Trong năm 2010, xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ từ 5 – 10%.

Trong năm 2010, xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ từ 5 – 10%.

Máy tính và linh kiện: Năng lực cạnh tranh rất thấp

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy tính và linh kiện điện tử của Việt Nam ngày càng tăng mạnh nhưng năng lực cạnh tranh lại rất thấp.

Trung tâm trên cho biết, máy tính và linh kiện điện tử hiện đứng thứ 5 trong số những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 2,04 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Riêng trong tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được 344,08 triệu USD giá trị ngành hàng trên, tăng 7,9% so với tháng 6. Dự báo con số này trong tháng 8 sẽ ở mức 350 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này 8 tháng đầu năm lên 2,4 tỷ USD.

 

Theo báo cáo của Trung tâm, mặt hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vài năm trở lại đây, các thị trường chính của những sản phẩm này là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á, ASEAN và châu Âu.

 

Đáng chú ý, trong tháng 7/2011, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở lại ngôi vị thị trường nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử số 1 của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,81 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc 329,9 triệu USD giá trị ngành hàng, chiếm 16% trong tổng kim ngạch chung, tăng 7,11% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Đứng ở vị trí thứ hai là Mỹ, với hơn 49,73 triệu USD trong tháng 7 và 289,15 triệu USD trong 7 tháng. Nhật Bản được xếp ở ngôi thứ 3 với 206,92 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2011, chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng, giảm 5,8% so với giá trị đạt được trong giai đoạn từ tháng 1 - 7/2010.

 

Theo Trung tâm trên, Việt Nam đang trở thành nơi thu hút nhiều tập đoàn quốc tế lớn đầu tư vào lĩnh vực điện tử. Chẳng hạn, mới đây tập đoàn Kyocera của Nhật Bản công bố sẽ đầu tư 30 tỷ Yên (khoảng 367 triệu USD) vào Việt Nam, xây dựng một nhà máy linh kiện điện tử và thiết bị viễn thông.

 

Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam có nhiều lợi thế như quỹ đất lớn với nhiều vị trí đẹp, thuận lợi cho sản xuất điện tử và giá nhân công rẻ. Hơn nữa, sản xuất điện tử được coi là lĩnh vực công nghệ cao nên Việt Nam có các chính sách ưu đãi lớn. Trong khi đó, tại Trung Quốc , Malaysia … giá thuê đất và phí nhân công đang tăng.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam chủ yếu sử dụng đất đai và lao động địa phương là chính. Việc sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ là rất ít, đa số vẫn phải nhập khẩu và chỉ gia công tại Việt Nam . Kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng năng lực cạnh tranh lại rất thấp.

 

Do đó, hiện tại, giá trị gia tăng trong sản phẩm chiếm chưa đến 17%, thể hiện ở hoạt động gia công và lắp ráp. Tính riêng trong năm 2010, xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ đạt từ 5 – 10%.