Hai mươi tư năm sau khi ông Phạm Tuấn Anh đến học tại trường đại học số một của Mỹ, dường như nước Mỹ đã gửi ông đi một chuyến đi “vinh quy bái tổ” thật vinh quang với người đưa đưa ông về quê không phải ai khác mà chính là Tổng thống Mỹ. Ông gọi đó là “Chuyến đi cuộc đời”.
Chuyến trở về Việt Nam làm phiên dịch cho Tổng thống Obama năm 2016 hẳn là chuyến đi vô cùng quan trọng trong cuộc đời ông?
Năm 2000, khi Tổng thống Clinton sang thăm chính thức Việt Nam, tôi cũng được đại sứ quán Mỹ mời dịch cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky. Hôm Tổng thống Clinton phát biểu ở Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi ngồi ngay cạnh cabin dịch của người phiên dịch phía Mỹ. Lúc đó tôi rất mong có một ngày được làm phiên dịch cho một Tổng thống Mỹ tới thăm Hà Nội.
Chuyến đi về Việt Nam tháng 5/2016 đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ lúc tôi may mắn được tham gia đóng góp chút công sức nhỏ bé vào quá trình hai nước bình thường hóa quan hệ khi được mời làm phiên dịch cho Đại biện Mỹ tại Hà Nội trong nhiều cuộc gặp quan trọng.
Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho bà Charlene Barshefsky, Đoàn thương mại Hoa Kỳ trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, năm 2000. |
Hai mươi năm hai nước bình thường hóa quan hệ cũng là hai mươi năm tôi có một góc cạnh Mỹ ở trong đời. Được học tập ở một trong những đại học hàng đầu của Mỹ rồi ra làm việc và sống ở vùng thủ đô Washington DC, đôi lúc tôi vẫn ngẩn ngơ tự hỏi mối duyên nào đã đưa mình từ đứa bé nghèo Hà Nội đến đây. Tôi hay đùa là tôi là đứa con của quan hệ Việt - Mỹ mới được khôi phục do tôi đã được chứng kiến mối tình Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ như giờ kể từ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Gắn bó với cả hai quốc gia, nên theo lẽ tự nhiên, tôi luôn cố gắng tìm cách thúc đẩy để hai nước trở thành bạn bè thân thiết với nhau. Khi bỏ thời gian, công sức ra giúp hai nước xích lại gần nhau, tôi thấy mình đang bày tỏ lòng biết ơn tới cả quê hương Việt Nam sinh mình ra và nước Mỹ cho mình học hành, bằng cấp hoàn toàn miễn phí.
Tôi vững tin là dù có nhiều điều khác biệt nhưng Mỹ - Việt có thể là bạn tốt của nhau. Sứ mệnh của những người như tôi là thúc đẩy cho tình bạn giữa hai nước được đơm hoa, kết trái để mang lại thịnh vượng và bình yên cho người dân.
Với suy nghĩ, hiểu biết, xuất thân, trình độ chuyên môn, và kinh nghiệm làm việc phiên dịch của mình, tôi luôn mong là khi Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôi sẽ được đi cùng Tổng thống. Mong ước đó của tôi đã được toại nguyện với chuyến thăm năm 2016.
Tổng thống Obama, với tư cách là người da màu đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, cũng có xuất thân tương đối khiêm tốn và kinh nghiệm làm việc công ích, cộng đồng giống như tôi và vì thế, ngay từ khi ông nhậm chức lần đầu, tôi đã coi ông như một nguồn cảm hứng tích cực.
Riêng việc tháp tùng một Tổng thống Hoa Kỳ trong một chuyến thăm kiểu “về quê” đã là một vinh dự, nhưng vinh dự đấy còn to lớn hơn khi Tổng thống Hoa Kỳ đó lại là người mà mình và người dân nước mình quý mến.
Nhưng tôi thực sự rất tò mò vì sao ở Hoa Kỳ hẳn không ít người Việt giỏi tiếng Anh, nhất là người miền Nam đã định cư ở đây rất lâu, nhưng một người Việt Nam gốc Bắc như ông lại được chọn làm phiên dịch cho Tổng thống Obama?
- Quả thực, tôi không nghĩ tiếng Anh của mình quá giỏi. Mặc dù năm nay là năm thứ 32 tôi nói tiếng Anh gần như hàng ngày, nhưng giọng tiếng Anh của tôi còn lâu mới đúng chuẩn giọng người bản ngữ.
Điểm mạnh của tôi là do lúc lớn lên đã đọc tiếng Anh rất nhiều, vừa đọc vừa phân tích từng câu, từng chữ kỹ càng nên tôi đã phát triển được phản ứng tức thời với lời nói tiếng Anh. Nhờ điểm mạnh này mà tôi có thuận lợi khi dịch đồng thời (dịch cabin) là công việc đòi hỏi người dịch phải hiểu và diễn đạt được lời diễn giả gần như tức thời.
Điểm mạnh này nếu chỉ đứng riêng thì chưa đủ. Khả năng hiểu cặn kẽ tiếng Anh phải đi kèm với kiến thức đa dạng và khả năng xử lý kiến thức tốt. Người dịch có kiến thức và khả năng xử lý kiến thức tốt sẽ làm việc hiệu quả dù bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.
Quay lại câu hỏi của nhà báo về việc tại sao tôi lại được chọn dịch cho Tổng thống Hoa Kỳ. Lý do chính ở đây, theo tôi là các cô chú phiên dịch người Việt đã rời Việt Nam từ lâu và ít có cơ hội tiếp xúc với thứ tiếng Việt ngày nay chúng ta sử dụng ở Việt Nam. Họ không có được sự nhạy cảm với tiếng Việt miền Bắc là ngôn ngữ của hành chính và ngoại giao như tôi đã lớn lên ở miền Bắc. Tiếng Việt của miền Bắc có những khái niệm thay đổi ý nghĩa tùy hoàn cảnh. Người nói chưa nhạy cảm với hoàn cảnh nếu thay đổi cách dịch chút ít có thể gây sự hiểu nhầm ở người nghe.
Sử dụng một người dịch như tôi nói thứ tiếng Việt của miền Bắc đồng thời cũng hiểu thứ tiếng Anh của chính trị và chính sách Hoa Kỳ là một lựa chọn ít rủi ro hơn.
Trước chuyến đi quan trọng như vậy, ông có lo lắng điều gì không?
- Điều tôi lo lắng nhất là có điều gì đó xảy ra khiến tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Từ hai tuần trước chuyến đi, tôi đã tăng cường bảo vệ sức khỏe. Người phiên dịch làm việc bằng giọng nói nên tôi đặc biệt lưu ý phòng ngừa không bị ốm, sốt, đau họng. Ở nhà và sau khi lên máy bay tôi đều cố gắng che kín để giữ ấm cổ.
Những ngày trước khi đi, từng phút, từng giây trong đầu tôi chỉ có những hoạt cảnh về những tình huống công việc sắp đến. Tôi tập đi, tập lại trong đầu đến mức thuộc lòng những lời, những ý mà có thể tôi sẽ phải nói. Tôi lật lên xoay lại những phương án khác nhau, dịch những ý mà tôi đã đề xuất cho các bài phát biểu của Tổng thống Obama.
Đã từng trải qua kinh nghiệm của một chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam thời Tổng thống Clinton, tôi hiểu không khí khẩn trương, cấp bách, và yêu cầu phải hiệp đồng chặt chẽ nhưng linh hoạt của những người tham gia hỗ trợ chuyến thăm. Tôi vừa mong sao cho sớm đến lúc đó vừa mong sao chuyến thăm đừng đến quá vội để tôi có thời gian chuẩn bị cho kỹ.
Càng gần đến lúc lên đường tôi lại càng lo lắng, kiểm tra kỹ lưỡng những đồ dùng phục vụ công việc mang theo đã được sắp xếp thật cẩn thận từ trước đó cả tuần. Cảm giác sốt ruột, lo lắng làm tôi không thể nào ngủ được trong suốt thời gian bay 14 tiếng từ DC về Seoul và sau đó 4-5 tiếng về Hà Nội.
Không ngủ được nên tôi nghe đi nghe lại những bài hát cũ thời tôi lớn lên ở Hà Nội. Đó là những bài hát tình cảm, giản dị, nhạc đỏ mà bạn bè lớn lên ở miền Bắc chắc đều quen thuộc như: “Làng lúa làng hoa”, “Những ánh sao đêm”, “Bài ca xây dựng”, “Tàu anh qua núi”,... Tôi có cảm giác là thứ âm nhạc này tạo ra cho tôi tâm trạng phù hợp với công việc tôi sắp làm.
Cuối cùng, sau hơn 20 giờ di chuyển thì tôi cũng đến nơi, và được ngửi mùi không khí thân thuộc quê hương ở sân bay Nội Bài vào đêm ngày 19/5/2016.
Có một điều tình cờ hơi có hơi hướng tâm linh là, đúng ngày đó ba năm trước ở Washington DC, tôi đã đặt vấn đề với Tổng thống Obama là tôi mong được đi Việt Nam cùng ông.
Ông Phạm Tuấn Anh chuẩn bị đón Tổng thống Obama ở Nội Bài đêm 22/5/2016. |
Ông có thể kể về tâm trạng của ông lúc ở Hà Nội chờ đợi trước giờ G được không ạ?
- Để chuẩn bị cho chuyến thăm của một Tổng thống Mỹ, rất nhiều người phải đi tiền trạm, có nghĩa là phải đến địa điểm của chuyến thăm một thời gian trước khi Tổng thống đến. Phiên dịch viên cũng đi trong nhóm tiền trạm để có thời gian chuẩn bị, nghỉ ngơi, để đảm bảo họ làm việc tốt nhất. Thông thường luôn có hai người phiên dịch đi cùng Tổng thống để hỗ trợ cho nhau.
Tôi tới Hà Nội đêm ngày 19/5/2016, còn Tổng thống tới vào đêm ngày 22/5/2016. Trong ba ngày đến sớm chuẩn bị, tôi có diễm phúc được làm người quan sát im lặng. Tôi im lặng quan sát cách mà người Hà Nội phấn khởi chờ đợi Tổng thống Obama đến, và không mấy ai tôi gặp trong ba ngày đó biết rằng tôi chính là người sẽ làm việc gần gũi với Tổng thống. Người ta nói những câu mong đợi, mừng đón làm tôi vui và cảm động.
Gia đình và bạn bè gặp tôi trong những ngày đó đều bày tỏ một chút phấn khích, một chút kiêu hãnh, một chút mong đợi ngậm ngùi vị khách đặc biệt sắp đến. Với họ, tôi được dịp ba hoa bằng những câu đùa tôi từng đùa cả với Tổng thống Obama, rằng tôi là phó đoàn của chuyến thăm, và rằng tôi quan trọng tới mức Tổng thống còn là cánh tay phải của tôi cơ mà (do thường là Tổng thống ngồi bên phải phiên dịch).
Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ ra nước ngoài thường là những chiến dịch lớn của sức người, sức của, những yêu cầu hậu cần khổng lồ. Có lẽ, phải có gần 2.000 người làm việc bên phía Mỹ. Tôi cảm thấy mình là người may mắn nhất trong số đó.
Về vị trí chính thức và chức năng công việc, tôi đúng chỉ là một anh phiên dịch bình thường không hơn, không kém. Tuy vậy, về mặt tình cảm, ý nghĩa và lẽ sống ở đời, tôi lại là đứa trẻ may mắn sang Mỹ đi học 18 năm trước, nay được nước Mỹ đưa về quê vinh quy bái tổ, lại được đích thân “ông vua” của người ta đưa về tận làng, chiềng làng, chiềng chạ tới màn hình TV của tất cả mọi gia đình. Khỏi phải nói người ta cũng biết bố mẹ tôi cảm thấy vinh dự như thế nào.
Vì thế, trong những ngày đó tràn ngập trong lòng tôi là một cảm giác sùng kính, biết ơn, trân trọng. Số phận và lịch sử đã đặt tôi vào vị trí đặc biệt, cho tôi một sứ mệnh thiêng liêng, và tôi phải hết sức khiêm nhường để thực hiện sứ mệnh đó thật tốt.
Ban nãy, ông có nói là ông đã đề xuất ý kiến cho các bài phát biểu của Tổng thống Obama. Xin ông nói rõ hơn về việc này, đặc biệt là về hai cầu Kiều “lay động lòng người Việt Nam” mà Tổng thống Obama đã đọc ở cuối bài phát biểu ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia năm 2016?
- Trong suốt thời gian kể từ khi máy bay Air Force One khởi hành từ căn cứ không quân Andrew tới lúc máy bay đến Hà Nội, tôi có một nhiệm vụ quan trọng là giữ liên lạc qua email và điện thoại với nhóm soạn diễn văn của Tổng thống đang cùng bay trên máy bay để hoàn tất các bài diễn văn Tổng thống Obama sẽ đọc trong chuyến thăm.
Có lúc buổi tối đang đi bộ ngoài Bờ Hồ, thấy có email từ nhóm đó gửi phải trả lời thì tôi chui tạm vào một quán cà phê oi khói bên đường. Tôi ngồi uống ly nước và cắm cúi trả lời những thắc mắc mà nhóm viết diễn văn hỏi. Tôi lúc đó trông giống hệt tôi 23 năm trước, khi còn là cậu hướng dẫn viên du lịch vào quán cà phê ngồi đọc truyện tiếng Anh.
Nếu năm xưa, có ai nói với chàng trai 17 tuổi ngày xưa là sẽ có một ngày cậu ấy ngồi trong quán cà phê viết bài diễn văn cho một Tổng thống Mỹ thì chắc cậu ấy nghĩ đó là một việc hoang đường. Ấy thế mà điều hoang đường đó đã xảy ra với tôi.
Là người có trách nhiệm chuyển tải các bài diễn văn sang tiếng Việt, tôi có quyền quyết định xem các dẫn chiếu văn hóa có “phiên dịch được” không, có ý nghĩa, có bị nhạy cảm về văn hóa, chính trị không, có phù hợp nhất quán với nhau trong chỉnh thể không.
Vài tháng trước đó, tôi đã gửi tới người được phân công viết bài diễn văn của Tổng thống ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hai câu thơ từ truyện Kiều mà tôi đã nói là “nếu Tổng thống chỉ đọc bài phát biểu chỉ gồm hai câu thì tôi muốn hai câu đó chính là hai câu thơ này”. Hai câu đó chính là hai câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” mà tôi dịch sang tiếng Anh thành: “Please take from me this token of trust/ So we can embark upon our 100-year journey together”. Nghĩa là: “Xin hãy nhận từ tôi vật làm tin này/ Để chúng ta có thể khởi hành chuyến đi trăm năm cùng nhau”.
Những bài phát biểu kiểu này hay bị coi là lời nói mỹ miều ít có ý nghĩa thực chất. Tuy nhiên, người Mỹ khi đã hứa thì xuất phát từ góc độ danh dự quốc gia phần nào vẫn bị trói buộc vào lời hứa đó. Một lời hứa được soạn và trình bày đúng cách có thể được coi như một thứ hợp đồng đơn phương có giá trị lâu dài giữa người đại diện quốc gia hùng mạnh thứ nhất thế giới với người dân Việt Nam. Nếu được thế thì lời hứa đó có thể trở thành nền tảng quyết định đường hướng của quan hệ hai nước trong nhiều năm sau.
Hiểu được tầm quan trọng và vai trò đặc biệt thú vị của những lời hứa trong diễn văn đối với quan hệ giữa hai nước, giữa hai nhân dân, tôi đã cố gắng vận dụng hiểu biết của mình về tâm lý dân tộc của mỗi nước để tạo ra một thứ thông điệp vừa mạnh mẽ, kiêu hãnh, duy lý, hào sảng kiểu Mỹ lại vừa đằm thắm, duy tình, trọng nghĩa, rưng rưng kiểu Việt Nam.
Rất may mắn cho tôi, ông Obama là người có sẵn cái tình để hiểu những lời nhân ái, tình nghĩa kiểu này để chấp nhận nói những lời hứa hẹn việc trăm năm.
Nhiều năm về sau này, ngay cả khi Tổng thống Obama không còn tại vị nữa, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, vào những lúc quan hệ hai nước có khó khăn, người ta có thể mang hai câu này ra để làm bằng chứng cho lời hứa trăm năm và người Mỹ trọng truyền thống và lời hứa ở cấp cao sẽ hành xử thích hợp với tinh thần của lời hứa đó.
Tôi cũng tin tưởng là, sẽ có những lúc mà tình huống này sẽ xảy ra và lời lẽ mà hôm đó tôi may mắn làm sao đặt được vào bài phát biểu để Tổng thống Obama nói ra sẽ phát huy tác dụng, giúp đỡ người dân Việt Nam trong những lúc có những lựa chọn sống còn của đất nước, và dân tộc cần đến sự ủng hộ của một siêu cường như Mỹ.
Thực sự, khi nghe bài phát biểu của Tổng thống Obama lúc đó và bây giờ nghe lại tôi vẫn thấy vô cùng xúc động qua giọng dịch của ông. Ông đã làm thế nào để những ngôn từ giản dị, chân thành ấy chạm tới trái tim triệu triệu người Việt Nam?
- Do đã làm việc rất gần gũi với bài phát biểu này, nên tôi dịch không bị vấp váp mấy dù chỉ dịch thẳng từ bản tiếng Anh. Ấy thế nhưng cũng có những lúc tôi phải dừng lại để kìm nén nỗi xúc động lại.
Lời lẽ của bài phát biểu là lời lẽ giản dị, chân thành, tình nghĩa, tôn trọng đất nước, lịch sử, nhân dân Việt Nam. Những thông điệp Tổng thống muốn thay mặt Hoa Kỳ chuyển đến người dân Việt Nam là những thông điệp của tình bạn, tình hữu nghị, tình yêu, là những thông điệp gửi từ trái tim đến trái tim.
Tôi lựa chọn giọng văn tiếng Việt có phần hơi lơ lớ tiếng Tây (tình cảm của người dân Việt Nam đã động đến tận sâu trong trái tim tôi thay vì làm lay động tâm can tôi) để tạo cảm giác ông Obama là ông Tây đang cố nói tiếng Việt. Hiệu ứng này tôi được nghe kể lại là có tác dụng làm nhiều người xúc động.
Tôi bám sát Tổng thống gần như trong từng câu dịch mặc dù Tổng thống Obama đọc khá nhanh. Thời gian trôi đi tưởng như bài phát biểu dài 7 trang tiếng Anh sẽ không bao giờ kết thúc. Tôi cố gắng làm tốt từng câu rồi từng đoạn một rồi cũng hết từng trang, từng trang.
Tới đoạn cuối cùng là đoạn chốt thì như nhà báo biết tôi mới đọc được câu đầu tiên: “Rằng trăm năm cũng từ đây” là bao nhiêu cảm xúc chồng chất trong lòng bỗng trào ra, tôi lại khóc òa lên như đứa trẻ và không thể nào kết thúc được câu thứ hai và phần dịch nghĩa.
Tôi ngồi khóc nức nở tại chỗ trong mấy phút tới khi có người lên giục phải đi ngay để chuẩn bị ra sân bay đi thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã có bài phát biểu “lay động lòng người” trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2016. |
Như ông chia sẻ, đây là lần thứ hai ông tư vấn cho lãnh đạo Chính phủ Mỹ sử dụng trích dẫn từ Truyện Kiều để trò chuyện với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Tại sao lại là Kiều thưa ông?
- Thưa chị, lần đầu tôi trích dẫn Truyện Kiều để đưa vào bài phát biểu của một lãnh đạo Mỹ là cho bài phát biểu của Phó tổng thống Joe Biden trong bữa trưa chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 7/7/2015.
Sáng đó, tôi đã ngồi một mình ở sảnh phòng Bầu dục (Oval Office) là văn phòng của Tổng thống Mỹ và “Cảo thơm lần giở trước đèn” để tìm ra hai câu thơ có ý tứ thật đẹp đẽ, tình cảm, lạc quan để Phó tổng thống Biden chào mừng Ngài Tổng Bí thư lần đầu tiên tới thăm Nhà Trắng, mà cũng là tới thăm Mỹ.
Hai câu thơ mà tôi đã trọn: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, là một trong những tứ thơ đẹp nhất Truyện Kiều. Là một học giả từng nghiên cứu về Kiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã vừa ý với những lời đẹp đẽ đó đến qua ông Joe Biden.
Chị hỏi lý do tại sao cả hai lần tôi đều chọn các câu thơ của Truyện Kiều. Câu trả lời đơn giản là theo tôi trong văn thơ cổ điển Việt Nam e rằng không có tác phẩm nào vượt được qua Kiều. Điều này khi còn trẻ tôi không hiểu được.
Trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua và vẫn đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm. |
Khi trẻ tôi coi Truyện Kiều như là những lời lẽ quá nôm na, không tinh tế, dựa trên một thứ kịch bản mượn, giá trị nghệ thuật hay tư tưởng đều không cao.
Gần ba mươi năm sau, tôi giờ đã sắp bước tới giữa những năm trung niên của cuộc đời thì tôi đã hiểu và yêu, và đồng cảm với những nét tương đồng giữa thân phận nàng Kiều với số phận dân tộc.
Tôi tin là Truyện Kiều chính là mật ngữ Nguyễn Du, thứ mật ngữ mà thiên tài của chúng ta gửi gắm vào một bài thơ lục bát dài, thứ thơ nôm na biền ngẫu của người dân thường quê ta, dựa trên một cốt truyện có thể nói là tầm thường. Thứ mật ngữ đó là cái phi thường ẩn náu trong thứ tầm thường.
Tôi nghĩ rằng, có lẽ ý tứ của Truyện Kiều còn chưa được phát lộ hết. Ý tôi định nói là, mãi sau này vẫn sẽ còn nhiều tình huống trong đời mà chúng ta có thể tóm tắt lại xúc tích và cô đọng chỉ bằng vài câu thơ mà Nguyễn Du đã viết sẵn từ vài trăm năm trước.
Giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều hay giá trị tư tưởng nhân văn của Truyện Kiều nhiều người đã nói, tôi giờ đọc Kiều để tập trung lắng nghe tiếng lòng đầy tâm sự của một người đồng cảm từ 300 năm trước gửi về sau.
Các câu thơ trong Kiều, nếu chỉ đứng riêng hoặc trong văn bản Truyện Kiều thì thường chỉ đẹp cái đẹp nghệ thuật. Để dùng trích dẫn từ Kiều nhằm minh họa cho hoàn cảnh cuộc đời đòi hỏi người ta phải có cái nhìn sâu sắc tới tận bản chất của hoàn cảnh rồi mới tìm ra góc cạnh liên tưởng mà thơ Kiều có thể tóm lược lại.
Tóm lược chưa đủ, mà còn phải tìm ra thứ liên tưởng, kết nối, hàm ý siêu hình có đầy trong Truyện Kiều. Truyện Kiều hàm chứa tình người, cái tâm sự thầm kín, cái mong chờ, mơ ước, cái khổ sở, vật vã, dự liệu, lo lắng của không chỉ con người, mà còn của cả đất nước. Người ta phải sống nhiều năm và trải nghiệm nhiều điều để đi được vào con đường cao tốc của minh triết Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều. Ông đúng là một người thần tiên hiền triết từng ở giữa chúng ta.