Maybank Kim Eng lỗ có tính toán!

Maybank Kim Eng lỗ có tính toán!

Việc Maybank Kim Eng (MBKE) báo lỗ trong quý III-2013 đã gây ra không ít sự ngạc nhiên. Nhưng một số người am hiểu về ngành chứng khoán lại có cái nhìn khác.

Lùi 1 bước…

 

MBKE bắt đầu hoạt động vào năm 2008 (lúc đó có tên là Kim Eng) và gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư (NĐT) thông qua các buổi hội thảo. Những ai đã tham gia TTCK hơn nửa thập kỷ hẳn vẫn còn nhớ những nhận định của chuyên gia Ken Tai về diễn biến của VN Index trong giai đoạn 2008-2009 có độ chính xác và cả độ “sốc” khá lớn.

 

Một điều cũng rất quan trọng nhưng khi đó không mấy ai chú ý là MBKE đã khẳng định sẽ chỉ tập trung vào môi giới chứ không tự doanh. Khi các CTCK đều sống nhờ tự doanh định hướng này xem ra rất lạ lẫm, nhiều người còn cho là sáo rỗng và không mấy ai chú ý.

 

Nhưng dần dà, khi TTCK khó khăn, tự doanh hết đường sống và hầu hết các CTCK chỉ trông cậy vào môi giới để tìm đường sống, chiến lược của MBKE đã phát huy hiệu quả khi công ty liên tục nằm trong top 5 CTCK có thị phần lớn nhất và có lãi. Không tự doanh, bỏ qua một nguồn lợi lớn, có thể nói MBKE khởi đầu chậm, nhưng cuối cùng đã vượt lên trên nhiều đối thủ sau 5 năm hoạt động.

 

Có vẻ năm 2013 MBKE lại tiếp tục “khởi đầu chậm” khi công bố lỗ 3 quý liên tiếp và tính đến 30-9 tổng lỗ đã hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, MBKE đã không còn nằm trong top 5 thị phần tại HOSE, dù vẫn còn nằm trong top 10. 9 tháng năm 2013, doanh thu của MBKE đạt gần 87 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng giai đoạn năm trước.

 

Bóc tách ra doanh thu môi giới của MBKE “chỉ” giảm 26% nhưng giảm mạnh nhất chính là doanh thu khác, tức doanh thu đến từ các hoạt động như giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán… giảm gần phân nửa, từ 84 tỷ đồng (9 tháng năm 2012) xuống còn 44 tỷ đồng (9 tháng năm nay).

 

Trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty lại tăng từ 33 tỷ đồng (9 tháng năm 2012) lên 38 tỷ đồng (9 tháng năm nay). Thu giảm, chi tăng nên doanh nghiệp thua lỗ là chuyện dễ hiểu. Trong vòng đời của một doanh nghiệp có giai đoạn thua lỗ cũng là điều hết sức bình thường.

 

Tính đến 30-9, phần lãi lũy kế trên bảng cân đối kế toán của MBKE vẫn xấp xỉ 37 tỷ đồng, khoản lỗ của MBKE so với cơ cấu nguồn vốn, tài sản và vị thế cũng không đến mức nghiêm trọng.

 

Tiến 3 bước?

 

Có một điểm rất đáng chú ý ở đây là sự chủ động của MBKE trong vấn đề thua lỗ. Đây là một trong những CTCK công bố kết quả kinh doanh quý III-2013 sớm nhất trên thị trường, có nghĩa MBKE không hề muốn giấu diếm hay hoang mang về tình hình của mình.

 

Quay trở lại với việc công ty này bị giảm nguồn doanh thu từ các hoạt động như margin, hỗ trợ thanh toán, nguyên nhân có thể do cuộc cạnh tranh gay gắt đến từ phía các đối thủ. Một số nhân sự trong mảng môi giới của MBKE cũng đã chuyển sang đầu quân tại các CTCK khác. Nhưng thực ra MBKE không hề yếu thế trong cuộc cạnh tranh margin và với vị thế của mình công ty cũng có thể tìm được những người mới.

 

Thời chưa có Maybank hậu thuẫn, Kim Eng đã cạnh tranh rất sòng phẳng với các CTCK trong sản phẩm này, huống gì nay đã có một tập đoàn tài chính lớn hậu thuẫn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự chủ động của MBKE trong việc kiểm soát rủi ro các sản phẩm của mình theo hướng tiết chế, chặt chẽ hơn nữa.

 

Chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy công ty đang đầu tư, chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi. Điều này cũng có thể thấy rõ qua việc ông Lê Minh Tâm, trước đây làm tổng giám đốc của MBKE, giờ chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT, đây là sự thay đổi quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.

 

Ông Tâm đã gắn bó với MBKE từ những ngày đầu, hiểu rất rõ công ty và giờ đây sẽ tập trung cho công tác chiến lược. Mới tháng trước, MBKE đã chuyển trụ sở của mình về tòa nhà Vincom B, một trong những khu cao ốc văn phòng hàng đầu hiện nay. Một công ty nếu gặp khó khăn thực sự sẽ không có những bước đi mạnh mẽ như vậy.

 

Mới đây, MBKE đã được UBCKNN chấp thuận việc chuyển đổi thành công ty TNHH 100% vốn nước ngoài. Như vậy, MBKE sẽ là CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên trên thị trường.