Khu liên hợp gang thép Hòa Phát-Dung Quất đang thiếu nước cho sản xuất. Ảnh: H.M

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát-Dung Quất đang thiếu nước cho sản xuất. Ảnh: H.M

Miền Trung “khát” nước công nghiệp và sinh hoạt

Khu vực miền Trung đang báo động về việc thiếu nguồn nước thô cung cấp cho các dự án công nghiệp nặng, trong đó đặc biệt là các nhà máy luyện kim. Cùng với đó, thiếu hụt nguồn cung trên các sông gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng với người dân.

Hòa Phát đi xin nước thô

Mới đi vào vận hành sản xuất giai đoạn I của phân kỳ đầu tư thứ nhất, với sản lượng khoảng 6.000 tấn/ngày, nhưng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất có nguy cơ thiếu nguồn nước thô và đang phải đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi “giải khát”.

Ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - Dung Quất cho biết, nhu cầu sử dụng nước đang tăng thêm, an toàn nguồn nước cho các giai đoạn xây dựng về sau của Hòa Phát - Dung Quất là rất đáng lo ngại.

Theo ông Thọ, tổng lượng nước cung ứng cho sản xuất của phân kỳ thứ nhất giai đoạn I của dự án sẽ được đáp ứng khi đập ngăn mặn sông Trà Bồng hoàn thành. Song đến nay, dự án thi công đập ngăn mặn vẫn dở dang, nên khả năng hụt nguồn nước thô là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hơn nữa, khi Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát đang xây dựng thì cùng với đó, các nhà máy khác cũng đi vào vận hành, sản xuất, nên nhu cầu nước thô cho sản xuất cũng cao hơn. “Đề xuất bổ sung nguồn nước thô không chỉ tăng thêm cho giai đoạn đang sản xuất, mà còn đảm bảo an toàn cho dự án khi Hòa Phát đề xuất mở rộng nhà máy sâu hơn về phía hạ nguồn”, ông Thọ cho biết.

Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - Dung Quất đề nghị tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đấu nối nguồn nước thô cung cấp cho Khu liên hợp từ kênh B7 về đập Cà Ninh, đồng thời, nạo vét kênh Chính Bắc và kênh B7 để cấp nước cho Khu liên hợp vào mùa khô, sông Trà Bồng bị nhiễm mặn… để cấp nước thô cho Khu liên hợp mở rộng.

Ngoài ra, Công ty cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện 3 đập ngăn mặn, gồm đập sông Trà Bồng, đập Bình Nguyên và đập Bình Phước. “Có như vậy mới đủ lượng nước khoảng 49.188 m3/ngày đêm cho vận hành sản xuất”, ông Thọ nói.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, tạm thời UBND tỉnh mời chủ đầu tư dự án nâng cấp kênh B7, các đơn vị liên quan bàn hướng đầu tư nâng cấp hệ thống kênh B7 để bán nước công nghiệp cho các đơn vị có nhu cầu theo phương thức thị trường, đảm bảo tiến độ, khối lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu công nghiệp. Trong trường hợp chủ đầu tư hiện tại không đảm bảo khả năng thực hiện nâng cấp theo đúng nhu cầu sử dụng nước công nghiệp trên địa bàn thì chọn nhà đầu tư khác thực hiện.

Dân cũng khát

Khu vực duyên hải miền Trung với đặc điểm địa hình ngắn và dốc, nên khi thời tiết bất lợi, lượng mưa không đảm bảo thì các sông sẽ mất nước. Chưa kể, các nhà máy thủy điện dàn hàng ngang phía thượng nguồn chặn dòng, nắn dòng và giữ nước, khiến nước chảy về đồng bằng nhỏ giọt, thậm chí không chảy về.

Bước vào mùa khô, người dân miền Trung lại quay quắt nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục suy giảm, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước ở khu vực này trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn vào các cửa sông sẽ diễn ra sớm hơn và xâm nhập sâu hơn, dẫn đến nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ Phú Yên đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Đặc biệt, tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.

Tính toán nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp trong giai đoạn lâu dài thực sự nan giải với các địa phương miền Trung.    

    

Tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tính toán nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp trong giai đoạn lâu dài thực sự nan giải với các địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động đầu tư hồ chứa, xây đập ngăn mặn.

“Bình Định đã duyệt đồ án Quy hoạch cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2035 có diện tích tự nhiên 6.050 km2, bao gồm 11 đơn vị hành chính: TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết.

Trong khi đó, Phú Yên sẽ đầu tư xây dựng hồ chứa nước để tạo nguồn; kết nối các hồ thủy lợi, triển khai các giải pháp đưa nước ra vùng ven biển; nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện kênh mương; vận hành hợp lý hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông đảm bảo an toàn công trình và hạ du, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phòng chống thiên tai…

Phú Yên tính toán cấp nước chủ động cho diện tích đất trồng lúa 2 vụ với mức đảm bảo tưới 85%, trong đó đến năm 2030 có 30%, năm 2050 có 60% diện tích trồng lúa áp dụng  phương thức canh tác tiên tiến.

Còn tại TP. Đà Nẵng và Quảng Nam, biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ. Với Đà Nẵng, việc thủy điện Đăk Mi 4 chuyển hơn 50% tổng trữ lượng nước của lưu vực của sông Vu Gia sang sông Thu Bồn liên tục gây nên tình trạng nhiễm mặn và thiếu nước những năm qua. Để giải bài toán nước, Đà Nẵng đang cho thi công 2 tuyến đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ nhằm ứng phó khẩn cấp tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2020 và năm 2021.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, trong những năm tới, Thành phố sẽ xây dựng Nhà máy nước An Trạch và Nhà máy nước Bàu Nít khai thác nước ngọt từ hệ thống thủy lợi An Trạch để bảo đảm cấp nước sinh hoạt.

Tin bài liên quan