mặt trời Cư K’nia (180 MWp), Dự án Nhà máy Điện mặt trời Ea T’ling (95 MWp), Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuyên Hà (130 MWp)…
Có thể thấy, năng lượng tái tạo đã và đang mở ra một hướng phát triển mới, bền vững cho nhiều địa phương miền Trung - Tây Nguyên.