Chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc nội chiến và xung đột giữa các phe phái, sắc tộc, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và điều kiện sống ở Nam Sudan được xem là tận cùng của sự đói nghèo, bạo lực, tình hình và nhiệm vụ phức tạp, nhưng “cô Tấm” Nguyễn Thị Minh Phương dịu dàng trong đời sống, lại mạnh mẽ, kiên gan, sắc sảo như “bông hồng thép” trong công việc, hoàn thành xuất sắc vai trò nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại UNMISS.
Lật giở những bức ảnh kỷ niệm, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương không giấu nổi xúc động khi nhớ về những tháng ngày làm việc ở Nam Sudan.
Chị thông tin, Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới khi tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. 10 năm qua, Nam Sudan vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc nội chiến và xung đột giữa các phe phái, sắc tộc nên cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và điều kiện sống vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn. Điều kiện sinh hoạt, làm việc của lực lượng nhân viên Liên hợp quốc cũng cùng chung tình trạng đó.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao cũng là thách thức lớn đối với lực lượng triển khai tại địa bàn, nhất là đội ngũ nữ Quan sát viên quân sự - những người thường xuyên phải tuần tra ở địa bàn, ngoài căn cứ đóng quân.
“Thời điểm mới sang Nam Sudan, tôi có chút khó chịu do sự chênh lệch nhiệt độ. Lúc đó, Hà Nội đã vào đông, nhiệt độ xuống thấp còn Nam Sudan thì nắng nóng cực điểm. Nhưng nhờ sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng và khả năng thích ứng nhanh nên tôi không gặp vấn đề gì về sức khỏe”, chị kể.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, mùa nắng, giữa trưa nhiệt độ ở Nam Sudan lên tới gần 60 độ C. |
Điều nữ quân nhân ấn tượng với đất nước Nam Sudan là những cánh rừng nhiệt đới và là nơi có số động vật hoang dã di trú lớn thứ hai trên thế giới như linh dương sừng cong, linh dương Châu Phi, linh dương topi, trâu, hươu cao cổ, voi và sư tử…
Nam Sudan còn có dòng sông Nile trắng chảy dọc theo đất nước và nằm sát bên thủ đô Juba. Ở đây, chị cảm nhận được sự hoang dã của tự nhiên.
Nhưng, sự hoang dã ấy cũng gắn liền với điều kiện sinh hoạt nghèo nàn. Không có màu xanh, màu của an toàn trên bản đồ các mức an ninh của Nam Sudan, thay vào đó chỉ là màu vàng da cam và đỏ, những mức độ nguy hiểm khác nhau.
Chị kể, những vết tích của chiến tranh tàn phá vẫn còn khắp nơi với những ngôi nhà bỏ hoang, những bức tường lỗ chỗ vết đạn bắn, những chiếc xe ô tô quân sự han gỉ lấp ló giữa những bụi cỏ dại bên đường, vẫn kiên trì nằm phơi mưa nắng…
Sốt rét là nỗi ám ảnh ở Nam Sudan. Những tờ cảnh báo tiết kiệm nước, cẩn thận sốt rét, bệnh dại… được dán khá nhiều ở các khu vệ sinh. Nhưng khó khăn nhất là cái nắng nóng như đổ lửa vào mùa khô cùng lớp bụi dày cả chục cm trên đường, hay mỗi khi mưa to như “xé trời” gây ngập lụt và lớp bùn nhão như socola tan chảy.
Giọng chị nghẹn lại: “Ở nơi tận cùng của sự nghèo đói và bạo lực, một vùng đất khó khăn, khắc nghiệt khi bị tàn phá bởi nội chiến, tôi càng thấm thía giá trị của hoà bình và ý nghĩa của sứ mệnh gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc mà cộng đồng quốc tế đang chung vai, góp sức mang lại những điều tốt đẹp nhất có thể, cho đất nước và nhân dân Nam Sudan”.
Gian khó là thế, nhưng Trung tá Minh Phương bảo: “Chỉ cần ngắm lá cờ đỏ sao vàng chúng tôi mang theo đã tung bay trên bầu trời Nam Sudan, hướng về cờ Tổ quốc, hát quốc ca trên đất nước bạn, chúng tôi lại vượt lên mọi gian khó, hết mình thực hiện lời hứa trước lúc lên đường, vì nước bạn. Và chúng tôi luôn nhớ rằng: Tổ quốc luôn ở bên...”.
Sự hiền hậu, dịu dàng, tình yêu thương vô bờ bến của những nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chẳng khác nào những “cô Tấm” hiện ra giữ mảnh đất cằn khô khắc nghiệt Nam Sudan. |
Cũng chính lá cờ đỏ sao vàng đã giúp người dân địa phương nhận ra các chiến sĩ mũ nồi xanh đến từ Việt Nam. “Hello Việt Nam!”, “Có phải Việt Nam không?”, “Very good!”... Đó là những câu đầu tiên mà đi đến đâu ở Nam Sudan, chúng tôi thường nghe thấy. Họ đối xử với chúng tôi thật thân thiện, niềm nở”, chị Phương chia sẻ.
Thường xuyên tiếp xúc, đàm phán và thương thảo ở các chốt, trạm kiểm soát, chị Minh Phương tạo được thiện cảm và ấn tượng sâu sắc với các chỉ huy lực lượng quân sự ở đây. Thay vì gọi tên, họ gọi chị là “Queen Vietnam”, “Miss Vietnam” vì chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên mà họ gặp. Những lần chị không tuần tra theo tuyến và qua các chốt đó, họ đều hỏi về “Miss Vietnam” và gửi lời chào thông qua các bạn đồng nghiệp của chị.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương được đồng đội gọi với cái tên thân thương "Nữ hoàng nụ cười" Việt Nam. |
Với đặc thù công việc là thường xuyên đi tuần tra, trinh sát ngắn ngày và dài ngày trong khu vực đảm nhiệm, trong nhiệm kỳ công tác tại UNMISS, trên cương vị là Quan sát viên quân sự đã để lại trong Trung tá Minh Phương rất nhiều kỉ niệm. Bởi, chị có nhiều cơ hội tiếp xúc với chính quyền và người dân địa phương để nắm bắt tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ và tận mắt chứng kiến sự nghèo đói, cơ cực của người dân.
“Ngay trong chuyến tuần tra dài ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, hình ảnh em gái khoảng 16-18 tuổi bế hai em bé song sinh nhỏ như hai chú mèo con mới sinh đang khóc ngằn ngặt, khát dòng sữa mẹ vì mẹ không có gì ăn và sữa chưa kịp về thực sự làm tôi thấy vô cùng thương xót và day dứt”, giọng chị nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc khi kể.
Cũng là một người mẹ có 2 con, Trung tá Minh Phương chia sẻ, chị thực sự rất khó kìm nén cảm xúc khi nhìn thấy tình cảnh này. Và qua đó, chị thấu hiểu hơn công việc mình đang đảm nhiệm quan trọng và ý nghĩa đến nhường nào.
“Tôi tự hứa với bản thân phải nỗ lực hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các hiệp định hòa bình, tái thiết đất nước Nam Sudan sau xung đột và người dân sẽ có một cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc”, chị nói.
Cảm xúc, kỉ niệm và mong muốn ấy của nữ Trung tá khi bế một trong 2 em bé song sinh trong chuyến tuần tra đầu tiên đó đã được chị gửi gắm qua 4 câu thơ giản dị: “Em ngoan, em ngủ giấc nồng/ Trong vòng tay của tấm lòng yêu thương/ Bình yên qua mọi nhiễu nhương/ Ngày mai tươi sáng, rộng đường đón em”.
Trung tá Minh Phương lại nhớ, đợt về phép giữa nhiệm kỳ, thời điểm quay trở lại Phái bộ là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Nam Sudan và phải rất khó khăn mới tìm được đường bay và đặt được vé.
“Lúc đó, khi hàng trăm, hàng ngàn người ở nước ngoài đang cố gắng quay trở lại Việt Nam, nơi đang kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt thì tôi và một số đồng chí của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lại quyết tâm lên đường, “đi ngược vào vùng dịch” để tiếp tục sứ mệnh gìn giữ hòa bình của mình”, chị cho hay.
Hành trang trở lại của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ưu tiên tối đa cho các vật tư y tế, thuốc men phòng chống dịch Covid-19 cung ứng cho lực lượng của ta đang công tác tại địa bàn.
Ngoài ra, nữ Trung tá không quên mang theo những chiếc lá cờ đỏ sao vàng và hạt giống hoa, rau. Chị sẽ trồng vào lúc rảnh rỗi sau những ngày tuần tra.
Trên những luống đất cằn khô ở Nam Sudan hay Trung Phi, đồng đội chị ngoài làm nhiệm vụ còn giúp người dân trồng rau, dạy học. Dù ở phái bộ hay ở phân khu, nơi sĩ quan Việt Nam đóng quân luôn có màu xanh của bầu, bí, cà tím, cúc vàng. Thậm chí, mô hình tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan rộng toàn Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.
“Các đồng nghiệp quốc tế ngưỡng mộ khả năng tạo ra màu xanh trên đất châu Phi cằn cỗi và khắc nghiệt của chúng tôi. Vườn rau như khẳng định của Việt Nam, ở mảnh đất tưởng chỉ có đói nghèo và xung đột này cuối cùng cũng có thể nảy lên những mầm xanh hy vọng, hy vọng về một thế giới hòa bình cho tất cả người dân dù khác biệt về màu da, tiếng nói, sắc tộc”, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ.
Sự hiền hậu, dịu dàng, tình yêu thương vô bờ bến của những nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chẳng khác nào những “cô Tấm” hiện ra giữ mảnh đất cằn khô khắc nghiệt Nam Sudan.
Họ đã dùng chính tấm lòng của mình để lá cờ đỏ sao vàng được biết đến nhiều hơn, được yêu quý và trân trọng hơn ở quốc gia châu Phi xa xôi này. Họ đã gieo cho những em nhỏ ở đây quyền mơ ước về một cuộc sống với những gam màu tươi sáng hơn.
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam phủ xanh đất cằn Nam Sudan bằng những loại hoa, rau, trái quê nhà. |
Lại nói về những cản trở trong thời gian Trung tá Minh Phương và đồng đội về phép giữa nhiệm kỳ, chị kể, sau khi về Việt Nam một thời gian thì dịch bùng phát ở Nam Sudan và Chính phủ Nam Sudan đã đóng cửa không phận, dừng khai thác tất cả các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước.
Vé máy bay khứ hồi của nữ quan sát viên cũng bị hủy, thời gian nghỉ phép bị kéo dài hơn so với dự kiến. Do nhiều hãng hàng không dừng khai thác các chặng quốc tế, trong đó có Việt Nam nên việc quay trở lại Phái bộ bị gián đoạn.
Trung tá Minh Phương nhớ như in, sau hơn 3 tháng bị kẹt lại ở Việt Nam vì đại dịch Covid-19, đoàn trả phép được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm 3 đồng chí có nhiệm vụ đi tiền trạm nghiên cứu đường bay và mang theo những vật tư, thiết bị y tế, thuốc thiết yếu nhất.
Mặc dù đã được chuẩn bị rất cẩn thận, nhưng khi tới sân bay Juba, cả hai nhóm trả phép đều gặp sự cố do nhân viên an ninh sân bay yêu cầu kiểm tra hàng hoá, xuất trình các giấy tờ cần thiết... Nhưng với sự khéo léo và nỗ lực đàm phán, thuyết phục của các thành viên trong đoàn, toàn bộ hàng hóa đã được nhập cảnh thành công.
“Khi đó, tôi là thành viên nhóm trả phép số 1 đi tiền trạm để nghiên cứu hành trình bay từ Việt Nam đi Nam Sudan, đã phải giải thích rằng “chúng tôi đến từ Việt Nam, những vật tư y tế này không chỉ giúp lực lượng cán bộ, nhân viên của Việt Nam mà còn có thể hỗ trợ nhân dân CH Nam Sudan nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh”. Sau những chia sẻ đó, cả nhóm đã mang được toàn bộ hàng hóa cung ứng cho địa bàn ra khỏi sân bay an toàn”, Trung tá Minh Phương hồi nhớ.
Những ngày Trung tá Minh Phương chuẩn bị về nước cho đến nay, tình hình an ninh, chính trị tại Nam Sudan thời gian có dấu hiệu chuyển biến tích cực sau khi Chính phủ hợp nhất dân tộc lâm thời (Chính phủ chuyển tiếp) được chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 22/2/2020 sau 2 lần trì hoãn, gia hạn.
Đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nền chính trị của Nam Sudan nhờ vào những thỏa hiệp, cam kết về chính trị và quyết tâm hành động vì lợi ích đất nước của các nhà lãnh đạo Nam Sudan, là bước chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2023.
Theo nữ quân nhân, xung đột, đụng độ vũ trang trên toàn lãnh thổ Nam Sudan có xu hướng giảm về tính chất và số vụ; người dân tị nạn tại quốc gia láng giềng hoặc rời bỏ nhà cửa do nội chiến đã bắt đầu quay trở về nhà.
Tuy nhiên ở nhiều khu vực, tình hình an ninh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chủ yếu xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc, trả thù, cướp gia súc và xung đột quy mô nhỏ. Điều này sẽ gây nên tình hình an ninh không ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột bùng phát trên diện rộng nếu không được kiểm soát tốt bởi chính quyền, lực lượng quân sự, cảnh sát cũng như lãnh đạo của cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan gặp rất nhiều khó khăn.
Chẳng hạn như chế độ, giờ giấc làm việc thay đổi; hoạt động tuần tra, tác chiến thường xuyên bị gián đoạn; việc di chuyển đi lại giữa các khu vực bị hạn chế; nguồn nhân lực có thời điểm thiếu hụt trầm trọng (nhất là từ tháng 3-10/2020) do Chính phủ và Bộ Ngoại giao thường xuyên trì hoãn việc cấp thị thực cho cá nhân mới triển khai tại UNMISS.
Đây cũng là thời điểm đầy thách thức trong nhiệm kỳ tham gìn giữ hòa bình của Trung tá Minh Phương.
Nữ Quan sát viên cho biết: “Đặc thù công việc của tôi là thường xuyên tiếp xúc với cơ quan phối hợp quản lý và giám sát JVMM (cơ quan trung gian giữa Phái bộ và Chính phủ của Nam Sudan) nên nguy cơ lây nhiễm rất cao do hầu hết người Nam Sudan đều rất chủ quan trong việc phòng chống dịch. Hơn nữa, có những thời điểm tại cơ quan, công việc quá tải, phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ một lúc do quân số thiếu vắng, lực lượng thay thế chưa đảm bảo, nhiều đồng nghiệp bị cách ly vì Covid-19…”.
Ấy nhưng, chị sẵn sàng kéo dài nhiệm kỳ công tác, khi nhận được đề nghị của UNMISS. “Bản thân tôi nhận thấy, đây là giai đoạn đầy thách thức, khó khăn của Phái bộ khi dịch Covid-19 bùng phát và nguồn nhân lực thay thế đang bị hạn chế. Cho nên, tôi không thể không chia sẻ sự vất vả với các đồng nghiệp nơi đây”, chị lý giải.
Chị trải lòng: “Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một nhiệm vụ đầy vinh dự, tự hào và cũng là trải nghiệm vô cùng quý giá nhưng cũng đầy thách thức”.
Được sự tin tưởng của chỉ huy cấp trên, nữ quân nhân được triển khai tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan và lên đường thực hiện nhiệm vụ từ tháng 11/2019. Với việc thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên sâu sát và kịp thời của Thủ trưởng các cấp, sự ủng hộ của gia đình, sự đoàn kết, tương trợ của bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước, chị đã dần vượt qua áp lực là “người tiên phong” của lực lượng nữ quân nhân Việt Nam tham gia với vai trò là quan sát viên quân sự.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương và các đồng nghiệp quốc tế. |
Bằng ý chí, tinh thần lạc quan, tính chuyên nghiệp, sự cống hiến, lòng dũng cảm, cộng với sự thông minh, bản lĩnh, rắn rỏi và mạnh mẽ, Trung tá Minh Phương được ví như “bông hồng thép” tuyệt đẹp giữa mảnh đất châu Phi cằn khô.
“Sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác dài hơn dự kiến tại Phái bộ, cảm xúc của tôi là vui và tự hào khi có một nhiệm kỳ công tác an toàn, thành công với nhiều trải nghiệm, nhiều thử thách… Bản thân tôi cũng có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn, thực tế hơn, rõ nét hơn về địa bàn, về tính chất nhiệm vụ của những người lính mũ nồi xanh trong quá trình thực hiện sứ mệnh cao cả và được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong môi trường công tác đa quốc gia, đa văn hóa của Phái bộ”, chị chia sẻ cảm xúc khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên cương vị là nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại UNMISS theo đánh giá của UNMISS và được tặng Bằng khen của Chỉ huy Phái bộ.
Hình ảnh gần gũi, chăm lo cho người dân địa phương, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ của Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương nói riêng, nữ quân nhân Việt Nam tại châu Phi nói chung rất tiêu biểu và nổi bật trong một môi trường đa quốc gia. Đó còn là một biểu tượng trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát huy hình ảnh người mẹ, người chị trong các cuộc chiến tranh trước đây, tiêu biểu và xứng đáng là con cháu bà Trưng, bà Triệu.