Các đơn hàng của May Sông Hồng đã ổn định tới hết quý III/2021. Ảnh: Dũng Minh.

Các đơn hàng của May Sông Hồng đã ổn định tới hết quý III/2021. Ảnh: Dũng Minh.

May Sông Hồng trở lại phong độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khởi công xây dựng Khu sản xuất may xuất khẩu Sông Hồng – Nghĩa Hưng vào những ngày giữa tháng 3, động thái này cho thấy May Sông Hồng đón đầu cơ hội tăng trưởng cao trở lại sau đại dịch.

Khu sản xuất may Sông Hồng – Nghĩa Hưng, còn được gọi là Nhà máy Sông Hồng 10, với quy mô trên 40 chuyền may, dệt kim, dệt thoi các sản phẩm váy, áo, jacket... được xây dựng trên diện tích gần 75.000 m2, mặt sàn 56.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Nhà máy được xây dựng trong 8 tháng, tháng 11/2021 sẽ hoàn thành để đưa vào hoạt động.

Dự kiến, Nhà máy sẽ tạo việc làm cho gần 3.000 lao động và giúp nâng tổng doanh thu của Công ty lên khoảng 5.500 tỷ đồng.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, nguồn điện năng lượng tái tạo đáp ứng khoảng 55% tổng điện năng tiêu thụ, nước thải được xử lý để tái sử dụng.

Với công suất tăng lên khoảng 30%, Công ty đang tiếp tục phát triển những khách hàng FOB mới có triển vọng rất tốt trong năm 2021 và sẽ phát triển mạnh từ năm 2022 trở đi.

Theo ông Quang, trong 2 năm tới, May Sông Hồng sẽ hoàn thiện toàn bộ mô hình số hóa quản trị, các hoạt động sản xuất và kinh doanh ngày càng linh hoạt và nhanh chóng hơn, tăng sự hài lòng của khách hàng.

2020 là một năm đầy biến động đối với ngành dệt may nói chung, May Sông Hồng nói riêng.

Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.817 tỷ đồng và 231,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,46% và 48,47% so với năm 2019. Việc NewYork & Co. – hệ thống phân phối thời trang lớn tại Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản buộc Công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 161,8 tỷ đồng đối với 2 khách hàng FOB (Prime Apparel LTD 8,3 tỷ đồng và New York & Company 153,5 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2020, Công ty đã trích lập 100% khoản phải thu khó đòi của Prime Apparel LTD và 70% khoản phải thu khó đòi của New York & Company.

Quan trọng hơn, Công ty phải linh hoạt tìm kiếm khách hàng thay thế. Đơn cử, các đơn hàng từ Walmart đã giúp bù đắp thiếu hụt doanh thu từ New York & Company. Những khách hàng lớn có quy mô tương tự đã thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty trở về ngưỡng trước dịch.

Ông Quang tiết lộ: “Năm 2021, May Sông Hồng đã đặt kế hoạch tăng trưởng trở lại, dự kiến sẽ gần được như 2019, dựa trên cơ sở hầu hết các khách hàng FOB đều đã khôi phục lại đơn hàng ổn định”.

Năm 2021, May Sông Hồng đã đặt kế hoạch tăng trưởng trở lại, dự kiến sẽ gần được như 2019”.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc CTCP May Sông Hồng

Giới đầu tư và nhiều công ty chứng khoán đánh giá, lợi nhuận năm 2021 của May Sông Hồng có thể tăng 100% so với năm 2020, bởi năm trước, doanh nghiệp đã phải trích lập một nửa lợi nhuận cho khoản nợ xấu từ phía đối tác.

Tại lễ khởi công nhà máy Nghĩa Hưng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ 2020. Mục tiêu năm nay, ngành dệt may Việt Nam hướng tới xuất khẩu đạt từ 39 - 40 tỷ USD.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất may mặc lớn với hàng chục xưởng sản xuất được xây dựng và quản lý tập trung tại Nam Định, tổng số cán bộ công nhân viên gần 11.000 người, May Sông Hồng chắc chắn sẽ là đối tác tin cậy của nhiều hãng thời trang trong nước và quốc tế.

Bằng chứng cho cuộc lội ngược dòng mạnh mẽ của doanh nghiệp dệt may, theo lời chia sẻ của Tổng giám đốc Bùi Việt Quang, cho đến nay, đơn hàng của Công ty đã ổn định và đầy đủ cho tới hết quý III/2021.

Năm qua, dù hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, song May Sông Hồng vẫn đảm bảo cổ tức 30%. Giới đầu tư kỳ vọng, với sự phục hồi tích cực về hiệu quả kinh doanh trong năm nay, May Sông Hồng trở lại phong độ trả cổ tức 45% như trước kia.

Tin bài liên quan