Tại Việt Nam, sau khi tổ chức thành công kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2007, ban tổ chức đã có hội thảo hợp tác với các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài. Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra yêu cầu trong 10 đến 20 năm tới, Toán học Việt Nam đứng vào hàng thứ 20 trên thế giới; các nhà Toán học phải xây dựng chương trình phát triển Toán quốc gia để trở thành cường quốc thế giới về Toán học.
Ngày 17/8/2010, Chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020. Qua 10 năm, chương trình đã đạt được nhiều thành quả. Ngày 22/12/2020, Chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trên thế giới...
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030 đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 của thế giới về lĩnh vực toán học, trong đó có ít nhất hai cơ sở được xếp hạng trong top 400.
Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong Danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 - 2020.
Tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ Chương trình so với giai đoạn 2010 - 2020.
Phấn đấu có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu - phát triển với nhà nước, doanh nghiệp.
Hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 02 công bố trên các tạp chí SCIE.
Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Việt Nam cũng đề ra mục tiêu xây dựng Hệ tri thức các khoa học về Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa.
Để đạt được những mục tiêu trên, “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030” đề ra một loạt các nhiệm vụ, giải pháp, như: Đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức Toán học; Thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao; Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán; Hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán; Xây dựng và phát triển Hệ tri thức các khoa học về Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa; Xây dựng, củng cố và phát triển Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và một số trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Toán học mạnh của Việt Nam; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Toán học.
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc dạy Toán cho học sinh bậc Tiểu học đóng vai trò rất quan trọng đối với cả quá trình học Toán của học sinh.
Ở những lớp học đầu tiên, thầy cô phải làm cho học sinh thích học Toán, yêu môn Toán, thấy rằng học Toán là có lợi cho bản thân, gia đình, đóng góp cho đất nước chứ không chỉ để thi cử. Khi đó, việc học sẽ thực chất hơn và chính các em sẽ trở thành những hạt giống tốt trên con đường đưa Việt Nam trở thành cường quốc Toán học trong tương lai.
Để thực sự thúc đẩy sự sáng tạo và công nghệ của tương lai, ông Richard Rusczyk cho rằng, quan trọng bậc nhất là cần thiết kế một hệ thống giáo dục hỗ trợ sự phát triển trí tuệ của mỗi cá nhân, cho các em không gian và thời gian để tự khám phá. Các em cần tự quyết định mục tiêu của mình là gì, và phải làm gì để đi đến mục tiêu đó, chứ không chỉ học các lý thuyết trong sách vở.
“Phần lớn học sinh không có sự tự do này, vì mỗi tối đều dành ra 5 tiếng để làm bài tập về nhà – cũng có nghĩa là những kế hoạch đã định sẵn và bây giờ chỉ cần làm theo. Nhưng thế giới ngoài kia không hoạt động như vậy nữa. Nếu họ có thể giao cho bạn kế hoạch có sẵn, họ có thể giao cho một máy tính, và máy tính còn thực hiện tốt hơn bạn. Nhưng nếu bạn có thể phát triển kế hoạch của riêng mình và biết cách giải quyết các vấn đề, mọi người đều sẽ cần đến bạn”, ông Richard Rusczyk khẳng định.
Còn theo GS. Ngô Bảo Châu, để thúc đẩy môn Toán phổ thông phát triển, Việt Nam cần phải thiết kế một hệ thống giảng dạy phù hợp, đặc biệt phải phân định được “cái gì cần dạy, dạy ở mức độ nào, còn cái gì thì không cần đưa vào chương trình dạy học”.
Về phương pháp dạy Toán, theo GS. Ngô Bảo Châu, giáo viên hay phụ huynh đừng kỳ vọng hay đặt lên vai trẻ yêu cầu phải nhận thức được tầm quan trọng của Toán học; hay phải biết học Toán sẽ giúp ích cho tương lai của các cháu.
“Trẻ em không cần phải nhận thức nhiều về tính ứng dụng của Toán, vì như vậy sẽ rất mệt mỏi, cũng không thiết thực với chúng. Học Toán quan trọng là phải vui, các cháu thấy vui thì thích học. Mà mỗi cháu lại có niềm vui khác nhau, cho nên phải tìm hiểu”, GS. Ngô Bảo Châu nói.
Nhà Toán học cũng ví von, giáo viên và phụ huynh hãy xem Toán học cũng như một môn thể thao rèn luyện tư duy và trí thông minh của trẻ em. Cháu nào thích được thử thách, thích thi đua thì hãy giao cho chúng những bài Toán có tính thử thách, nâng cao. Học sinh nào không đủ “sức khỏe” cho môn thể thao Toán học thì để chúng có niềm vui bằng việc “di dạo, ngắm cảnh” qua những bài toán cơ bản, nhẹ nhàng. Ai cũng được tôn trọng, đừng để tất cả các cháu phải lao vào một cuộc thi chung, sẽ không còn vui nữa.
“Việc dạy Toán cũng cần linh hoạt, tìm kiếm các phương pháp đơn giản hóa các dãy số, công thức phức tạp. Cần nhớ rằng vẻ đẹp của môn Toán nằm ở chỗ biến những dãy số, công thức phức tạp thành đơn giản, dễ hiểu. Có như vậy thì các em mới thấy niềm vui, mới thấy yêu Toán thay vì sợ Toán”, ông khuyên.
Đồng tình, GS. Phùng Hồ Hải cho rằng, khi xác định mục đích “học Toán để thông minh hơn”, thì dạy Toán trong trường phổ thông phải dễ hơn. Theo ông, hiện nay học sinh đang học Toán rất khó. Vấn đề ở đây không phải khó về yêu cầu độ thông minh mà cái khó là yêu cầu về tính phức tạp. Kể cả trong kỳ thi học sinh giỏi người ta ra những bài toán theo kiểu gộp 2 - 3 bài toán lại. Như vậy, học sinh phải biết 2 - 3 bài toán kia mới giải được, chỉ còn kỹ năng chứ không còn thông minh, vai trò thông minh ở trong những bài toán ấy rất thấp mà thành một dạng thợ giải Toán.
Nhận định Toán học ở Việt Nam đã và đang có những thay đổi tích cực, nhất là trong thiết kế chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, theo GS. Phùng Hồ Hải, kỹ năng, nhận thức, tư duy của giáo viên vẫn chưa thể bắt kịp. Nhưng giáo dục mang lại lợi ích “trăm năm”, việc này không thể có kết quả trong một sớm một chiều, có thể cần tới vài chục năm mới đạt như kỳ vọng.
“Sứ mệnh của những người làm Toán như chúng tôi là làm sao để tất cả mọi người không còn sợ học Toán nữa. Tôi ví dụ như Tạp chí Pi- Tạp chí Toán học dành riêng cho học sinh mà chúng tôi đang phát triển, đó là sản phẩm dành cho những người yêu Toán và cả những người (tạm) chưa yêu Toán”, GS. Phùng Hồ Hải bộc bạch và bày tỏ mong muốn được nhìn thấy những cuốn tạp chí Pi có quăn mép, cũ đi.
GS. Phùng Hồ Hải buồn rầu cho biết: “Chúng tôi từng gửi những thông báo sẵn sàng tặng miễn phí Tạp chí Pi cho các trường có nguyện vọng, nhưng nhận được rất ít phản hồi. Rồi cũng không có đơn vị nào mua tiếp. Theo tôi hiểu là kể cả không cần chi kinh phí mua thì bản thân các trường không biết để ở đâu. Không phải trường nào cũng có thư viện theo đúng nghĩa để cho học sinh có thể đến đó để tự đọc”.
Ông cho rằng, ngoài việc tìm kiếm các giải pháp hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy, ở trong nước cũng cần đến nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao nhận thức và văn hóa đọc sách. Các trường cần phải có thư viện, cập nhật các đầu sách và có giải pháp khuyến khích đọc để thay đổi thói quen, tư duy, kỹ năng…
Là một đơn vị hỗ trợ khiêm nhường cho Tạp chí Pi nhiều năm, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc ít người quan tâm đến những thứ tinh túy về Toán trong Tạp chí Pi hoặc không theo đuổi Toán nghiêm túc, một phần do nền kinh tế Việt Nam chưa được thiết kế để cho thấy những thứ phần thưởng của việc học Toán. Nếu đọc Tạp chí Pi mà có được những phần thưởng thì chắc chắn họ sẽ đọc.
Kể về cơ duyên mở Trường Toán Minh Việt, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, tháng 7/2022, khi đến thăm Viện Toán Việt Nam, GS. Phùng Hồ Hải bày tỏ mong muốn Trường Minh Việt giúp mô hình câu lạc bộ Toán Kỳ Lân (Unicorn Math Club - UMC) của các giáo sư Toán tổ chức cho học sinh để bồi dưỡng và phát hiện nhân tài Toánáp dụng mô hình học online của MVA. Bởi môn hình này học offline tại Viện Toán, một buổi một tuần, ít học sinh được tiếp cận. Nếu học online, các thầy có thể đưa việc bồi dưỡng Toán chất lượng cao đến với học sinh ở khắp nước, để đảm bảo tài năng toán của cả nước, những nơi nghèo, sâu, xa cũng có thể được phát hiện và bồi dưỡng từ sớm.
“Tôi coi sự gửi gắm đó của GS. Phùng Hồ Hải như là một mệnh lệnh từ quê hương và đội ngũ Minh Việt Academy đã quyết tâm xây dựng Trường Toán Minh Việt (Minh Việt School of Maths - MVSM) cho thật chuẩn. Tên trường Toán vinh dự được GS. Phùng Hồ Hải đặt cho”, ông Phạm Tuấn Anh xúc động.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, ông không phải là người giỏi Toán và ở trường phổ thông thì ông sợ Lượng giác và Hình học không gian. Tuy nhiên, khi đến Mỹ học Kinh tế học, ông thấy rằng cách nước Mỹ dạy Toán rất khác với Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất là thay vì sợ Toán như khi học tại Việt Nam, ông đã yêu học Toán khi học nó ở Mỹ.
“Mặc dù lúc đó tuổi tác đã lớn hơn, nhưng tôi nhận ra rằng, nếu như có thể mang phương pháp dạy Toán của Mỹ và nhất là cách dạy Toán rất tiện dụng và thực tiễn của Mỹ đến cho trẻ em Việt Nam thì khả năng cao là sẽ làm cho các em bớt sợ Toán giống y hệt như trải nghiệm của tôi khi được học Toán kiểu Mỹ”, ông Phạm Tuấn Anh trải lòng.
Vì con trai đang học chương trình Toán nâng cao của AoPS (The art of problem solving - Nghệ thuật Giải quyết Vấn đề), công ty giáo dục nâng cao về Toán lớn nhất Hoa Kỳ nên ngay lập tức ông Phạm Tuấn Anh kết nối để hợp tác với công ty này.
“Tôi chia sẻ với nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Điều hành AoPS là ông Richard Rusczyk, Trường Toán Minh Việt dạy Toán xuất phát từ lòng yêu Toán và lòng yêu nước. Thành công trong cuộc cách mạng dữ liệu có ý nghĩa sống còn với tương lai của Việt Nam. Chúng tôi yêu Toán vì đó là con đường sáng tới tương lai rực rỡ của dân tộc. Nếu không đi con đường đó chúng tôi sẽ mãi mãi chỉ là những người cu-li cho nền kinh tế số hóa cao độ của thế giới tương lai. Chúng tôi phải dạy Toán và học Toán để không bị trở thành những nô lệ trong nền kinh tế biến ảo khôn lường của tương lai. Với AoPS chúng tôi xin gửi gắm mơ ước của đất nước”, ông Phạm Tuấn Anh kể.
Theo ông Richard Rusczyk, mặc dù nhiều lần có các công ty Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng trả hàng trăm triệu đô để mua AoPS nhưng ông đều từ chối. Lý do AoPS nhanh chóng sẵn sàng chấp thuận hợp tác và hỗ trợ liên danh UMC-MVSM là bởi sứ mệnh của Trường Toán Minh Việt có sự đồng điệu với sứ mệnh của AoPS là giảng dạy Toán nâng cao cho thật nhiều học sinh. “Chúng tôi mong chờ sự hợp tác lâu dài, bền chặt với Trường Toán Minh Việt và kỳ vọng sự hợp tác này sẽ gặt hái được nhiều thành quả”, ông bày tỏ.
Và đó là lý do ngày 4/11 tại San Diego, Hoa Kỳ, Trường Toán Minh Việt và AoPS đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, AoPS sẽ cung cấp học liệu trọn vẹn cho học sinh Việt Nam theo học Trường Toán Minh Việt, cũng như việc đào tạo giáo viên, và tất cả các nguồn tài nguyên học tập mà họ đã thu thập được trong 20 năm qua. Các học sinh của UMC-MVSM sẽ có thể truy cập diễn đàn Toán, các đề bài,… trên trang mạng của AoPS.
Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi hết lời cảm ơn Richard đã giúp cho học sinh Việt Nam có một kênh học Toán cực kỳ tốt với mức ưu đãi chi phí tốt nhất có thể. Còn Richard thì lại cảm ơn tôi đã giúp mở ra cả một vũ trụ mới (a brand new universe) cho sự phát triển của AoPS. Anh đề nghị tôi hỗ trợ và cho lời khuyên khi có các nước khác quan tâm muốn phát triển mô hình tương tự. Richard cũng nói sẽ sang Việt Nam vào tháng 6/2023, dịp khai giảng MVSM để giúp truyền tải tình yêu Toán cho học sinh Việt Nam”.
Dự định ban đầu của MVSM là đào tạo 2.000 bạn cho tất cả 10 lớp Toán từ tiểu học lên trung học cơ sở. Khi công bố chương trình, đã có gần 2.000 học sinh được phụ huynh giữ chỗ. Điều ngạc nhiên nữa là MVSM nhận được hàng trăm lời nhắn từ các gia đình Việt Nam ở Úc, Canada, Pháp, Mỹ, Ba Lan, Cộng hòa Séc… hỏi giờ học của MVSM có phù hợp với giờ ở vùng họ không.
Tuy nhiên, sát ngày khai giảng chỉ có khoảng 600 học sinh đóng tiền. Do học phí rất thấp, chỉ vài chục ngàn một buổi nên sĩ số này không đủ để chương trình chạy. MVSM quyết định hoàn tiền lại cho tất cả các gia đình và chỉ mở các lớp Toán cho học sinh Tiểu học từ lớp 1 – 5 và các lớp tiếng Anh bổ trợ (4 trình độ) với thầy cô Mỹ đều là những người tốt nghiệp ở Berkeley, Columbia, Harvard.
Điều đặc biệt là dù ban đầu chỉ kỳ vọng có 100 học sinh cho mỗi lớp, nhưng hiện nay con số đang không ngừng tăng lên, có những lớp đã hơn 200 học sinh đăng ký. Với phương châm đi chậm mà chắc, nếu năm đầu triển khai tốt, từ năm 2024, MVSM sẽ mở thêm các lớp Toán nâng cao bằng tiếng Anh cho học sinh THCS và THPT.
Từ bài học mở Trường Toán Minh Việt, ông Phạm Tuấn Anh trăn trở: “Trước khi có cách mạng Toán thì cần một cuộc cách mạng về tư duy. Hoặc nói cho kỹ hơn thì chính việc cần có một cách mạng về Toán là bằng chứng cho thấy chưa từng có sự thay đổi tư duy, tư duy ở đây là một thế giới quan bao quát đi kèm một nhân sinh quan bao dung cho cả người khác và bản thân mỗi người”.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, tốc độ phát triển của Việt Nam khá nhanh, nhưng còn tụt hậu về nhiều mặt. Ông nhận ra rằng, để đất nước vượt lên, có những cơ hội mới hơn thì không được vội vã. Trước đây, ông nghĩ rằng làm việc cho những dự án của ngân hàng thế giới hay là quỹ tiền tệ quốc tế thì sẽ tạo ra những thay đổi đột biến tốt cho Việt Nam.
“Nhưng, giờ tôi nhận thấy, đây là một quá trình dài, mình có thể không tạo ra được những đổi mới mạnh mẽ nhưng trong từng bước đi, trong từng lời nói của mình, phải luôn luôn đặt nền móng, đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho người sau đi tiếp. Đây cũng là việc làm mang tính thừa kế, tương đồng với việc GS. Ngô Bảo Châu nói là thừa kế ngành Toán”, ông tâm sự và mong muốn học sinh Việt Nam cần gấp rút học Toán và tiếng Anh sống động.
Đây cũng là lý do Trường Toán Minh Việt có chương trình tiếng Anh bổ trợ theo chương trình tiếng Anh của Cengage - một công ty của National Geographic do các giáo viên Mỹ trình độ cao giảng dạy. Lớp học online 4 buổi/tuần, tổng cộng là 192 buổi học chỉ với 6 triệu đồng. Tính ra học phí chưa bằng một bát phở cho một buổi học.
Trường Toán Minh Việt đặt mục tiêu mỗi năm có thể đào tạo chừng 10.000 học sinh Việt Nam giỏi toán và giỏi Tiếng Anh với hiểu biết thế giới. Sau đó đưa họ ra thế giới. Họ sẽ mang lại những nguồn lợi kinh tế hàng tỷ USD cho đất nước. Chi phí học tập trung bình của mỗi học sinh với trường Toán chỉ dưới 1 triệu đồng/tháng cho cả lớp Toán và lớp tiếng Anh và các lớp bổ trợ khác nếu có. Các gia đình khó khăn có thể nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ Minh Việt.
“Các gia đình chỉ cần đầu tư cho các con vài chục ngàn đồng mỗi ngày với chương trình học Toán cộng tiếng Anh đều do các giáo viên Mỹ dạy. Số tiền đầu tư không đáng là bao nhưng học hết chương trình này với chúng tôi, học sinh có cơ hội 95% có mức lương đi làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học ở mức 200.000 USD/năm. Hãy bắt đầu bằng bước đi em bé của hôm nay để có những sải bước của người khổng lồ mai sau”, ánh mắt ông lấp lánh tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Qua thời kỳ dịch bệnh vừa rồi, GS. Ngô Bảo Châu nhận ra rằng, việc dạy online có rất nhiều lợi thế. Mặc dù không thể thay thế được dạy trực tiếp, nhưng việc dạy online đã mở ra chân trời mới. Giáo dục trong hiện tại và tương lai dựa vào giáo dục qua mạng để phổ biến kiến thức tới đông đảo học sinh là việc đúng và cần thiết.
Ông đánh giá cao nỗ lực của Trường Toán Minh Việt hợp tác với AoPS để mang giáo trình dạy toán nâng cao bằng tiếng Anh thành công bậc nhất Hoa Kỳ cho học sinh Việt Nam với những thầy cô giáo Mỹ có bằng cấp cao.
“Qua việc tham gia bồi dưỡng Toán quốc tế, tôi nhận thấy hệ thống kiến thức do AoPS thiết kế rất chuẩn mực, có hệ thống, lớp lang. Tôi rất tin tưởng nội dung học thuật của chương trình AoPS cung cấp”, GS. Ngô Bảo Châu bày tỏ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, hợp tác quốc tế trong giáo dục Toán rất quan trọng. Bởi, với những chương trình được thử nghiệm và có sự công nhận, hiệu quả như chương trình của AoPS sẽ giúp chúng ta đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều. Việc xây dựng nên một chương trình Toán nâng cao không dễ và không phải trong ngày một ngày hai có thể làm được.
“Do đó, việc chúng ta được tiếp quản quyền sử dụng một chương trình dạy Toán nâng cao bằng tiếng Anh như AoPS dành cho học sinh Việt Nam là điều vô cùng tuyệt vời và giúp rút ngắn con đường phát triển Toán học!”, GS. Ngô Bảo Châu cảm thán.
Chia sẻ mong muốn phát triển ngành Toán của Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, ông và các nhà Toán học đều mong muốn có một quỹ hỗ trợ ngành Toán Việt Nam. Nếu được phép thành lập quỹ, Quỹ Minh Việt sẽcam kết tài trợ lên đến 100.000 USD mỗi năm. Bên cạnh đó, việc tổ chức những kỳ thi Toán nhằm biến Việt Nam trở thành một trung tâm Toán của khu vực và quốc tế để người Thái Lan, người Philippines, Singapore, Trung Quốc… phải đi thi những kỳ thi Toán do Việt Nam tổ chức và chấm cũng rất cần thiết.
Để làm được điều đó, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, cần cơ chế giải thưởng đủ lớn để thu hút tài năng Toán khắp thế giới đến thi cử với học sinh Việt Nam và đó sẽ là động lực tạo nguồn cảm hứng học Toán rất tuyệt vời. Chẳng hạn khi GS. Ngô Bảo Châu đạt được Giải thưởng Fiel hay GS. Lê Bá Khánh Trình đi thi Toán quốc tế về đã trở thành nguồn cảm hứng học Toán vô tận cho cả một thế hệ.
“Tôi mong muốn, một quỹ Toán như thế khuyến khích được mọi người yêu Toán, giúp Việt Nam phát triển các tài năng Toán ra đời đúng trong giai đoạn mà thế giới đang cần tài năng Toán nhất. Nếu chúng ta không phát triển được tài năng Toán để đồng nhất được với thế giới thì đó là lỗi. Tôi muốn đặt tham vọng của Trường Toán Minh Việt trong tham vọng chung cho sự phát triển của đất nước”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ tham vọng lớn.
Cho rằng, cả thế giới đang là Toán, tương lai chắc chắn sẽ chỉ là Toán, theo ông Phạm Tuấn Anh, phụ huynh cho con học Toán và tiếng Anh là cho con một cơ hội làm chủ thế giới ngày mai.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội bắt kịp với thế giới và chúng tôi mong muốn đi đầu trong lĩnh vực giảng dạy Toán nâng cao bằng tiếng Anh cho học sinh. Các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu giỏi Toán và tiếng Anh làm vinh dự cho đất nước, mang lại những lợi ích thực tiễn cho gia đình và Tổ quốc”, ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.
(Hết)