Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) cho biết, Công ty ước thực hiện vượt ít nhất 15% so với kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng. Tình hình sản xuất – kinh doanh những tháng cuối năm đã ổn định. Tín hiệu tích cực là các khách hàng Mỹ đã đặt hàng trở lại, không còn hàng tồn và thời gian thanh toán bắt đầu được cải thiện.
Nhìn lại một năm 2020 đầy biến cố khi các thị trường chủ lực đóng cửa, thực hiện giãn cách để phòng dịch Covid-19, khách hàng lớn nộp đơn xin bảo trợ phá sản, kết quả trên cho thấy MSH đã vượt qua những thách thức lớn để duy trì được sự phát triển bền vững.
Tuy vậy, với ông Quang, “thành công quan trọng hơn của Công ty trong năm qua là đã duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho tất cả cán bộ công nhân viên, giữ được các quan hệ đối tác lớn, đa dạng hóa thêm danh mục sản phẩm”.
“Trong nguy có cơ”, hiểu rõ điều đó, nên lãnh đạo MSH đã tìm cơ hội phát triển thành công nhiều thị trường mới do xu hướng dịch chuyển nguồn cung về dệt may trên thế giới như Nga, Australia, Canada, bên cạnh thị trường truyền thống là Mỹ, EU… Song, trong khó khăn, doanh nghiệp cũng nhìn lại mình để tiếp tục có giải pháp cải thiện trong thời gian tới. Đó là cần tăng cường khả năng thích nghi một cách nhanh chóng hơn với môi trường kinh doanh ngày một biến động hơn.
Trên thực tế, sự thích ứng và đổi mới đã được MSH liên tục triển khai, thể hiện rõ nét qua việc chuyển hướng mạnh từ may gia công CMT có giá trị gia tăng thấp sang may theo phương thức FOB, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị.
Bước đầu thành công của việc chuyển đổi mô hình sản xuất đã thể hiện trong giai đoạn 2017 – 2019, biên lợi nhuận của Công ty tăng từ 17,2% vào năm 2017 lên 21% vào năm 2019, đạt tốc độ tăng trưởng kép là 11% (biểu đồ).
Việc chuyển sang may theo phương thức FOB sẽ đóng góp vào tăng trưởng dài hạn của Công ty. Hơn nữa, tăng trưởng thông qua sản xuất hàng may mặc theo phương thức FOB hứa hẹn là tăng trưởng bền vững, nắm bắt xu hướng ngành và sự thay đổi trong tương lai của ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước đã có các chính sách nhằm cải thiện chuỗi cung ứng dệt may trong nước thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư dệt nhuộm.
Để chuẩn bị đón đầu cơ hội thị trường hàng dệt may phục hồi sau đại dịch, ông Quang cho biết, MSH đang thúc đẩy hoạt động đầu tư nhà máy mới (Sông Hồng 10). Đây được xem là một trong những kế hoạch lớn của MSH trong năm 2021.
Được biết, Nhà máy đã có sẵn quỹ đất, khi đi vào hoạt động giúp nâng tổng công suất thiết kế thêm 24% so với hiện nay.
Cùng với đó, Công ty triển khai hoàn thiện hệ thống ERP; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. MSH cũng sẵn sàng cho kế hoạch phát triển khách hàng chiến lược mới, tận dụng cơ hội từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của MSH trong nửa đầu năm 2020. Việc khách hàng lớn như New York & Co. đệ đơn xin bảo hộ phá sản là thách thức bất ngờ, nhưng không quá xa dự liệu của Công ty.
Với nỗ lực to lớn và sự năng động, Công ty đã hóa giải được khó khăn, khẳng định nền tảng bền vững của doanh nghiệp, kết quả là doanh thu tăng so với kế hoạch năm.
Vượt qua được giai đoạn sóng gió nhất của thị trường 2020, kỳ vọng MSH sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm mới 2021.