Ông Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Ông Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Miễn thuế cho cư dân biên giới có tiếp tay cho buôn lậu?

Dự thảo Luật Thuế xuất - nhập khẩu (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11, tiếp tục thực hiện miễn thuế cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng. “Chính sách này gián tiếp hỗ trợ cư dân biên giới nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo”, ông Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh việc nên hay không miễn thuế đối với hàng hóa mà cư dân biên giới mua bán, trao đổi trong hạn mức với nước bạn có chung đường biên giới. Quan điểm của ông thế nào?

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế xuất - nhập khẩu (sửa đổi), ý kiến phản đối cho rằng, Việt Nam có tổng chiều dài đường biên giới rất dài (4.639 km), nếu tiếp tục miễn thuế cho cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa với cư dân nước bạn vô hình trung tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính sách thương mại biên giới có vị trí rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương có đường biên giới, đồng thời giải quyết đời sống, sinh hoạt của người dân đang sống ở vùng phên dậu của Tổ quốc, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo.

Việc miễn thuế cho cư dân biên giới được thực hiện từ năm 2003 và thực tế cho thấy, chính sách này góp phần đáng kể khiến hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng. Theo ông, chống tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi thuế cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa với cư dân nước bạn bằng cách nào?

Theo tôi, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các trạm đường biên và tuyến đường vận chuyển hàng hóa vào nội địa; làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân, tránh để cho đối tượng buôn lậu, hoạt động bất hợp pháp lợi dụng.

Quan trọng hơn, phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương giáp ranh vì khi có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, người dân sẽ không đi “cõng hàng” cho buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu qua biên giới.

Buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới ngày càng phức tạp, nhức nhối vì ngay cả việc phát hiện cư dân biên giới mua hàng hóa ở nước ngoài về sử dụng hay tiếp tay cho buôn lậu cũng không dễ dàng gì, thưa ông?

Theo tôi, phát hiện tình trạng thu gom hàng hóa cho “đầu nậu”, tiếp tay cho buôn lậu không khó. Ví dụ, kể từ ngày 15/2/2016, theo Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới vừa được Bộ Công thương ban hành, cư dân biên giới được miễn thuế khi mua cầu dao, rơ le, công tắc, bộ triệt xung điện, phích cắm, đui đèn; bút bi, bút chì, bút phớt các loại…

Nếu cư dân biên giới mua mỗi loại vài ba thứ, thì chắc chắn họ mua về để sử dụng, còn nếu mua nhiều chắc chắn là có hiện tượng gom hàng cho “đầu nậu”. Khi phát hiện hiện tượng này, cơ quan hải quan dứt khoát không cho miễn thuế, kể cả giá trị hàng hóa mua chưa đến 2 triệu đồng.

Nếu chống được tình trạng gom hàng, tiếp tay cho buôn lậu, theo ông có nên nâng mức giá trị được miễn thuế hay không, vì mức miễn thuế 2 triệu đồng/người/ngày đã thực hiện 10 năm?

Gia đình cư dân giáp biên thường nghèo và đông nhân khẩu. Giả sử gia đình có 5-6 người, mỗi lần họ qua chợ đường biên, khu vực cửa khẩu mua hàng thì tổng giá trị mua hàng được miễn thuế đã lên tới 10-12 triệu đồng, số tiền quá lớn với người dân và cũng quá lớn nếu chỉ mua hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Do vậy, chưa nên tăng giá trị hàng được miễn thuế. Nếu tăng sẽ gián tiếp tiếp tay cho buôn lậu, vì “đầu nậu” sẽ thuê nhiều người qua biên giới mua hàng, mỗi người chỉ mua các loại hàng hóa mỗi thứ một ít đem về nội địa gom lại và chuyển sâu vào thị trường nội địa.

Tin bài liên quan