[Megastory] Ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập trường Minh Việt (MVA): Chương 1 - Hành trình ánh sáng

[Megastory] Ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập trường Minh Việt (MVA): Chương 1 - Hành trình ánh sáng

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc trò chuyện với ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập trường Minh Việt đầy ắp lòng trung thành, sự tận tâm, tinh thần hiến dâng cho quê hương được xếp đặt hài hòa trong tình yêu nhân loại.

Bỏ hết việc học tiếng Anh theo kiểu trường lớp và tự đi học “Đại học chùa Một Cột”, cậu bé nghèo Phạm Tuấn Anh đã tự mở lối cho mình đi ra thế giới trên hành trình ánh sáng với nhiều vinh quang rực rỡ sau này.

Thưa ông, ở thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, hẳn ông phải là con nhà khá giả nên mới có điều kiện học giỏi tiếng Anh?

- Ồ không! Hoàn toàn ngược lại, thưa chị.

Tôi sinh tại thị xã Bắc Ninh năm 1976 trong gia đình hai bố mẹ đều là cán bộ. Bố tôi từng học đại học tại Leningrad ở Liên Xô cũ và là giảng viên Đại học Sư phạm I trước khi vào quân đội năm 1972. Mẹ tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I thì làm giáo viên các trường cấp 2 tại Bắc Ninh cho tới năm 1984 - lúc em trai tôi ra đời và cả nhà chuyển về Hà Nội sống cùng bố.

Thời đó, có thể nói bố mẹ tôi đều là những người tạm gọi là trí thức trẻ ưu tú nhưng năm 1984 khi chuyển về Hà Nội, gia đình sống trong một túp lều mái tranh dựng tạm bợ vào tường cơ quan quân đội của bố mẹ tôi. Trong nhà không bao giờ có tài sản gì quý giá hơn một cái xe đạp cũ và chiếc giường đôi bốn người nằm chung.

Tôi lúc lớn lên gầy gò, không bao giờ có nhiều hơn hai cái quần dài để thay đổi, còn áo sơ mi thì lẫn cả đồ bộ đội, công an mà họ hàng thương cho. Đói ăn, học hành làng nhàng, lúc đó tôi không có một thứ gì hữu hình hay vô hình có giá trị cả.

Tôi được bố dạy chút tiếng Nga ở nhà từ khi 8 tuổi, nhưng cũng chỉ biết dăm câu ba điều chứ không phải giỏi giang gì. Hè trước khi vào lớp 10 là năm 1989, tôi được bố mẹ cho đi học lớp tiếng Pháp buổi tối ở Trần Phú, nhưng hết học kỳ 1 lớp 10 kết quả học tập không ra sao nên bố phạt bảo nghỉ học tiếng Pháp đi.

Ông Phạm Tuấn Anh ngày còn ra khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh tự học tiếng Anh

Ông Phạm Tuấn Anh ngày còn ra khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh tự học tiếng Anh

Lúc Đông Âu có biến động chính trị, bố tôi nói với tôi: “Tiếng Nga giờ e là mất giá trị rồi. Thế giới thay đổi, Việt Nam chắc sẽ tiến gần phương Tây. Giờ nên biết tiếng Anh”. Bố cho tôi tiền đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm, nhưng đang mê tiếng Pháp, nên tôi học tiếng Anh không vào.

Tháng 5/1990, tôi và một người bạn cùng lớp phấn khởi tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày khai trương. Tình cờ lúc về qua chùa Một Cột, chúng tôi gặp một khách du lịch người Anh đang sống ở Malaysia. Thấy ông khách khoe là nói được mấy thứ tiếng, tôi rất muốn nói một câu khen kiểu như: “Bác nói được nhiều ngoại ngữ quá nhỉ!”. Tôi rất ngượng khi không thể nói được câu tưởng như đơn giản đó dù đã học tiếng Anh được mấy tháng.

Lúc đó tự nhiên tôi thấy nhói lên cảm giác áy náy và thương bố mẹ vì nhà thì nghèo mà tiền học tiếng Anh buổi tối cũng đâu rẻ. Bố mẹ thì phải chật vật, xoay xở tằn tiện từng đồng lương mà mình lại học hành chẳng ra làm sao.

Xấu hổ quá nên tôi quyết định luôn là từ nay sẽ tự học bằng cách ra khu Lăng Bác và chùa Một Cột để nói tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài chứ không đi học trung tâm tốn tiền của bố mẹ nữa.

Thương bố mẹ và xấu hổ, năm 1990, Phạm Tuấn Anh quyết định không đi học ở trung tâm tiếng Anh nữa, hàng ngày ra khu vực Lăng Bác và chùa Một Cột để tự học tiếng Anh bằng cách nói chuyện với khách du lịch nước ngoài.

Thương bố mẹ và xấu hổ, năm 1990, Phạm Tuấn Anh quyết định không đi học ở trung tâm tiếng Anh nữa, hàng ngày ra khu vực Lăng Bác và chùa Một Cột để tự học tiếng Anh bằng cách nói chuyện với khách du lịch nước ngoài.

Thời đó chưa có công nghệ học tập hiện đại như bây giờ, việc tự học tiếng Anh chắc hẳn không dễ phải không ạ?

- Đúng là khó hơn bây giờ nhiều, nhưng nếu tìm được cách thức phù hợp thì cũng dễ và vui hơn.

Tôi đã bỏ hết việc học tiếng Anh theo kiểu trường lớp mà chỉ đi học “Đại học chùa Một Cột”. Từ năm 1990 - 1995, ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả năm 1992, sau khi nhập học Đại học Ngoại thương, tôi vẫn dành thời gian cả ngày chủ yếu là ở khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại này để chơi và nói tiếng Anh với các bạn Tây ba lô.

Ban ngày, tôi nói chuyện bằng tiếng Anh với khách du lịch, tối về lại đọc sách tiếng Anh để hôm sau có từ và ý để nói. Gặp bạn nào tốt tính thì tôi xin bạn địa chỉ để hàng ngày viết thư. Có lúc, tôi viết thư giao lưu với cả mấy chục người ở các nước. Chỉ 6 tháng sau, tôi nhận ra tiếng Anh của mình đã tốt lên không thể tin nổi.

Bước chuyển biến lớn nhất, quan trọng nhất chính là việc tôi bắt đầu chuyển qua đọc gần như chỉ sách tiếng Anh. Những người bạn khách du lịch ba lô thường luôn mang theo những cuốn tiểu thuyết paperback in bằng giấy mỏng, nhẹ, tiện cho người ta đọc khi đi du lịch. Khi gặp cậu bé Việt Nam hiếu học, họ thường tặng lại những cuốn sách đó. Khi đó, sách truyện bằng tiếng Anh vẫn còn rất hiếm nhưng tôi thu thập được hàng trăm cuốn sách theo cách đó.

Tôi mất mấy tháng để đọc xong cuốn tiểu thuyết tiếng Anh đầu tiên, nhưng rồi cứ đọc thì việc đọc trở nên dễ dàng hơn nhiều. Mỗi cuốn sách như một cửa sổ giúp tôi nhìn ra thế giới bên ngoài, qua đó tôi học được từ ngữ, phong tục, văn hóa của các quốc gia, và quan trọng là bắt đầu hấp thu tinh thần thế giới.

Mỗi cuốn sách như một cửa sổ giúp Phạm Tuấn Anh nhìn ra thế giới bên ngoài và bắt đầu hấp thu tinh thần thế giới.

Mỗi cuốn sách như một cửa sổ giúp Phạm Tuấn Anh nhìn ra thế giới bên ngoài và bắt đầu hấp thu tinh thần thế giới.

Khi tiếng Anh đã tốt, đôi lúc tôi cũng làm cả công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần cho gia đình. Tôi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên (một tờ 10 USD và một tờ 5 USD) từ công việc này vào năm 1991 lúc giữa năm lớp 12 ở Trường Trung học Chu Văn An.

Bố mẹ tôi nhiều lần, ngay cả đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn nói rất thương con trai phải ra đời kiếm sống từ lúc 14-15 tuổi nhưng tôi nhìn lại thì thấy rất biết ơn thời gian đó và những người đã thương quý mình khi xưa.

Thời gian 5 năm tự trau dồi tiếng Anh ở khu vực chùa Một Cột là những tháng ngày tôi không thể nào quên. Những anh lính thuộc Bộ Tư lệnh Lăng, những anh an ninh bảo vệ bảo tàng, các chị các cô bán hàng ở các quầy lưu niệm, và những đứa trẻ ngoan là tôi và mấy người bạn thân lúc đó hội lại thành một cộng đồng vui vẻ và quý mến nhau. Tới giờ là 27 năm sau tôi vẫn nghĩ về họ với những tình cảm yêu quý và tôi tin là những người cũ đấy cũng vẫn yêu mến tôi.

Khi tiếng Anh đã tốt, Phạm Tuấn Anh làm công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần cho gia đình.

Khi tiếng Anh đã tốt, Phạm Tuấn Anh làm công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần cho gia đình.

Tôi rất tò mò cơ duyên nào giúp ông lại trở thành phiên dịch viên cho Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam khi còn rất trẻ?

- Sau một thời gian đi nói chuyện, đọc sách, viết lách, tiếng Anh của tôi lên rất nhanh và tôi bắt đầu được thuê đi phiên dịch. Những năm 1994-1995, người nói tiếng Anh cập nhật, tức là thứ tiếng Anh sống động của thế giới, ở Hà Nội còn ít nên việc dịch rất nhiều. Tôi còn trẻ lại coi tiền bạc không phải là quan trọng, kiến thức cũng có nên người ta tìm đến mời dịch rất nhiều.

Ngay từ năm 1994, tôi đã bắt đầu làm việc tình nguyện cho Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile) là tổ chức từ thiện của Mỹ hàng năm gửi các bác sĩ Mỹ sang mổ miễn phí cho trẻ em có dị tật mặt như hở môi, hở hàm ếch.

Cuối năm 1995, tôi đã làm phiên dịch tình nguyện viên cho một buổi tiếp tân tại khách sạn Metropole nhân kết thúc đợt phẫu thuật của các bác sĩ Phẫu thuật Nụ cười. Khi tôi dịch xong, có một người đàn ông phương Tây lớn tuổi tới khen tôi dịch tốt và hỏi liệu tôi có muốn đi dịch cho bác không. Tôi lễ phép hỏi là: “Thưa bác, bác là ai?” Vị ấy đưa danh thiếp và tôi được biết đó là Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson mới đến Hà Nội để lãnh đạo văn phòng liên lạc Hoa Kỳ. Tôi tất nhiên đã quá hân hạnh nên vui vẻ nhận lời.

Khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, chuyển hướng đột ngột biến tôi từ một đứa trẻ long nhong vừa qua tuổi 19, chỉ giỏi chút tiếng Anh và hay đi dịch dạo kiếm chút tiền giúp mẹ thành một người bắt đầu có ý thức xã hội, bắt đầu học cách áp dụng kiến thức lâu nay đọc được từ sách vở vào phân tích các sự việc xung quanh.

Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho bà Charlene Barshefsky, đại diện thương mại Hoa Kỳ, tại Hội đàm giữa Bộ Thương mại và Đoàn thương mại Hoa Kỳ, năm 2000.

Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho bà Charlene Barshefsky, đại diện thương mại Hoa Kỳ, tại Hội đàm giữa Bộ Thương mại và Đoàn thương mại Hoa Kỳ, năm 2000.

Trong vai trò phiên dịch viên hợp đồng của Phòng Liên lạc Hoa Kỳ, tôi được đi cùng bác Đại biện tới gặp nhiều lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Qua công việc, tôi cũng được gặp những người ở cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đã thành các nhân vật nổi tiếng, ví dụ Đại sứ Mỹ Ted Osius của Mỹ hay Đại sứ Vũ Quang Minh của Việt Nam. Những người anh này lúc đó mới chỉ là những cán bộ ngoại giao trẻ tuổi.

Trong gần hai năm sau đó cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997), tôi may mắn được đi với bác nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử. Bác Desaix đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên về ngoại giao, chính trị, đưa tôi thành một người tin vào tự do, bình đẳng, bác ái, về cống hiến cho sự nghiệp chung.

Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của tôi. Ở tuổi 19, lúc người ta còn đang là đứa trẻ ranh, tôi được tin cậy thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành bằng tiếng Việt với các vị lãnh đạo Việt Nam.

Tôi dù trước đó đọc nhiều nhưng chưa tranh luận, viết lách để ý kiến được thử thách trong phản biện nên lời lẽ giọng điệu chắc vẫn là của “trẻ trâu hung hăng”. Hai bác cháu đã có những tranh luận rất nóng về chiến tranh Việt Nam, về bầu cử Campuchia, về biển Đông và tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Việt, hay về quan hệ Liên Triều.

Bác Desaix không bao giờ mất kiên nhẫn với tôi, liên tục uốn nắn, chỉ bảo, giải thích. Về sau này, càng lớn tôi càng biết mình từng cãi dốt thế nào. Bác Desaix đã từng là Phó Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Đông Dương rồi Đông Á, Phó Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản…

Bác Desaix là người thầy, người bạn, người đỡ đầu trung thành, trung thực, bao dung, chân thành, và là một người theo đảng Dân chủ. Tôi được học những năm tháng đầu đời với người thầy đó thì tất nhiên không thể đi con đường nào khác. Nhờ có Desaix, tôi mới có Princeton, nhờ có Princeton mới có Cairo, Beirut, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, IMF, WB, mới có vợ rồi hai con trai, rồi mới có Obama và Biden, mới có phòng Bầu Dục và những buổi làm việc kỳ thú ở Nhà Trắng.

Bác Desaix qua đời năm 2021 để lại trong lòng tôi niềm thương tiếc khôn nguôi.

Cựu Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam (1995-1997) Desaix Anderson (bên phải) cùng ông bà George Bush Cha

Cựu Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam (1995-1997) Desaix Anderson (bên phải) cùng ông bà George Bush Cha

Có được mối quan hệ với ngài Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam, hẳn con đường đi học cao học của ông tại Mỹ không quá khó khăn?

- Bác Desaix là một cựu sinh viên Đại học Princeton và khi quay lại Mỹ, bác đã được mời dạy một khóa học thường niên cho sinh viên đại học Princeton về Việt Nam và Đông Á. Ở Hà Nội lúc đó có một người bạn Việt kiều khác là anh Lý Trần làm việc ở Citibank cũng là một cựu sinh viên Princeton. Hai người đó thương quý tôi và anh Lý thường xuyên thúc giục tôi nộp đơn đi học cao học ở Princeton.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1997, anh Lý đã giới thiệu và tôi may mắn được tới thăm trường Princeton rồi được gặp Giám đốc Tuyển sinh của trường hành chính công và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc Princeton là ông John Templeton.

Ông John đã đưa tôi đi tham quan trường và cho tôi tham gia một buổi thảo luận của các sinh viên chương trình mùa hè. Chuyến thăm này gây ấn tượng với tôi tới mức mà mùa thu năm đó tôi quyết định chỉ nộp đơn duy nhất xin học chương trình MPA (Thạc sĩ về Hành chính Công) của trường WWS.

Mùa xuân năm 1998, ông John đã gửi cho tôi một thư viết tay thông báo về việc tôi đã được nhận vào học. Vào tháng 8/1998, tôi quay trở lại WWS trong vai trò một tân sinh viên cao học. Thú thực là do có cả bác Desaix và anh Lý giới thiệu nên tôi được hưởng nhiều thuận lợi khi xin học.

Tôi nhớ tháng 8/1998 lên đường sang Mỹ học trong túi chỉ có 500 USD bố mẹ cho. Mỗi tháng Princeton cho tôi 1.100 USD để lo việc ăn ở. Tiền học của cả tôi và sau này là em trai tôi là Phạm Tuấn Minh đều là học bổng các đại học Mỹ cho chứ bố mẹ tôi là cán bộ mẫn cán chỉ trông vào đồng lương nhà nước thì không thể có đủ tiền để cho hai anh em đi học ở Mỹ.

Vì những lý do ngẫm lại thật ngớ ngẩn, tôi học ở đó hết năm đầu thì bị trường đuổi học khiến tôi phải đi lang thang thế giới từ Ai cập, Li băng, Thái Lan, Trung Quốc cho tới tận ba năm sau là tháng 9/2002, thì trường Princeton mới đồng ý nhận tôi vào học lại.

Theo tôi biết thì hình như ông là người duy nhất ở Princeton bị đuổi học và lại được nhận vào trường trở lại. Đó hẳn là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ông?

Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao đâu mới chỉ hai năm trước khi tôi tới thăm Princeton lần đầu năm 1997. Dù là trước đó tôi cũng đã được tham gia trong vai phiên dịch hợp đồng cho Phòng Liên lạc Hoa Kỳ vào vài khía cạnh của quá trình tái thiết mối quan hệ mới khôi phục, tôi thú thật còn rất xa lạ với cung cách Mỹ nói chung. Dù đã đọc hàng trăm cuốn sách Mỹ nhưng do chưa từng sống ở Mỹ nên tôi vẫn có nhiều câu hỏi về Mỹ hơn là câu trả lời.

Kiến thức học được từ nền giáo dục Việt Nam cũng không chuẩn bị tốt cho tôi đến học trong môi trường đòi hỏi cao của Princeton. Mới 21 tuổi đi xa Việt Nam lần đầu, tôi cô đơn và nhớ quê nhiều lắm. Xong rồi để đối phó với những thách thức trong môi trường mới và xa lạ thì tôi lại chọn cách thu mình vào vỏ tự nhấm nháp đau khổ. Kết quả học tập của tôi vì thế tồi tệ đi.

Cuối năm học đầu tiên, chỉ vì không có thiện cảm với một giáo sư mà tôi đã có một quyết định vội vàng ngốc nghếch là bỏ thi cuối kỳ môn của ông ấy. Tôi cứ tưởng giống như ở bên Việt Nam, sinh viên có thể đóng tiền để thi lại lần sau. Lỗi đó đã khiến cho điểm của tôi tuột dốc và đó là nguyên nhân Princeton đuổi học tôi vào cuối hè 1999.

Trong ba năm sau đó, do sợ hãi phải thú thật với bố mẹ về thất bại tại Princeton, tôi bỏ Hà Nội đi tới Ai Cập, Li Băng, Trung Quốc, Triều Tiên để tìm và làm các công việc công ích.

Thất bại ở Princeton quả thực đã buộc tôi phải có một cái nhìn sâu vào trong lòng để xác định những ưu, khuyết điểm, tiềm năng có thể giúp tôi lớn lên.

Người Việt trẻ ít nhất là lúc đó nói chung không nổi tiếng vì khả năng mạo hiểm đi ra để ngắm thế giới, thế nên việc tôi lên đường đi chuyến đi cô đơn mấy năm đó có phần cũng giống như tôi đang thực hiện một nghi thức trưởng thành.

Trong ba năm dài đó, có một hình ảnh luôn xâm chiếm suy nghĩ của tôi, không phải hình bóng cô nào, mà là hình ảnh tòa nhà của trường Woodrow Wilson tên là Giảng đường Robertson (Robertson Hall) được chiếu sáng trong một đêm đông lạnh giá.

Tôi cũng thấm rằng đã mất món quà quý giá phải nói nhất đời tới lúc đó mà số phận ban tặng và mất thế rồi mới biết là trái tim tôi vẫn thuộc về nơi đó. Thú thực là điều duy nhất tôi muốn trong mấy năm lang thang thế giới đó là được trở về học lại ở Princeton.

Khi tôi nộp đơn lần nữa xin vào học trường WWS vào mùa thu năm 2001, tôi có rất ít hy vọng là được trường nhận lại.

Vào đêm ngày 1/4/2002, ông John đã gửi cho tôi một email thông báo rằng WWS đã quyết định cho tôi cơ hội thứ hai. Tôi lúc đó đang ở văn phòng IMF ở Hà Nội, đã gục đầu xuống bàn và khóc. Ba năm tôi đi ra thế giới cố làm những điều tốt đẹp và gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cuối cùng cũng đã mang lại kết quả.

Đúng như chị nói và theo như tôi biết, tôi là sinh viên duy nhất trong lịch sử trường WWS đã bị đuổi học rồi lại được nhận lại. Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn không biết phải cảm ơn những ai vì phép mầu đó mà chỉ biết tâm niệm biết ơn những người ở đó đã tin tưởng mình.

Đại học Princeton xưa có câu khẩu hiệu là “Phụng sự quốc gia - Phụng sự thế giới” (In the service of the nation - In the service of all nations). Trong 18 năm qua kể từ khi tôi tốt nghiệp Princeton, mặc dù suy nghĩ của tôi về công việc công ích và thế nào là “Phụng sự quốc gia - Phụng sự thế giới” đều đã thay đổi, tôi có thể tự hào nói rằng sự trung thành của tôi đối với lý tưởng làm việc công ích của trường chỉ trở nên sâu đậm hơn.

Trường Woodrow Wilson

Trường Woodrow Wilson

Tôi nghĩ rằng, ông thật may mắn khi được WWS nhận lại, nhưng tôi cũng tin rằng, đó là nhờ nỗ lực, cố gắng của ông suốt 3 năm lăn lộn ở các quốc gia như ông kể và cả sự giác ngộ, trưởng thành vượt bậc của cá nhân ông. Tôi tin rằng, ông rất biết ơn ngôi trường danh giá này?

- Nước Mỹ và người dân Mỹ đã cư xử rất tử tế với tôi. Tôi cho là gốc rễ của mọi thứ tốt đẹp hôm nay tôi có đến từ những người Mỹ làm việc ở trường hành chính và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc đại học Princeton.

Thời đó, tôi là một cậu thanh niên trắc nết nhưng may sao những người Mỹ đó vẫn chấp nhận được tôi. Sau này, tôi có biết thêm nhiều trường chính sách công khác của Mỹ nhưng tôi vẫn tin là không có trường nào khác có thể coi tôi như đứa con trong gia đình như cách người ta chăm tôi, chiều tôi ở WWS.

Cách các thầy và nhân viên giáo vụ ở trường cư xử với tôi phản ánh rõ nét triết lý giáo dục của trường về ngoại giao và chính sách công. Triết lý đó trao niềm tin cho những đặc điểm tích cực của con người: tử tế, khiêm nhường, hào phóng, bao dung, nhân phẩm, tôn trọng và tự trọng, quyết tâm làm điều tốt ngay cả khi bị áp bức, sự bất cần của cải vật chất hay danh vị hão huyền. Trường đã kích hoạt những điều tốt đẹp nhất trong đám sinh viên chúng tôi rồi biến tôi thành một người tốt và khiêm tốn hơn lúc ban đầu.

Trong ba năm tôi theo học, trường đã cho tôi 150.000 USD tiền học bổng là số tiền lớn bố mẹ tôi không thể nào chu cấp cho tôi ăn học. Tôi luôn tâm niệm đó là khoản vay mà lúc nào có thể thì tôi phải trả cả gốc lẫn lãi. Mỗi năm sau khi tốt nghiệp tôi đều gửi trường một khoản tiền nhỏ vào quỹ mà cựu sinh viên đóng góp.

Mấy năm trước, gia đình tôi quyết định tặng trường một quỹ nhỏ hàng năm với số tiền biếu tặng mỗi năm một tăng lên. Món quà này chúng tôi đề tặng để vinh danh Đại biện Desaix Anderson. Tiền này, tất nhiên trường muốn sử dụng thế nào thì tùy họ nhưng tôi cũng có nói mong họ dùng để hỗ trợ thêm chút sinh hoạt phí cho các sinh viên cao học người Việt hay làm nghiên cứu về Việt Nam.

Khi tặng món quà này cho trường cũ yêu quý của tôi, tôi gửi những suy nghĩ biết ơn tới những người đã nhìn thấy đứa trẻ ngốc nghếch nhưng chân thành trong tôi. Trường WWS mãi là ngôi nhà thứ hai của tôi sau quê nhà Hà Nội và tôi vẫn tuyệt đối trung thành với sứ mệnh và lý tưởng của trường y hệt cách tôi mãi yêu quý quê nhà Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp ông đã làm những công việc gì? Cơ duyên nào dẫn lối cho ông trở thành phiên dịch viên cho Chính phủ Hoa Kỳ?

- Sau khi tốt nghiệp, tôi đi theo con đường điển hình của những người học ngành tôi học là làm việc phát triển thông qua những tổ chức như IMF và WB.

Năm 2011, khi tôi có thẻ xanh Mỹ thì cũng là lúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nóng lên nhờ chính sách xoay trục về Đông Á và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi nhớ nghề phiên dịch cũ và muốn góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ nên liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đó là một bước ngoặt khác quyết định những việc vui của đời tôi trong những năm cuối của chính quyền Tổng thống Obama.

Tới tuổi đó tôi cũng đã đủ lớn khôn, và cũng đã sống ở nước ngoài đủ lâu, nên tôi bắt đầu mong được dồn hết sức giúp đỡ đất nước và người dân Việt Nam chứ không phải đi giúp chung chung người nghèo thế giới nữa.

Con người chuyên môn chính sách công trong tôi cũng đã hiểu rằng, phụng sự con người không đơn giản chỉ là mang tới cho họ thực phẩm, nước sạch, hay giáo dục mà tất cả những thứ đó đều cần đặt quanh trọng tâm là phẩm giá con người. Tất cả mọi thứ chúng ta làm trên tiền đề đó, dù là để mang đến cho người ta thực phẩm, sự chăm sóc y tế, hoặc dịch vụ giáo dục đều phải thỏa mãn ý niệm cao quý về cuộc sống đúng nghĩa con người.

Hai năm 2015-2016 mang đến những thành tựu cao nhất của cuộc đời tôi sau khi tốt nghiệp Princeton. Năm 2015, tôi làm phiên dịch viên của Tổng thống Obama khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Năm 2016, tôi được tháp tùng Tổng thống Obama tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày.

Tin bài liên quan