[Megastory] Sứ giả của hòa bình, chương 3: Nối dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình

[Megastory] Sứ giả của hòa bình, chương 3: Nối dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng đang tiếp tục xây dựng hình ảnh Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế đất nước, từ đó góp phần bảo vệ Tổ quốc vững chắc.

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ Quan sát viên đầu tiên và các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam tại UNMISS đã kế thừa xứng đáng truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, có nhiều đóng góp tích cực được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Qua đó, góp phần tạo nên vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có duy trì nền hòa bình bền vững.

Sau thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương nhận thấy, quan trọng nhất là phải luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh, tình huống. “Lạc quan xua tan gian khó”, chị cười và nói.

Nữ quân nhân phân tích: làm việc trong một môi trường xa gia đình, xa tổ quốc, điều kiện sinh hoạt vất vả, khó khăn, vị trí công tác mới với tính chất nhiệm vụ đa dạng, phức tạp đòi hỏi kiến thức chuyên môn và yêu cầu cao là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến tinh thần và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Lạc quan là nhân tố quyết định đến việc kiểm soát, xử lý mọi khó khăn, thử thách, giải tỏa căng thẳng, áp lực. Sự lạc quan cũng sẽ giúp lan tỏa nguồn năng lượng tích cực này đến bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan cũng như người dân bản địa trong quá trình tuần tra.

“Bạn bè đồng nghiệp vẫn luôn gọi tôi với cái tên thân thương là smiling queen/smiling Phương. Họ nói, điều đặc biệt nhất ở Phương là luôn thấy nụ cười trên môi dù trong những lúc mệt mỏi, căng thẳng nhất. Chính sự lạc quan giúp cho nhiệm kỳ công tác kéo dài hơn dự kiến đầy khó khăn, vất vả của tôi đã trôi qua nhanh như một giấc mơ đẹp”, đôi mắt chị long lanh.

Nhiệm kỳ vừa qua, quả thực là một dấu ấn, một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời, mà chính Trung tá Minh Phương tự nhận thấy mình đã trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và đặc biệt là đã học được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như công việc.

Điều chị lưu luyến nhất ở Nam Sudan sau khi về nước là tình cảm vô cùng chân thành của bạn bè, đồng nghiệp quốc tế công tác cùng Phái bộ và cả người dân nước sở tại.

“Dịp sinh nhật, tôi được Tư lệnh Quân sự Phái bộ tặng quà, được các bạn tặng bánh gato tự làm. Khi chia tay Phái bộ, tôi được Phó Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Quan sát viên quân sự và đồng nghiệp tặng nhiều món quà lưu niệm có ý nghĩa. Ngoài ra, tôi thường xuyên được bạn bè các nước mời thưởng thức các món ăn truyền thống của quốc gia họ… Tình cảm này là món quà vô giá từ bạn bè, đồng nghiệp quốc tế mà tôi mãi mãi sẽ lưu giữ trong lòng”, chị bật mí.

Theo nữ quan sát viên, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là sợi dây gắn kết các quốc gia cũng như bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới vì một mục tiêu chung, cao cả. Mặc dù hoạt động trong một môi trường khó khăn, vất vả, thiếu thốn, khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn nhưng tình người, tình bạn, tình đoàn kết, luôn tỏa sáng. Cấp trên, cấp dưới, đồng đội hay bạn bè quốc tế đều cùng yêu thương, sẻ chia vui buồn, động viên, vượt qua từng khó khăn trong suốt nhiệm kỳ công tác của mình.

Những khoảnh khắc đáng nhớ bên đồng đội của nữ Quan sát viên Việt Nam.

Những khoảnh khắc đáng nhớ bên đồng đội của nữ Quan sát viên Việt Nam.

Đưa ánh mắt nhìn lên bầu trời biếc xanh, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương bộc bạch: “Hòa bình là khát vọng, là mong muốn của mọi người, mọi quốc gia dân tộc; là trạng thái bình an, vui vẻ, hạnh phúc, không có chiến tranh, xung đột, bạo lực, bóc lột; là một môi trường tự do, ổn định mà mọi người được sống hạnh phúc và được phát triển toàn diện”.

Với quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bất ổn từ các xung đột và mâu thuẫn của phe phái, sắc tộc, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, tàn phá nghiêm trọng, thậm chí phải bỏ nhà cửa đi lưu lạc hoặc lưu trú tạm thời tại các trại tị nạn, các trại bảo vệ thường dân.

Việc có mặt của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm đảm bảo việc thực thi các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn và các vấn đề nhân đạo có ý nghĩa vô cùng to lớn, mang lại niềm tin, hy vọng vững chắc cho người dân bản địa về một tương lai tốt đẹp, hòa bình, ổn định và hạnh phúc.

“Trên các nẻo đường tuần tra của tôi qua các vùng miền khác nhau, nhìn thấy những cánh tay vẫy chào, những nụ cười tươi rói và những ánh mắt sáng ngời của người dân bản địa, đặc biệt là của các em nhỏ càng làm cho tôi có niềm tin, động lực, tình yêu, nhiệt huyết mạnh mẽ với công việc, với nhiệm vụ đang làm, và càng làm cho tôi thêm tự hào khi được trở thành một người lính mũ nồi xanh”, chị bày tỏ.

Trung tá Minh Phương cho biết, một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là khát vọng lớn lao của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả mà mỗi quốc gia đều mong muốn hướng tới.

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong những năm gần đây đã cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm đối với nền hòa bình của thế giới. Và lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đã và đang tạo được dấu ấn rất sâu sắc và luôn được đánh giá cao bởi bạn bè, đồng nghiệp quốc tế.

Thực vậy, kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào năm 2014 đến nay, Việt Nam đã triển khai lực lượng tham gia theo hai hình thức chính là cá nhân và đơn vị. Với hình thức cá nhân, đã có 55 sỹ quan của Việt Nam được cử đến các Phái bộ của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan với các vị trí: Quan sát viên quân sự, Sĩ quan liên lạc, Sĩ quan tham mưu, Sĩ quan hậu cần và các vị trí khác theo nhu cầu của Liên hợp quốc.

Với hình thức đơn vị, Việt Nam tham gia trong lĩnh vực quân y với mức độ Bệnh viện dã chiến cấp 2 và sẽ tham gia trong lĩnh vực công binh với mức độ Đội Công binh.

Đến nay, 3 bệnh viện dã chiến cấp 2 đã sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan với sự tham gia của 189 cán bộ, nhân viên; trong khi đó việc triển khai Đội Công binh cũng đang được tiến hành. Và mặc dù tham gia chưa lâu vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có 3 sĩ quan làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc.

Điều này cho thấy sự trưởng thành về trình độ chuyên môn của các sĩ quan Việt Nam và sự lớn mạnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày càng đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi cao của hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) ngày 27/5/2014 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nói như Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các phái bộ của Liên hợp quốc góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, đồng thời khẳng định đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước; đóng góp tích cực vào thành công của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021”.

Trong một cuộc gặp cấp cao ở Thái Lan với lãnh đạo Việt Nam, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đánh giá cao trình độ và khả năng của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam triển khai tới các Phái bộ, cũng như sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung này.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Trong 7 năm qua, Việt Nam đã cử 33 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2), trong đó BVDC2.1 và BVDC2.2 mỗi Bệnh viện 10 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 16%, BVDC2.3 có 13 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20% và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra.

Hiện nay, Đội công binh biên chế 295 quân nhân dự kiến có khoảng 45 nữ quân nhân, đáp ứng đủ tỷ lệ 15% do Liên hợp quốc đề ra.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tuy là một nước mới tham gia nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai BVDC2.1 và BVDC2.2 đều được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế này.

Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, ở các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, điều kiện an ninh luôn bất ổn, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi cho những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam có cơ hội được trải nghiệm, thử thách để ngày càng trưởng thành hơn.

Đồng thời, phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, bằng sự tích cực, chủ động, các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đã không những hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các mặt công tác được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao mà còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân địa phương tại hai Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Hằng ngày, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Phái bộ, sĩ quan các nước đều trở về làm các công việc cá nhân, nhưng riêng sĩ quan Việt Nam lại tiếp tục thực hiện những công việc giúp đỡ cho người dân bản địa, như bổ củi, xách nước, làm vườn, dạy học…

Ngoài ra, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ người dân và đặc biệt là trẻ em tại Nam Sudan. Qua đó, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, nhất là về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm lan tỏa phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Giúp đỡ bạn là giúp đỡ mình, để cuộc sống hòa bình trở lại trên những vùng đất vốn đã khô cằn lại bị tàn phá bởi chiến tranh, điều mà dân tộc Việt Nam đã từng trải qua là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta cả trong đối ngoại và hợp tác quốc tế, cũng là khát vọng và truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Trở về nhà, được đoàn tụ với những người thân yêu, được chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ, tận hưởng những cái ôm ấm áp, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương càng thấm thía ước vọng hòa bình và khát khao những đứa trẻ ở Nam Sudan cũng được tận hưởng cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Khát vọng bình yên của nữ quân nhân, của người mẹ, người phụ nữ ấy luôn đong đầy. Chị mong sao trái đất này không còn bất công, bạo lực, đói nghèo, chỉ tồn tại sự yêu thương giữa con người với con người.

Hiện, Trung tá Minh Phương đang bận rộn tập huấn online với gần 20 nước theo chương trình của Trụ sở Liên hợp quốc, và cả những cuộc hội thảo của Nhóm Phụ nữ vì Hòa bình của ASEAN.

Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong nhiệm kỳ 2020-2021. Đó là cùng các nước xây dựng và thúc đẩy Nghị quyết 1889 năm 2009 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ sau xung đột và sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề "Phụ nữ, hòa bình và an ninh".

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương bày tỏ: “Tôi luôn dành những tình cảm chân thành và sự trân quý nhất cho sứ mệnh gìn giữ hòa hình, cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam, cho lực lượng mũ nồi xanh dũng cảm, kiên cường và mong muốn sẽ được tiếp tục đóng góp sức lực nhỏ bé của mình thực hiện sứ mệnh cao cả này trong thời gian tới”.

Trở về Việt Nam, nhưng nữ quan sát viên đầu tiên của Việt Nam tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vẫn nối dài sứ mệnh như một “sứ giả” gìn giữ hòa bình, phát huy hơn nữa phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, góp phần bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình ngay trong chính thời bình, hướng về một tương lai tốt đẹp, hòa bình, ổn định và hạnh phúc!

Hạnh phúc và hòa bình luôn hiện hữu trên những gương mặt xinh đẹp, phúc hậu, từ ái của các nữ chiến sĩ mũ nồi xanh. Họ chính là những “sứ giả” hòa bình đang và sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang, đầy kiêu hãnh về hình tượng người phụ nữ Việt Nam.

Tin bài liên quan