“Tôi sẽ hát cho những niềm tin hiện lên rạng ngời
Tôi sẽ hát cho ngọn lửa mãi vẫn cháy trong tim
Hạnh phúc sẽ đến với tôi và sẽ đến cho mọi người
Hát về một ngày mai tươi sáng rạng ngời”
Không có một từ nào nói về Ngân hàng Quân đội, nhưng khi những ca từ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và ý chí vươn lên đó xuất hiện trên một đoạn phim truyền hình, khán giả sẽ rất dễ liên tưởng đến hình ảnh của một DN được xây bằng khát vọng vươn tới với niềm tin là điểm tựa - MB.
Chặng đường không bằng phẳng
Năm 2015, Việt Nam kỷ niệm 70 năm mừng Quốc khánh, 40 năm thống nhất đất nước, cũng là năm MB tròn 21 tuổi. Ra đời trong lòng quân đội vào năm 1994 khi Việt Nam chuyển hệ thống ngân hàng từ một cấp sang hoạt động theo mô hình hai cấp, MB đã từng bước vươn lên, trở thành biểu tượng đẹp cho lớp các DN chủ lực, góp sức xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.
Trong một lần chia sẻ với Báo ĐTCK, Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc MB kể lại: việc ra đời MB thời kỳ đó rất gian nan trong bối cảnh có nhiều định kiến và phân vân về việc quân đội làm kinh tế, khi mà trước đó có nhiều quỹ tín dụng đã bị đổ vỡ. Hơn nữa, kinh nghiệm làm kinh tế ít, kinh nghiệm làm ngân hàng còn ít hơn, nếu MB để xảy ra sự cố sẽ thật không hay cho uy tín của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, trong những chuyến đi công tác nước ngoài, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã tìm hiểu và nắm bắt đươc mô hình kinh tế quốc phòng ở một số nước, đó là nền tảng ban đầu để đi đến ý tưởng thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội tại Việt Nam.
Tháng 5/1993, Đại hội trù bị lần thứ nhất với sự tham dự của toàn quân đã được tổ chức, nhằm vận động thành lập Ngân hàng Quân đội. Sau cuộc họp và sau nhiều lần đến từng DN vận động, có 24 DN tham gia góp vốn với số vốn 18,232 tỷ đồng, phần còn lại là các cổ đông thể nhân đóng góp để định hình nên Ngân hàng TMCP Quân đội ra đời theo Quyết định số 0054/NH-GP của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và mở cửa hoạt động vào ngày 4/11/1994, vốn ban đầu vỏn vẹn 20 tỷ đồng.
Năm 1995, ông Lê Công, cán bộ thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và kinh tế được điều sang làm Trưởng phòng thanh toán quốc tế của MB và đến năm 2010, ông chính thức đảm nhận cương vị Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội. Thời điểm năm 1996, MB mới có 25 nhân sự, với tổng dư nợ và huy động vốn (cuối năm 1995) lần lượt là 173 tỷ đồng và 193 tỷ đồng.
“Hồi đó, chúng tôi thường bảo nhau, càng khó khăn, càng phải cố gắng, dù quy mô ban đầu còn nhỏ, vẫn phải hoạt động tốt để giữ thương hiệu của Ngân hàng, uy tín của quân đội đã thấm đẫm vào nhân dân”, TS. Lê Công kể lại.
Tròn 10 tuổi, năm 2004, MB thực hiện bước “chuyển nhà” đầu tiên từ 28 Điện Biên Phủ về trụ sở tại số 3, Liễu Giai, Hà Nội. Đây cũng là thời điểm MB chính thức đưa thông điệp về sự khởi đầu cho những bước tiến mạnh mẽ. Hơn 10 năm tiếp theo, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (năm 1997 và 2008) đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và tất cả các DN, nhưng MB chưa bao giờ chùn bước. Thống kê cho thấy, có ít nhất 5 chỉ tiêu tài chính lớn tại MB đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2014 từ 40 - 50%/năm - mức tăng trưởng cao trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam.
MB định vị mình trong nền kinh tế
Nếu như năm 2005, tổng số thuế MB nộp vào Ngân sách Nhà nước là 33 tỷ đồng thì đến năm 2010, con số này đạt 411 tỷ đồng và đạt mức 1.213 tỷ đồng vào năm 2012. Kể từ năm 2011, MB liên tục đạt lợi nhuận ở vị trí quán quân trong khối các ngân hàng TMCP không có vốn Nhà nước, nên có năm MB nộp Ngân sách Nhà nước trên 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Tính trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2010 - 2014), số tiền thuế MB đóng góp vào Ngân sách khoảng 4.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong hoạt động nghiệp vụ, MB là ngân hàng tiên phong trong quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. Năm 2007, MB đã xây dựng thành công hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và hoàn thiện hệ thống vào đầu năm 2008, trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên áp dụng phân loại nợ theo xếp hạng khách hàng, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công nhận.
Năm 2014, MB được NHNN lựa chọn là 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II. Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu của MB luôn duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn ngành, tỷ lệ nợ xấu luôn dưới 2% trong giai đoạn 2007 - 2012 và dưới 3% trong suốt 21 năm thành lập.
Giai đoạn 2005 - 2014, sau khi phát triển rực rỡ, ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn từ áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại MB, với khả năng quản trị rủi ro vượt trội và quan điểm kinh doanh nhân văn, chia sẻ với khách hàng, MB đã giữ được khách hàng và duy trì mức độ thanh khoản tốt.
Thống kê cho thấy, 10 năm qua, dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn từ kinh tế quốc tế vẫn in hằn ảnh hưởng lên các DN Việt, nhưng tổng nguồn vốn huy động của MB có tốc độ tăng trưởng bình quân 44%/năm, tổng dư nợ cho vay cũng tăng tương ứng, với mức tăng 40%/năm.
Sự vững vàng trong kinh doanh của MB đã giúp Ngân hàng tăng uy tín trong mọi hoạt động, được ghi nhận là đơn vị tích cực nhất giúp các khách hàng về vốn, tư vấn cho hoạt động kinh doanh ngay cả trong tình hình nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, biến động.
Năm 2013, MB đạt Giải Vàng chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Năm 2014, MB là ngân hàng duy nhất của Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ đề cử tham dự và được nhận Giải Nhất - Giải thưởng Chất lượng châu Á-Thái Bình Dương do Tổ chức Chất lượng châu Á-Thái Bình Dương công bố.
Năm 2015, dù mới đi được nửa chặng đường, nhưng MB tiếp tục thể hiện hiệu quả kinh doanh vượt trội với lợi nhuận trước thuế đạt 1.828 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch năm; dư nợ đạt gần 110.848 tỷ đồng (tăng trưởng 10% so với đầu năm), huy động vốn trong dân cư và tổ chức đạt hơn 171.116 tỷ đồng…
Nỗ lực nổi bật của MB trong những tháng đầu năm 2015 là đưa chỉ số nợ xấu về mức rất thấp 2,04% - thấp hơn mục tiêu đặt ra là dưới 2,5%, trong khi MB thuộc nhóm có dự phòng rủi ro lớn trong hệ thống các ngân hàng.
“Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%, đòi hỏi sự quyết tâm lớn của tất cả các tổ chức tín dụng. Với MB, thực tế, chưa năm nào Ngân hàng có mức nợ xấu vượt 3%, nhưng thực hiện chỉ đạo của NHNN, chúng tôi quyết tâm đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn vào cuối năm 2015”, ông Lê Công nói.
Niềm tin tương lai MB
Sự nỗ lực và thành quả MB tạo dựng đã nhân rộng niềm tin về một Ngân hàng lành mạnh, vững bước, vượt mọi khó khăn của nền kinh tế.
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2015 của MB, Phó thổng đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, mặc dù nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, số lượng các DN phải giải thể, phá sản, không trả được nợ nhiều, nhưng MB vẫn hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng TMCP, giữ vững uy tín, vị thế của mình trên thương trường và tuân thủ tốt các quy định hoạt động của NHNN.
Trên nền tảng này, NHNN đặt niềm tin MB sẽ phát huy những kết quả đạt được, nội lực hiện có để tiếp tục vững bước, giữ vững vai trò tiên phong trong hệ thống ngân hàng. “Với sự đoàn kết, nhất trí cao trong Ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên MB, Ngân hàng sẽ chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, hoàn thành các mục tiêu năm, cũng như mục tiêu chiến lược đề ra”, Phó thống đốc nói.
Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập MB và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá cao MB trong việc thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách và biện pháp điều hành chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, tuân thủ các quy định pháp luật.
Thống đốc cũng đánh giá cao MB đã có chiến lược phát triển đúng đắn và thực hiện kinh doanh có hiệu quả trong điều kiện kinh tế khó khăn như thời gian qua, đảm bảo an toàn hoạt động và có bước phát phát triển ổn định, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Với sự phát triển phát triển ngày càng toàn diện, MB đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiếp cận theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tổ chức triển khai các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho.
Niềm tin vào sự vững bước của MB còn được thể hiện rõ nét trên TTCK, nơi có trên 1,5 triệu nhà đầu tư hàng ngày, hàng giờ đánh giá DN, chọn lựa cơ hội đầu tư phù hợp.
Kể từ khi lên sàn năm 2011, cổ phiếu MBB thu hút sự quan tâm của không ít các tổ chức tài chính uy tín như BVSC, VPBS, VCBS, VCSC, SSI… phân tích, dự báo với sự trân trọng và khuyến nghị đầu tư dài hạn. Trong cuộc trao đổi mới đây với ĐTCK, giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô 2 tỷ USD đánh giá, trong khối ngân hàng, không có cơ hội đầu tư nào tốt hơn cổ phiếu MBB.
Ông cho biết, quỹ đầu tư của ông rất chờ đợi MB nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại, sẽ đặt vấn đề trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng.
Nền kinh tế vĩ mô chưa có nhiều điểm sáng rõ nét, nhưng những kết quả đạt được của MB trong 10 năm qua thì rất rõ nét với những con số cụ thể. Dù vậy, không thể phủ nhận một thực tế, DN nào càng thành công, sẽ càng áp lực, áp lực lớn nhất là phải vượt qua chính những thành quả của mình để duy trì năng lực dẫn đầu.
Trăn trở với bối cảnh chung của nền kinh tế, trăn trở với từng bước tiến của Ngân hàng, TS. Lê Công chia sẻ, mong muốn lớn nhất của ông là được trải nghiệm những tư duy, dẫn những suy nghĩ, những ấp ủ đưa MB tiến lên Top dẫn đầu. “Tôi luôn cho rằng, dấu mốc quan trọng đang ở phía trước. Bản thân tôi phải luôn phấn đấu, học tập để giữ niềm tin và sự đồng thuận cao của đội ngũ nhân sự MB, của HĐQT, của cổ đông và khách hàng”, ông bộc bạch.
“Niềm tin chiến thắng sẽ đưa ta đến bến bờ vui
Niềm tin chiến thắng nối con tim yêu thương mọi người”
MB đã tạo dựng và hội tụ được niềm tin ấy, đã và đang tiếp tục tiến bước, góp sức xây dựng nền kinh tế Việt Nam tươi sáng, tự cường.