MBS trước thời khắc lên sàn

MBS trước thời khắc lên sàn

(ĐTCK) Tháng 5/2015, Công ty Chứng khoán MBS kỷ niệm 15 năm thành lập. Trong bài phát biểu của mình, bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch MBS đã xúc động gọi đây là một ngày đặc biệt khi kết thúc chặng đường 15 năm đầu tiên, chặng đường vô cùng gian nan, thử thách với những thăng trầm theo dòng lịch sử mà chắc chắn rằng, MBS là công ty trải nghiệm nhiều nhất trên TTCK Việt Nam.

Gần 1 năm sau đó, ngày 28/3/2016, MBS chính thức đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết, cho thấy quyết tâm khẳng định sức mạnh nội lực và quan điểm kinh doanh minh bạch của Ban lãnh đạo Công ty. Thị trường hiện đón nhận MBS với nhiều góc nhìn, bởi dù đã vượt qua giai đoạn thăng trầm nhất, nhưng việc MBS lên sàn vẫn là một câu chuyện mới mẻ. 

Từ trải nghiệm...

Là 1 trong 6 công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long (TLS), Công ty ngày ấy có vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng, chưa đầy 10 người lao động và số tài khoản mở trong năm đầu tiên chỉ có 150 tài khoản. TLS đã bước đi những bước chập chững đầu tiên đồng hành với những bước đầu tiên của TTCK Việt Nam đầy bỡ ngỡ, non trẻ. Sau 7 năm thành lập (ngày 28/12/2007), Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và hoạt động rất năng động trên TTCK Việt Nam.

Ở tuổi lên 10, Công ty có 45.000 tài khoản và dẫn đầu thị phần môi giới tại cả hai Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP. HCM (HOSE), có thời điểm thị phần môi giới của TLS đạt mốc 10% thị phần so với toàn thị trường.

Năm 2010, Công ty đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho doanh nghiệp đã có nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển TTCK giai đoạn 2000-2010. Năm 2012, Công ty nhận Giải thưởng M&A: Thương vụ Diageo-Halico được bình chọn là Thương vụ M&A tiêu biểu năm 2011-2012...

Mặc dù đã ghi được những dấu ấn trên thị trường, nhưng do phát triển nhanh với tham vọng lớn, cùng với việc thiếu kinh nghiệm quản trị rủi ro nên khi TTCK lao dốc theo sự suy thoái của kinh tế toàn cầu giai đoạn 2011-2013, Công ty đã lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tài sản mất an toàn lớn, nguy cơ tiềm ấn cao, nhiều nhân sự hoang mang lo lắng...

Vào thời khắc này, như lời kể của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng sau đó, thì chính lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB), sau khi tham vấn ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã quyết định cứu Công ty, tái cấu trúc toàn diện hoạt động của công ty chứng khoán, đổi tên thành Công ty Chứng khoán MB (MBS) để “làm lại từ đầu”.

Quyết định của người lãnh đạo MB và sự hỗ trợ pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đi đến kết quả: năm 2013, MBS thực hiện hợp nhất thành công với CTCP Chứng khoán VIT, thành công ty hợp nhất với tên gọi được giữ nguyên MBS - ghi dấu ấn thương vụ M&A đầu tiên của khối công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Với sự hỗ trợ về nhiều mặt của ngân hàng mẹ, đặc biệt là việc chia sẻ nhân sự và truyền “ngọn lửa” đam mê từ MB sang để tái tạo lại một công ty chứng khoán, MBS dường như chỉ nổi sóng và quyết liệt trong tái cấu trúc nội bộ, còn với khách hàng, Công ty được ví là “nơi bình yên chim hót”. Số nhà đầu tư đến với MBS tăng đều đặn, đạt hơn 60.000 tài khoản vào giữa năm 2015 và nay là trên 70.000 tài khoản đang được quản lý tại đây. 

… đến tương lai

Từng trực tiếp điều hành mảng bán lẻ của MB và nhiều năm trên cương vị Phó tổng giám đốc MB, bà Cao Thúy Nga khi đảm nhân vị trí Chủ tịch MBS đã chia sẻ một quan điểm: bà muốn hướng MBS đến sự chuyên nghiệp, tạo niềm tin với khách hàng bằng khả năng tư vấn và chất lượng dịch vụ, mọi tư vấn đầu tư phải dựa trên cổ phiếu cơ bản tốt và thanh khoản tốt, chứ không chộp giật, đánh quả theo thị trường.

Trong Chiến lược phát triển  đến năm 2020, MBS tập trung vào hai mảng hoạt động chính là dịch vụ môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư. Mục tiêu của MBS là vững vàng vị trí Top 5 dịch vụ môi giới, dịch vụ ngân hàng đầu tư, thực hiện sứ mệnh mang đến cơ hội đầu tư và tăng trưởng tài chính cho từng khách hàng và cổ đông của Công ty.

Năm 2014, trên vốn điều lệ 1.221 tỷ đồng, MBS đạt 73 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2015, do tình hình thị trường khó khăn với nhiều biến động lớn đến từ thị trường tài chính quốc tế, MBS chỉ đạt 8,25 tỷ đồng lợi nhuận, mà lý do chính là trong năm này, MBS phải dùng 140 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.

Với “lưng vốn” lợi nhuận tích lũy sau khi tái cấu trúc còn khá mỏng, việc đưa cổ phiếu lên sàn của MBS được nhiều người đánh giá là một quyết định nhạy cảm, trong bối cảnh nền kinh tế cũng như TTCK 2016 đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít rủi ro.

Cơ hội được nhiều người nói đến nhất là hội nhập, nhưng rủi ro cho các DN nội cũng đến từ chính quá trình này. Như chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây, bước vào sân chơi TPP, lợi thế nghiêng về các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

“Đại đa số DN Việt Nam, với tiềm lực tài chính nhỏ bé và tư duy kinh doanh ngắn hạn, thiếu chuyên nghiệp, sẽ rất khó để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nếu không muốn nói là rất dễ bị ‘ra rìa’ khi hội nhập thấm sâu vào các thành viên tham gia”, ông Cung nói. Cũng theo ông Cung, bài học từ quá trình tham gia WTO thực tế không mang lại lợi ích như kỳ vọng, khiến chúng ta nói đến TPP cần phải rất từ từ, nhất là kỳ vọng về những cơ hội trước mắt. TPP thực tế mang đến sức ép, buộc chúng ta phải thay đổi nhiều hơn là hưởng lợi từ cuộc chơi này.

Cơ hội thứ hai đến từ những chuyển động lớn trên TTCK năm 2016. Trong khi Sở GDCK TP. HCM nỗ lực phát triển sản phẩm coverwarrant, thì Sở GDCK Hà Nội tập trung vào việc tạo dựng hạ tầng TTCK phái sinh. Tuy nhiên, để tham gia TTCK phái sinh, các CTCK phải chuyển động mạnh mẽ, không chỉ là nhân sự, đào tạo, tìm kiếm khách hàng…, mà còn phải đầu tư nhiều tỷ đồng để có đủ khả năng đáp ứng hạ tầng giao dịch.

MBS có mặt trong số ít CTCK lớn như HSC, SSI…, đang nỗ lực chuẩn bị cho ngày vận hành TTCK phái sinh, nhưng để thị trường vận hành sôi động, mang lại lợi ích cho các công ty tiên phong này, còn cần thời gian, chứ không thể ngay năm nay hay năm tới.

Một cơ hội khác đến từ quá trình tư vấn, hỗ trợ các hoạt động M&A, tái cấu trúc, cổ phần hóa… Đây là mảng việc được nhiều CTCK chú ý, nhưng với MBS, đây là mảng việc được nhiều kỳ vọng trong năm 2016, khi tiến trình cổ phần hóa DNNN tiến đến khối DN lõi: các tập đoàn, tổng công ty và các DN quốc phòng.

Có lợi thế là Ngân hàng mẹ MB - nơi có trên 3 triệu khách hàng, trong đó có hàng nghìn DN quân đội là đối tác, MBS được chờ đợi sẽ bật lên từ mảng hoạt động tư vấn khi được cùng khai khác hệ thống khách hàng với tập đoàn mẹ hiện nay…

Có thể 5 năm, 10 năm nữa, trong các bài phát biểu của mình, lãnh đạo MBS sẽ đánh giá ngày lên niêm yết một sự kiện đặc biệt trong hành trình phát triển của Công ty. Gần 16 năm qua, với thị trường, MBS được ghi nhận là một CTCK lớn, thân thiện và năng động. Tuy nhiên, lên niêm yết, cổ phiếu MBS sẽ được định giá liên tục, những câu hỏi được quan tâm về MBS không chỉ là Công ty có sản phẩm gì, dịch vụ gì mới, mà còn là hiệu quả thế nào, cổ tức trả cho cổ đông bao nhiêu, kế hoạch tương lai có gì đáng chú ý trong việc tạo lợi nhuận cho cổ đông, cho nhà đầu tư không?...

MBS tin vào sức mạnh nội lực từ chính mình và sự hỗ trợ toàn diện của Ngân hàng mẹ, còn thị trường chờ đợi MBS sẽ bật lên khi Công ty đã đứng vững sau những trải nghiệm đặc biệt trong 15 năm đầu tiên.          

Tin bài liên quan