Trong 30 năm qua, có một điều rất hay là mặc dù ông Phạm Tuấn Anh chỉ là “người ngoài”, tức là không bao giờ là người ở trong biên chế của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng ông may mắn được tham gia vào nhiều sự kiện quan trọng của mối quan hệ Việt - Mỹ kể từ những ngày đầu.
Góc nhìn của một người quan sát gần gũi trong một thời gian dài như vậy khiến ông có được những nhận định liền mạch, sâu sắc của một người trong cuộc về mối quan hệ Việt - Mỹ mà chúng tôi thấy rất đáng để độc giả của Báo Đầu tư tham khảo.
Ông nhận xét rằng, trong gần 30 năm qua kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đi được những bước rất xa. Hai nước đi từ quá khứ là kẻ thù không đội trời chung tới hiện tại là mối quan hệ toàn diện như giữa hai người bạn tốt. Cũng như con người, các quốc gia khi bỏ qua được những hận thù, sân si, rồi đến gần với nhau để cùng nhìn về tương lai tươi sáng thì cũng là điều vô cùng tốt đẹp.
Ông Phạm Tuấn Anh có niềm tin lạc quan rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ngày càng tin tưởng nhau, ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó với nhau để làm sao khai thác được cả hai khía cạnh: khía cạnh thực tiễn là lợi ích kinh tế cho hai quốc gia, cho người dân hai nước và khía cạnh lãng mạn, của sự hỗ trợ, bảo vệ, che chở của người bạn lớn, giàu có hơn, cho một người bạn còn yếu hơn, nghèo hơn.
Từng làm phiên dịch cho nhiều cuộc gặp quan trọng giữa lãnh đạo hai nước từ năm 1996 đến nay, ông nhận thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển như thế nào suốt gần 3 thập niên qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao ngày 11/7/1995?
- Thực ra, tôi chưa bao giờ có vai trò chính thức là một nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ. Mô hình của Chính phủ Hoa Kỳ tuy thế lại cho phép những người ở bên ngoại vi như tôi tham gia vào một số vị trí, vai trò trong quá trình họ lập chính sách và giao lưu, giao thương, giao tiếp với các quốc gia khác.
Năm 1996, tôi chỉ là một người trẻ Việt Nam may mắn được Đại biện Hoa Kỳ cho tham gia trong vai trò người phiên dịch cho một số cuộc gặp mang tính xã giao giữa phía Hoa Kỳ với các lãnh đạo của Việt Nam. Trong thời gian này, tôi cũng được tham gia làm phiên dịch cho những cuộc gặp không bí mật giữa các Bộ trưởng Hoa Kỳ với Việt Nam như Bộ trưởng Ngoại giao hay Bộ trưởng Y tế và Nhân sự vụ.
Đó là thời gian đầu khi Việt Nam và Hoa Kỳ mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi là người mang quốc tịch Việt Nam được mời làm việc từ phía Mỹ hỗ trợ phiên dịch cho các giao tiếp.
Sau này, khi trở thành một thường trú nhân, rồi công dân Hoa Kỳ thì vai trò của tôi có nhiều thay đổi. Sống ở Mỹ, có quốc tịch Mỹ, làm việc chính sách từ phía Mỹ nhưng sinh ra ở Việt Nam, còn quốc tịch Việt Nam, thì sự trung thành của tôi cũng chia làm hai phần: một phần là tình yêu cho quê cha đất mẹ và phần kia là sự trung thành với đất nước tôi đã chọn làm quê hương thứ hai.
Có thể nói, đây giống như tình cảm mà một người dành cho quê cha và quê mẹ, cho bên nội và bên ngoại. Rất khó để nói là bên nào thì hơn hai bên nào, vì với mỗi bên tôi đều có những tình cảm, những đóng góp khác nhau. Mong muốn lớn nhất của tôi trong chừng đó năm là làm sao đưa Việt Nam và Hoa Kỳ gần lại với nhau hơn.
Nói như vậy nghe có vẻ hơi đại ngôn, nhưng thực ra, mỗi cá nhân khi đóng vai trò như một người kết nối, một đại sứ nhân dân của đất nước của mình với một đất nước khác thì nghiễm nhiên người đó đang đưa hai nước tiến lại gần hơn với nhau.
Hoàn cảnh cuộc sống cũng như lịch sử của tôi cho phép tôi được tham gia vào nhiều hoạt động giao tiếp giữa hai nước ở mức cao nhất. Những đóng góp của tôi, vì thế, phần nào cũng tương xứng với tầm vóc của các giao tiếp đó.
Trong chừng đó năm, có một điều rất hay là mặc dù là người ngoài, tức là không bao giờ là người trong biên chế của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng là một người quan sát gần gũi, có gắn bó mật thiết về công việc với bang giao hai nước, thì tôi nhận định rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đi được những bước rất xa.
Khi nhận định về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, người ta thường nói về cách cán cân thương mại song phương hay số lượng sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ đã tăng hàng ngàn lần so với năm 1995. Tôi cho rằng, những phát triển tương tự là những phát triển rất tự nhiên, những hiện tượng mang tính hình thức.
Tôi quan tâm nhiều hơn tới sự gắn bó về tình cảm giữa hai nước là một thứ thuộc về nội dung, bản chất. Nếu sự gắn bó này gần gũi, tốt đẹp thì chúng ta có thể tin rằng, những phát triển bề ngoài rực rỡ hơn sẽ còn tiếp tục đến.
Trong bang giao với Mỹ, người ta cần luôn lưu tâm tới việc nước Mỹ có nhiều khuôn mặt mà tôi giản hóa thành hai khuôn mặt. Một mặt là họ rất thực tiễn, họ làm việc gì cũng tính đến hiệu quả và phải đạt được lợi ích đong đếm, phân tích, kế toán được. Mặt còn lại của nước Mỹ, mà nếu người ta bỏ qua, không xem xét trọn vẹn thì sẽ là một thiếu sót lớn khiến cho phân tích không đầy đủ và chính sách dựa trên phân tích đó sẽ không tối ưu.
Mặt khác, Mỹ là một quốc gia có tinh thần lãng mạn rất cao, thể hiện ở chỗ họ có tình cảm cho những quốc gia khác. Nói chung, với khuôn mặt này, và là mặt thật chứ không phải mặt nạ, thì họ là một đất nước bênh vực kẻ yếu, người nghèo, người yếm thế trên thế giới. Họ cũng trân trọng những quốc gia có chung giá trị lập quốc như họ.
Quan hệ cụ thể của Mỹ với Việt Nam cũng phản ánh đủ hai khuôn mặt nói trên: một bên dễ thấy và nghiễm nhiên là những tính toán lợi ích kinh tế và chiến lược, nhưng một bên kia là mong muốn chân thành bênh vực Việt Nam.
Lịch sử cho thấy, Việt Nam là một đất nước quật cường, yêu tự do. Nước Mỹ sinh ra từ tinh thần chuộng tự do, phải chiến đấu để giành độc lập tự do y như Việt Nam, nên trong tâm thức quốc gia của họ có sự nể trọng tự nhiên những quốc gia có tinh thần yêu tự do như vậy.
Hoa Kỳ tìm thấy một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng đáng tin cậy trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương là Việt Nam, đồng thời quan hệ hai nước cũng có tình cảm của hai người bạn hiểu nhau, thân nhau, quý nhau, chứ không chỉ là quan hệ hợp tác lạnh lùng có đi, có lại.
Diễn tiến quan hệ của hai nước suốt từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao đến nay phản ánh rõ rệt cả hai mặt thực tiễn và lãng mạn.
Những lợi ích kinh tế mà Việt Nam thu được hay những lợi ích chiến lược mà Hoa Kỳ nhận lại được từ quan hệ Mỹ - Việt rất rõ ràng. Nhưng tình cảm giữa hai nước cũng đã trở nên sâu sắc và gắn bó hơn.
Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các quan tâm về chính sách từ phía Hoa Kỳ. Theo quan sát của tôi, Việt Nam luôn đóng vai trò không thể thiếu trong mọi chính sách của Mỹ với Đông Á. Vai trò này vượt lên trên sức nặng kinh tế mà Việt Nam mang đến, vượt qua những khác biệt về ý thức hệ, và chỉ có thể giải thích được trọn vẹn với tâm tư đẹp của tình yêu.
Đơn cử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cả Việt Nam và Mỹ ban đầu đều không phải là đối tác trong đó. Chính Mỹ chủ động mời chứ không phải Việt Nam chủ động xin tham gia cơ chế đó. Sắp xếp này rõ ràng là có rủi ro cho Việt Nam, bởi vì đó là một cơ chế không có Trung Quốc. Thế nhưng, Việt Nam đã hành xử cao thượng, tin cậy, chấp nhận rủi ro để đáp lại tốt nhất lời mời của người bạn Mỹ để đồng ý tham gia vào TPP, và khi tham gia là tham gia hết mình tới tận cùng.
Tôi tin rằng, quan hệ hai nước nếu về mặt triết lý, tình cảm mà đào sâu được thì những biểu hiện về thực tiễn như là lợi ích kinh tế, hợp tác quốc phòng, những hợp tác khác mang tính chiến lược chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái trên cánh đồng của tình bạn sâu sắc.
Tôi cũng có niềm tin lạc quan rằng, hai quốc gia sẽ ngày càng tin tưởng nhau, ngày càng gần gũi, gắn bó với nhau để cùng khai thác được trọn vẹn cả hai khía cạnh: khía cạnh thực tiễn của lợi ích kinh tế cho hai quốc gia, cho người dân hai nước và khía cạnh của sự lãng mạn, ủng hộ của người bạn lớn.
Là người được giáo dục về hành chính công kiểu Mỹ với các lý tưởng thị trường tự do, chính trị dân chủ, trong vai trò người phiên dịch ông đã làm thế nào để dung hòa được tính cách, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mọi người hai bên Việt Nam – Hoa Kỳ?
- Đây là một câu hỏi rất hay. Xin cảm ơn nhà báo đã đào sâu và giành thời gian suy ngẫm để hỏi một câu hỏi khá trực diện về những khó khăn của người phiên dịch cấp cao.
Người phiên dịch không phải đơn thuần chỉ là một người chuyển dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nếu phiên dịch là công việc thuần túy ngôn ngữ thì cái máy sẽ sớm thay thế con người.
Trong giao tiếp, nhất là giao tiếp ở cấp độ cao, thì lời lẽ chỉ truyền tải một phần ý nghĩa. Còn có những phần ý nghĩa không được nói ra, có những thứ muốn phiên dịch được thì người ta phải hiểu toàn bộ những trích ngang, lý lịch, quê quán, tầng ý nghĩa… Tức là, những thứ “ý tại ngôn ngoại” nằm ở bên ngoài lời nói.
Muốn làm người phiên dịch tốt không chỉ dịch những thứ nói ra bằng lời, mà còn phân tích cả những thứ không nói ra để người nghe chịu nghe, chịu hiểu mình buộc phải duy trì một trạng thái và vị thế tương đối cân bằng, khách quan.
Tôi may mắn có chuyên môn về chính sách công, được đào tạo tại một trong những đại học hàng đầu của Mỹ là Princeton. Như thế thì tôi với các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ có chung gốc rễ học hành. Chúng tôi nói chung một ngôn ngữ của kinh tế học, của thống kê, của kinh tế phát triển, của chính trị và chính sách. Chúng tôi cùng tin tưởng rằng, chính sách phải dựa trên bằng chứng lý thuyết, số liệu, dữ liệu, và không bị lay chuyển bởi cảm tính. Tôi với những người làm chính sách Hoa Kỳ có chung chuyên môn và công cụ phân tích chính sách như vậy.
Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015. |
Mặt khác, tôi lại đến từ một quê hương giàu tình cảm hơn lý tính. Tôi giống như một cô gái con nhà nghèo ở quê lấy chồng ở Hà Nội. Gia đình nhà chồng ở Hà Nội có văn hóa gia đình riêng, có sự tự mãn, tự kiêu, kiểu ăn nói bề trên miệng nhà sang có gang, có thép riêng. Gia đình ở quê lại rất tốt, rất chân thành, nhưng cũng có những thứ tình cảm, tự ái riêng, cả tích cực và tiêu cực đều có.
Là người phiên dịch giống như cô gái nông thôn lấy chồng gia đình truyền thống Hà Nội, tôi phải đối mặt với một thử thách lớn dễ làm người ta nản lòng. Nhưng đó là thách thức rất thú vị, bởi vì là người trung gian trong một quan hệ lệch như vậy, tôi phải làm sao để có thể tìm ra được những điểm chung thay vì những điểm riêng.
Nếu như trong một mối quan hệ giữa hai bên khác nhau như vậy mà chúng ta nhấn mạnh vào những điều khác biệt thì sẽ không bao giờ có thể hàn gắn, kết nối được. Nếu có khoảng trống, khoảng cách giữa hai bên thì cái đó sẽ là một thứ vực thẳm không thể vượt qua.
Như vậy, nếu như cả hai bên đều có lòng mong muốn được tiếp cận gần với nhau thì người phiên dịch đồng thời sẽ phải là một người môi giới, người làm mối, người trung gian hữu hiệu để làm sao có thể tạo điều kiện cho hai quốc gia lại gần với nhau. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, hai bên không hiểu nhau do có những niềm tin, truyền thống, hệ giá trị.
Những niềm tin, truyền thống, hệ giá trị khác nhau này lại đến từ các thế hệ cha ông của mỗi bên. Khi nói đến những thứ cha ông truyền lại thì thường người ta rất tôn trọng và trung thành với những thứ gia truyền đó. Khi chúng ta tôn trọng, trung thành với những giá trị của cha ông thì chúng ta lại thường có góc nhìn không được thân thiện với những truyền thống và giá trị của cha ông của người khác.
Thế thì, là người phiên dịch hay là một cô dâu nông thôn lấy chồng Hà Nội đó, tôi phải đưa hai bên lại gần với nhau bằng cách thay vì chỉ ra những điều hai bên khác nhau, tôi phải tập trung chỉ ra những điểm hai bên giống nhau. Đơn cử, nếu nói về hệ giá trị thì có những giá trị rất căn bản, mang tính bản thể giữa con người với nhau ví dụ như sự tử tế, lòng tốt, hay là sự lãng mạn, sự hào phóng. Những thứ vừa nói đó thì tất cả mọi người ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều quý.
Những thứ tình cảm như người giàu giúp người nghèo, người lớn giúp người bé hay là những giá trị gia đình như con cái yêu thương bố mẹ, bố mẹ yêu thương và chăm sóc con cái, đều là những giá trị mà cả Mỹ và Việt Nam hay bất kỳ ở đâu khác đều chia sẻ. Công việc của tôi là tìm ra những giá trị hai bên chia sẻ hoặc giải thích những điểm khác biệt theo cách hợp lý để quy được chúng về những giá trị chia sẻ được.
Người phiên dịch không thể nào xuyên tạc, nói không thành có, nói có thành không, không thể bịa ra những điều không có ở trong văn cảnh. Thế nhưng, người phiên dịch có thể lựa chọn trong số nhiều phương án dịch một phương án tối ưu hàm chứa những giải pháp, những cách nhìn, cách diễn giải tốt nhất cho sự hiểu biết chung của hai bên.
Phương án dịch tối ưu chỉ ra cho hai bên thấy là sự hiểu của họ thực ra là giống nhau. Và những giá trị của bên này giống nhiều hơn là khác biệt với những giá trị của bên kia.
Gần 30 năm làm phiên dịch, tôi cũng đã có thành công nhất định nhờ phát triển được sự nhạy cảm để biết được khi nào một vấn đề là gai góc và gai góc đối với bên nào, chỗ nào một bên có thể du di chấp nhận, chỗ nào một bên không thể chấp nhận nhượng bộ. Từ nhận thức đó mà người trung gian đề xuất cách diễn giải hợp lý và đưa ra những giải pháp tốt cho cả hai bên. Lúc đó, dịch không phải là phá nữa mà là xây.
Được biết, sắp tới, ông sẽ là một người điều phối cho thảo luận nhóm tên là “Tầm nhìn và ý nghĩa của Hòa giải (Mỹ - Việt)”, ông có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?
- Sắp tới ở Washington DC, vào ngày 11/10, Viện Hòa Bình Mỹ sẽ tổ chức hội thảo về quá trình hòa giải của Mỹ đối với ba nước Đông Dương. Tôi cũng đã nhận lời để tham gia làm một người điều phối của thảo luận tên là “Tầm nhìn và ý nghĩa của Hòa giải”.
Sinh năm 1976 sau chiến tranh, tôi không thể phát biểu như một người đã từng trải qua chiến tranh. Chiến tranh hay hòa giải đối với thế hệ tôi hay trẻ hơn, vì thế, có phần trừu tượng do chúng tôi không phải trải qua thời gian đó.
Đơn cử, tôi không biết thế nào là đi sơ tán. Tôi không biết những tháng ngày người Hà Nội chịu khổ đau vì bom Mỹ. Hay những điều đau khổ khác mà các bên trong chiến tranh có thể gây ra cho nhau. Điều lợi duy nhất là một người thế hệ hậu chiến như tôi có lẽ cởi mở hơn với chủ đề hòa giải so với những người đã phải chịu khổ đau vì chiến tranh.
Thế hệ hậu chiến lớn lên chỉ biết hòa bình thì có cái nhìn hướng về tương lai hơn là hướng về quá khứ, và nói về hòa giải, về bình ổn quan hệ, về chung sống hòa bình có lẽ trơn tru hơn.
Tuy vậy là người đọc nhiều, quan tâm đến lịch sử, trong thời gian làm việc phiên dịch hỗ trợ khôi phục quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, tôi cũng đã đọc hiểu nhiều tài liệu từ các nguồn đa dạng, được gặp gỡ rất nhiều những nhân vật lịch sử liên quan đến giai đoạn chiến tranh Mỹ - Việt và giai đoạn của những nỗ lực tái lập nền hòa bình giữa hai nước.
Những nỗ lực tái lập quan hệ hai nước đã được khởi động lại không lâu sau chiến tranh nhưng không thành công vì nhiều lý do. Mãi về sau này đến tận năm 1995 quan hệ ngoại giao giữa hai nước mới được bình thường hóa trở lại.
Trong bất kỳ mối bang giao quốc tế nào, để có được quan hệ tốt, người ta phải đảm bảo được việc tuân thủ nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Không phải quốc gia lớn hơn, mạnh hơn nào cũng muốn một mối quan hệ một chiều mà họ được hưởng mọi điều thuận lợi ở cửa trên. Nhiều nước hôm nay là nước mạnh, nước giàu cũng đã từng là nước yếu, nước nghèo rồi mới giàu mạnh lên. Lịch sử đó khiến họ cư xử bình đẳng với các quốc gia yếu và nghèo hơn họ.
Chính Hoa Kỳ là một quốc gia như vậy. Trong thời lập quốc, Hoa Kỳ từng là bên yếu bị nước Anh đàn áp; họ từng bị người Pháp, người Tây Ban Nha coi thường. Cũng không phải lúc nào Hoa Kỳ cũng là tay sen đầm quốc tế, lúc nào cũng chõ mũi vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Một đặc điểm quan trọng nằm trong chính sách ngoại giao quốc gia của họ là chủ thuyết Hoa Kỳ chỉ nên đứng ngoài mọi vấn đề thế giới, tập trung vào công việc nội bộ, tận hưởng số may của vị trí địa lý cách biển để mà sống cho được yên thân.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bil Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. (Ảnh Tư liệu) |
Từng là “tay mơ” yếu thế trong các mối quan hệ quốc tế, Hoa Kỳ tin rằng, về nguyên tắc, các mối quan hệ quốc tế phải rất cân bằng. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không phải là ngoại lệ trong nguyên tắc đó. Để có được sự cân bằng đó, hai bên cần cùng suy ngẫm và tập “thử chân vào cái giày của người kia” thì mới hiểu được những giá trị gì là quan trọng đối với bên kia. Khi đã có sự hiểu biết và tôn trọng bên kia thì hai bên có cơ hội để cùng tiến đến gần nhau.
Ngược lại, nếu một bên cho rằng, những giá trị của bên kia chỉ là giả dối, giả tạo, là bình phong che đậy cho những toan tính riêng, thì sẽ không nhìn ra điểm chung của bên kia và như thế là hai bên không thể đến gần nhau.
Một đặc điểm nữa, tôi thấy cần nói thêm là, Hoa Kỳ nói chung tôn trọng các cá nhân và quốc gia đề cao đạo đức, sự liêm chính, tinh thần từ thiện. Có nhiều ví dụ về các quốc gia nhỏ cả về diện tích, nền kinh tế, ảnh hưởng chính trị nhưng nhận được sự tôn trọng của Hoa Kỳ chỉ vì họ “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Hiểu ra điều này thì một cách chắc chắn thành công để một quốc gia xây dựng quan hệ tốt với Hoa Kỳ là tập trung xây dựng sự tự trọng của mình. Việc đó thành công, Hoa Kỳ sẽ tự đến xin làm bạn tốt.
Lấy những nguyên tắc tốt đẹp ở trên làm tiền đề và khi hai nước có mong muốn được xây dựng quan hệ gần gũi, thì quan hệ Việt - Mỹ thân thiết là một trong những ví dụ tuyệt đẹp của nhân loại về cách mà hai nước từng là cựu thù, có thể vượt qua quá khứ để trở thành bạn tốt.
Đối với những quốc gia có lịch sử chung đau đớn như vậy, trở thành bạn thân với nhau là một điều quý giá. Các quốc gia cũng như con người, nếu bỏ qua được những hận thù, sân si, rồi đến gần với nhau để cùng nhìn về tương lai chung tươi sáng sẽ là điều vô cùng tốt đẹp.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và bà C.Barshefsky, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tại lễ ký Hiệp định BTA, ngày 13/07/2000 (Ảnh: TTXVN) |
Về tầm nhìn, tôi vẫn nhớ rằng, ngay từ lúc Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận và cả trước đó nữa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã hàm chứa nhiều hạt giống lạc quan, bởi vì xuất phát điểm quá thấp do chiến tranh đã đẩy quan hệ hai nước xuống vực sâu của lịch sử và quan hệ. Từ đáy vực như thế, chỉ có một góc nhìn là đi lên thôi. Thế nhưng, hai bên có thể đã có lúc không đồng ý được với nhau về cách đi lên do có sự khác biệt về thể chế.
Chúng ta cùng nhìn lại và cảm ơn ông Clinton và các nhà thiết kế cho quan hệ mới được khôi phục, vì họ đã có cái nhìn rất lạc quan để tin tưởng rằng, hai nước có thể hợp tác được với nhau, vượt qua những khác biệt về chế độ chính trị.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng năm 2015, Tổng thống Obama đã nhắc đi, nhắc lại tầm nhìn nói trên thông qua khẳng định mạnh mẽ là Mỹ không quan tâm đến việc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Đây tôi hiểu là thái độ và hiểu biết chung của lưỡng đảng Hoa Kỳ chứ không chỉ là quan điểm riêng của Đảng Dân chủ.
Ngày 23/5/2016, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cho biết Hoa Kỳ đã quyết định "dỡ bỏ hoàn toàn" lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vốn được áp đặt khoảng 50 năm qua. |
Một vế quan trọng của quá trình hòa giải là người Mỹ gốc Việt, những công dân cũ của Việt Nam Cộng hòa và con em họ. Vai trò của họ là không thể thiếu được trong tiến trình hòa giải và hàn gắn. Họ là những người vẫn luôn nặng lòng với quê hương Việt Nam và vì thế mối quan hệ hòa giải, hòa bình, hòa hợp giữa Mỹ với Việt Nam dứt khoát nên là một quan hệ chân thành của cả ba bên. Không ai nên hay có thể gạt những người Mỹ gốc Việt ra khỏi phương trình này.
Dù ba bên nói trên còn nhiều sự khác biệt, nhưng lại có điểm chung là đều mong muốn cho nước Việt Nam được thịnh vượng, hùng cường, có vai trò quan trọng trong cộng đồng thế giới, và con người Việt Nam được sống trong hòa bình, tiêu chuẩn sống và chất lượng cuộc sống đều được nâng lên. Chúng ta nên tập trung vào bồi đắp cho những mong muốn chung đó để vai trò của người Mỹ gốc Việt ở Việt Nam được cải thiện thêm lên.
Ông đã sống, làm việc ở Hoa Kỳ hơn 20 năm và vẫn thường xuyên trở về Việt Nam. Ông nhận thấy cuộc sống của người dân hai nước có sự khác biệt nào lớn?
- Tôi không chỉ sống ở Hoa Kỳ, mà trước đây đã từng làm việc và sống ở Trung Quốc, Ai Cập và cũng đã đi tới khoảng 40 quốc gia, trong đó có những quốc gia hiếm người đến như Triều Tiên.
Tôi cảm nhận, cảnh quan thiên nhiên ở mỗi nơi có thể khác, nhưng cảnh quan con người lại giống nhau một cách đáng ngạc nhiên ở mọi nơi. Con người chúng ta màu da có thể khác nhau, có danh tính dân tộc, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa khác nhau, nhưng những tình cảm con người, những thứ làm cho chúng ta trở nên đúng là con người lại giống nhau một cách đáng ngạc nhiên ở mọi nơi.
Ví dụ, ban nãy, tôi có nhắc đến gia đình và ý nghĩa của gia đình đối với mỗi người. Người Đông Á nghĩ đến Mỹ thường cho rằng, người Mỹ độc lập quá đáng, hay là gia đình Mỹ không yêu nhau, nào là con cái phải vay tiền của bố mẹ, bố mẹ thì chỉ mong con cái 18 tuổi để chúng có thể tự lập mà ra sống riêng, hay là con cái có thể đi đâu đó nhiều năm không gặp lại bố mẹ và bố mẹ già thì bị con cái đưa ngay vào viện dưỡng lão...
Những quan sát đó có thể đúng trên bề mặt, nhưng sai ở chỗ lý do không phải là người Mỹ không còn thương yêu nhau. Hơn nửa thế kỷ qua, những biến động về cơ cấu kinh tế, quan hệ sắc tộc và giới tính… cũng khiến cho quan hệ của người Mỹ với nhau thay đổi. Tình yêu thương vẫn còn nguyên ở đó chỉ có cách thức biểu hiện tình yêu đó là khác đi. Khi mà nền kinh tế phát triển, những hình mẫu của gia đình cũng phải bị thay đổi và điều chỉnh làm sao để tạo điều kiện cho người ta tham gia trọn vẹn các hoạt động của nền kinh tế.
Ông Phạm Tuấn Anh tổ chức cuộc gặp gỡ giữa vợ chồng ông Joe Damond, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ (phía Hoa Kỳ) với các thành viên Đoàn đàm phán phía Việt Nam, tại Hà Nội hồi tháng 8/2022. |
Khi xưa, gia đình sống ở một địa phương, mọi người không rời xa quê thì gia đình rất quây quần gần gũi, nhưng khi người Mỹ ra khỏi nhà đi theo công việc làm ở mọi nơi trên đất Mỹ, thì sự gần gũi của gia đình cũng giảm đi. Những ngày lễ quan trọng, người ta vẫn tìm mọi cách để về với gia đình y như cách mà người Việt chúng ta hàng năm đổ về quê ăn Tết.
Chúng ta có thể thấy, ở Việt Nam ngày hôm nay, sau 20 năm Việt Nam bắt đầu cất cánh phát triển, cơ cấu và cách bày tỏ tình cảm của gia đình Việt Nam cũng đã có những sự thay đổi tương đương như các thay đổi trong gia đình Mỹ.
Trong cái cảnh quan con người giống nhau ở khắp nơi đó, tôi muốn nhấn mạnh vào những quan sát như thế này. Một đất nước giàu có bao nhiêu, thịnh vượng bao nhiêu thì sự thành công của đất nước đó vẫn bị đánh giá dựa trên mức độ hạnh phúc của những người yếu trong đất nước đó.
Người yếu ở đây bao gồm người nghèo, phụ nữ, người già và trẻ em, người tàn tật và trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt, các nhóm thiểu số, cả dân tộc thiểu số và những nhóm dễ bị kỳ thị như người đồng tính, chuyển giới, mẹ đơn thân,...
Một xã hội chỉ phát triển nặng ở trên đầu mà bên dưới không làm gì để chăm sóc những người yếu đuối thì xã hội đó chưa thực sự phát triển. Cách một xã hội chăm sóc những người yếu nhất của nó là chỉ dấu quan trọng nhất cho trình độ phát triển của xã hội đó.
Ở Việt Nam, chế độ xã hội của chúng ta đề cao vị thế của con người, chúng ta lấy con người làm gốc cho phát triển. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, Việt Nam đã phải trải qua nhiều năm chiến tranh rồi lại có những bất hạnh xảy ra ngoài mong muốn như là những đứt gãy thuộc về số phận và lịch sử của một dân tộc. Những thứ đứt gãy đó không phải hoàn toàn do lỗi của chúng ta, nhưng hoàn cảnh lịch sử như vậy cũng khiến chúng ta chưa có đủ điều kiện để chăm sóc thật tốt cho những người yếu nhất của chúng ta.
Trong văn hóa của chúng ta có nhiều câu ca dao, tục ngữ đề cao triết lý hỗ trợ người yếu như “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Triết lý thì rất tốt đẹp, nhưng do đời sống thiếu thốn, nhiều khi cái khó bó cái khôn. Việc chăm sóc cho người nghèo, người yếu ở ta vẫn mang nặng tính ban phát, nguồn lực hạn chế chứ chưa phải thành một nết tính, một phong trào quốc gia.
Ông Phạm Tuấn Anh chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu sau buổi làm việc ngày 17/8/2022. |
So với nhiều quốc gia phát triển khác, những chính sách xã hội hỗ trợ người nghèo, người yếu, Mỹ chưa phải là đỉnh cao, nhưng so với Việt Nam, vấn đề này, Mỹ đang làm tương đối tốt và Việt Nam có thể tham khảo cách người Mỹ làm để xây dựng hệ thống an sinh xã hội của mình.
Trọng tâm của những chính sách xã hội chăm sóc người yếu chính là vấn đề nhân phẩm. Ví dụ, khi một đứa trẻ mất cha mẹ và không còn ai chăm sóc thì có tồn tại những cơ chế xã hội để đảm bảo sự an toàn của đứa bé, để nó không rơi vào những cái bẫy của trộm cắp, ma túy, mại dâm hay không? Hay khi một người già yếu, ốm đau nằm vật vã ở đó và không có ai chăm sóc thì có tồn tại những cơ chế xã hội để giúp người ta có sự chăm sóc y tế, để không bị bạo hành không?
Nhân phẩm ở đây chính là tính người cần được bảo vệ của những người rất dễ rơi vào vực thẳm của sự đối xử phi nhân tính. Chúng ta đang bảo vệ nhân phẩm khi xã hội chăm sóc người yếu, người nghèo; người ốm đau được chữa bệnh; trẻ con nhà nghèo được học hành, và những người đang yên lành bỗng gặp tai vạ trở nên bất hạnh,... bắt buộc cần phải có những cơ chế xã hội để nâng đỡ người ta. Những cơ chế xã hội để đỡ những người yếu, người bất hạnh được gọi là những lưới an sinh xã hội.
Lưới an sinh xã hội dùng hình ảnh so sánh với tiết mục diễn viên đi thăng bằng trong rạp xiếc. Người ta luôn mắc những lưới bảo hiểm ở dưới những diễn viên xiếc thăng bằng, bởi nếu chẳng may người ta ngã thì phải có lưới đỡ.
Ông Phạm Tuấn Anh hội ngộ với vợ chồng ông Joe Damond, bà Cindy Long hội và ông Trần Đình Lương, tại chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Việt Nam - Cơ hội và lối rẽ của một nền kinh tế" của Báo Đầu tư, phát sóng ngày 29/8/2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022) |
Truyền thống ở Việt Nam ta là nhờ cậy bạn bè, gia đình hỗ trợ những lúc khó khăn. Ở Mỹ, xưa người ta cũng phụ thuộc vào các mạng lưới tương hỗ đó để thoát cảnh không may tai nạn hay bệnh tật. Các cơ chế bảo hiểm xã hội ra đời và phát triển giúp người ta không phải tìm đến người thân gia đình như là chỗ dựa đầu tiên khi sa cơ lỡ vận.
Ở Mỹ, theo như quan sát của tôi, các lưới an sinh xã hội thường có nhiều hơn một lớp. Người dân rất khó bị bỏ cho chết đói hay chết bệnh mà không có sự trợ giúp xã hội. Ai rơi xuống mà lớp lưới an sinh xã hội đầu không đỡ được, thì thường có thêm các lớp lưới thứ hai. Nếu như cái lưới đó lại bị rách thì lại phải có thêm một lưới phụ để đỡ.
Khác biệt lớn nhất về đời sống của người dân hai nước, theo tôi, chính là việc có hay không có các cơ chế an sinh xã hội thực chất. Một xã hội càng phát triển, người ta càng phải có những lớp lưới để đỡ những người chẳng may rơi ra khỏi nhịp đời sống bình thường. Theo tôi, chúng ta đang bắt đầu “dệt lưới” an sinh xã hội thì có thể học Mỹ cách làm, mà họ làm vậy để bảo vệ nhân phẩm từ nhiều năm nay rồi.
Ông kỳ vọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden thì quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có thêm những bước tiến như thế nào?
- Tôi tin là quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ có nhiều thuận lợi trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Ông là một người hợp lý, dễ chịu, tôn trọng Việt Nam, thực lòng mong muốn giúp Việt Nam phát triển. Vì thế, nếu Việt Nam tận dụng được tốt những cơ hội trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Biden thì sẽ có nhiều kết quả rất tuyệt vời.
Hôm 20/9 vừa rồi, tôi có dịp gặp và nói chuyện với Tổng thống Biden. Tôi có khoe với Tổng thống là người Việt Nam rất cảm kích về món quà hơn 40 triệu liều vắc-xin Covid-19 mà Hoa Kỳ tặng cho Việt Nam trong thời gian gần đây, mà tôi tin là Tổng thống có ảnh hưởng quyết định trong việc đó.
Đồng thời, tôi cũng nói là tôi muốn đi cùng Tổng thống thăm Việt Nam trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu. Tổng thống Biden cười và nói là không dám hứa với tôi việc đó, nhưng ngay lập tức, ông nói với cô thư ký là ghi nhận lại yêu cầu của tôi và lấy tất cả mọi thông tin liên quan.
Ông Phạm Tuấn Anh và Tổng thống Joe Biden. |
Tôi thấy đó có thể là chỉ dấu rằng, Nhà Trắng đang xem xét lên kế hoạch để Tổng thống Joe Biden đi thăm Việt Nam trong một thời điểm thích hợp sớm, có lẽ nằm trong nghị trình làm việc với Đông Nam Á và Đông Á. Chúng ta cùng hy vọng sẽ mời được Tổng thống Biden đến Việt Nam.
Cá nhân tôi cảm nhận Tổng thống Joe Biden là người rất đáng tin cậy. Tôi có niềm tin tuyệt đối vào nhân cách của con người này. Trong nhiệm kỳ của ông, người Việt ta có thể ngủ yên và không cần lo lắng là Mỹ có làm gì ảnh hưởng xấu đến Việt Nam. Vệc hai nước có thể hợp tác được thêm gì không thì còn cần một cái duyên. Tôi vững tin là, dù thế nào, từ đây, hai quốc gia sẽ đều có lợi từ mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (giữa) và gia đình ông Phạm Tuấn Anh |