Quan điểm "không có lợi nhuận không phải nộp thuế" là đáp ứng trúng mong đợi của NĐT - Ảnh: Hoài Nam

Quan điểm "không có lợi nhuận không phải nộp thuế" là đáp ứng trúng mong đợi của NĐT - Ảnh: Hoài Nam

Miễn thuế, điểm tựa cho niềm tin trở lại?

(ĐTCK-online) Với việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội phương án miễn thuế chứng khoán, các chuyên gia cho rằng, cùng với diễn biến vĩ mô sáng hơn về cuối năm, thông tin này sẽ là một bệ đỡ tâm lý, giúp TTCK khởi sắc hơn.

Miễn thuế là cần thiết

Theo phương án miễn thuế TNCN đối với đầu tư chứng khoán được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua, sẽ miễn thuế từ ngày 1/8/2011 đến ngày 31/12/2012 đối với mức thuế 5% đánh vào cổ tức chia cho cá nhân (trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng), đồng thời miễn thuế 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc miễn thuế cổ tức chia cho cá nhân là để khuyến khích NĐT đầu tư vốn trực tiếp vào sản xuất - kinh doanh và đảm bảo bình đẳng với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm. Riêng cổ tức do các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính và các tổ chức tín dụng không được miễn, vì năm 2009 - 2010 các đơn vị này đều trả cổ tức với mức  trên 10%. Còn miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán nhằm góp phần ổn định TTCK trong bối cảnh khó khăn hiện tại, đồng thời huy động vốn cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.

"Thực tế, so với đầu năm nay, đến cuối tháng 6/2011, VN-Index giảm 11%, nên xét trên bình diện tổng thể  NĐT hầu như không có lãi, thậm chí lỗ. Bởi vậy, việc miễn thuế TNCN đối với đầu tư chứng khoán là cần thiết", ông Ninh nhấn mạnh.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, việc miễn thuế TNCN đối với đầu tư chứng khoán theo phương án đề xuất của Chính phủ nếu được thông qua sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.160 - 1.260 tỷ đồng. Nếu được Quốc hội ủng hộ phương án miễn thuế này, Chính phủ sẽ triển khai một số biện pháp tăng thu phù hợp đối với các đối tượng có thu nhập cao, để đảm bảo bù đắp khoản hụt thu từ miễn thuế thu TNCN cho một số đối tượng, trong đó có đầu tư chứng khoán.

 

Thuyết phục Quốc hội ủng hộ

Trong phần chốt phương án miễn thuế TNCN, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo phương án miễn thuế, cũng như Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTC-NS) của Quốc hội cần phối hợp để hoàn chỉnh phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua. Đồng thời, chuẩn bị thêm các luận cứ để thuyết phục Quốc hội ủng hộ phương án miễn thuế, nhằm hỗ trợ cho DN, cá nhân trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do Chính phủ thực hiện thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tế, một lý do có sức nặng để thuyết phục Quốc hội ủng hộ phương án miễn thuế chưa được đề cập sâu sắc trong Tờ trình miễn thuế của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UBTC - NS, cũng như trong phần thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sự bất hợp lý của Luật Thuế TNCN đối với đầu tư chứng khoán, khiến NĐT kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Điều này đang đi ngược lại với quan điểm lợi nhuận nhiều thì nộp thuế nhiều, không có lợi nhuận thì không phải nộp thuế của UBTC-NS.

Cụ thể, trong Báo cáo thẩm tra phương án miễn thuế của UBTC-NS có nêu: "Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh chứng khoán có giảm so với các năm trước đây, nên cần đảm bảo tính công bằng, hợp lý (lợi nhuận nhiều thì nộp thuế nhiều, lợi nhuận ít thì nộp thuế ít, không có lợi nhuận thì không nộp). Quan điểm "không có lợi nhuận không phải nộp thuế" là đáp ứng trúng mong đợi của NĐT, điều mà họ bức xúc từ lâu và mong mỏi các đại biểu Quốc hội thấu hiểu, để ủng hộ phương án miễn thuế của Chính phủ.

Sự bất hợp lý của Luật Thuế TNCN đang khiến NĐT thua lỗ nặng, nhưng vẫn phải nộp thuế. Điều này xuất phát từ cách thiết kế không phù hợp của Luật Thuế TNCN đối với đầu tư chứng khoán đã được các thành viên thị trường nhiều lần phản ánh, bởi Luật đưa ra hai phương án nộp thuế cho NĐT lựa chọn, nhưng trong thực tế áp dụng luật, phương án kê khai thuế (20% trên thu nhập) khi quyết toán thuế không có tính khả thi. Lý do là  NĐT nhỏ lẻ không chỉ tại Việt Nam, mà kể cả theo thông lệ quốc tế không thể thực hiện chế độ sổ sách kế toán như các tổ chức kinh doanh để quyết toán thuế. Do vậy, gần như toàn bộ NĐT đành phải chọn hình thức nộp 0,1%/giá trị chuyển nhượng. Đây là căn nguyên khiến NĐT đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư thua lỗ triền miên, nhưng vẫn phải nộp thuế một cách phi lý.          

Hữu Hoe

 

“TTCK có cơ hội diễn biến tích cực hơn”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVS)

 

 

Không thể phủ nhận TTCK vẫn đối mặt với ẩn số CPI vốn phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh, lũ lụt thời gian tới khá cao, có thể tác động bất lợi lên giá lương thực, thực phẩm. Phương án tăng giá điện vẫn còn bỏ ngỏ, cộng với nhu cầu tiêu dùng tăng dịp cuối năm sẽ khiến áp lực lạm phát còn rất nặng nề. Nếu hoá giải được ẩn số CPI, thì cơ hội cho TTCK khởi sắc là khả quan.

 

“Dần lộ diện điểm tựa cho niềm tin quay lại”

Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (APG)

 

 

Có ý kiến cho rằng, thị trường đang thiếu dòng tiền, nhưng dường như cái thiếu hơn lúc này là niềm tin. Bởi vậy, khi niềm tin trở lại thì cơ hội dẫn dắt dòng tiền khá triển vọng. Gần đây, quan sát thị trường cho thấy, không ít quỹ đầu tư gia tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt khá cao, cá biệt có quỹ nâng tỷ lệ này từ 5% lên 18%. Sau thời gian dài TTCK trầm lắng, trong khi lãi suất tiết kiệm khá hấp dẫn, một lượng tiền đáng kể chảy vào ngân hàng. Cùng với CPI nguội dần, hy vọng DN sẽ sớm tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất dễ thở hơn vào cuối năm. Một khi NĐT lấy lại được niềm tin, thì sức cầu cho thị trường sẽ có cơ hội được cải thiện trong thời gian còn lại của năm.

Miễn thuế, điểm tựa cho niềm tin trở lại? ảnh 1

Tuy còn đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy  triển vọng để TTCK có một kịch bản sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm nay là khá tích cực. Những bất hợp lý của chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chứng khoán, nếu được khắc phục sớm bằng việc Quốc hội thông qua phương án miễn thuế như Chính phủ trình, thì sẽ hỗ trợ tốt cho tâm lý thị trường. Diễn biến này cộng với vĩ mô đang ngày một thêm ổn định đang dần lộ diện điểm tựa cho niềm tin quay lại.

TTCK 6 tháng cuối năm có cơ hội diễn biến tích cực hơn so với đầu năm, bởi vĩ mô đang dần ổn định và tiếp tục đi đúng hướng. Khi lạm phát dịu thêm, thì cơ hội cho lãi suất đi xuống càng trở nên rõ rệt và đây là điều TTCK đang mong đợi nhất. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài có thể sẽ kích thích dòng tiền quay lại TTCK khi cơ hội trở nên rõ nét hơn. Thông tư 74/2011/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho NĐT giao dịch trong ngày. Nếu Quốc hội chính thức thông qua phương án miễn thuế cho NĐT từ 1/8/2011 đến hết năm 2012, cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho tâm lý của NĐT.