Mâu thuẫn nội bộ giữa các nhóm cổ đông, “tay to” điên đầu

Mâu thuẫn nội bộ giữa các nhóm cổ đông, “tay to” điên đầu

(ĐTCK) Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại CTCP Coteccons (CTD) đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư. 

Đây không phải lần đầu thị trường chứng kiến cuộc chiến pháp lý giữa các cổ đông của một doanh nghiệp, nhưng mâu thuẫn nội bộ trong các doanh nghiệp lớn như Coteccons khá hiếm. 

Những vấn đề pháp lý trong vụ việc như chứng minh “vi phạm nghiêm trọng” của Ban điều hành, vấn đề giao dịch với các bên liên quan, sở hữu các công ty liên kết... chắc chắn có giá trị tham khảo như “án lệ” đối với các bên tham gia thị trường chứng khoán và công ty cổ phần trong quá trình vốn hoá.

Theo khoản 3, Điều 114, Luật Doanh nghiệp, cổ đông có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) khi có căn cứ cho rằng Hội đồng quản trị (HĐQT) vi phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý, hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành tới nay, việc một cổ đông/nhóm cổ đông muốn triệu tập ĐHĐCĐ theo quy định nói trên là rất khó khăn.

Các yêu cầu triệu tập đại hội của cổ đông thường bị HĐQT, Ban Kiểm soát từ chối. Khi qua thời gian chờ để trực tiếp tổ chức đại hội, có thể họ lại vướng phải vấn đề chốt danh sách cổ đông.

Chẳng hạn, tại CTCP Vận tải ô tô số 2 (trụ sở tại Gia Lâm, Hà Nội), ngay khi cựu Chủ tịch HĐQT bị truy tố, cổ đông lớn là Công ty Hoa Việt (sở hữu trên 51% cổ phần) vẫn gặp khó khi không chốt được danh sách cổ đông để tổ chức đại hội, miễn nhiệm HĐQT cũ và bầu lại HĐQT mới.

Sau Đại hội, Công ty Hoa Việt vẫn phải theo hầu tòa do Nghị quyết ĐHĐCĐ bị các cổ đông không dự đại hội yêu cầu hủy vì lý do các cổ đông này không có trong danh sách cổ đông được quyền dự họp.

Mặc dù Tòa án bác yêu cầu của các cổ đông khác, Nghị quyết ĐHĐCĐ của công ty có hiệu lực, nhưng quá trình tranh chấp, tố tụng kéo dài đã ảnh hưởng bất lợi đối với doanh nghiệp.

Theo Quy chế số 02 của Trung tâm Lưu ký đang có hiệu lực, trường hợp ĐHĐCĐ bất thường do cổ đông hoặc nhóm cổ đông có thẩm quyền triệu tập theo Luật Doanh nghiệp, thì cần gửi "tài liệu chứng minh HĐQT, ban kiểm soát không thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty về việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường; tài liệu, chứng cứ để chứng minh HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao...".

Vậy, thế nào là vi phạm nghiêm trọng? Theo luật sư Hồ Hữu Hoành (Công ty Saigonmind - chuyên tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp), các “vi phạm nghiêm trọng này” chính là các nội dung có phạm vi được xác định tại các điểm a, b, c Điều 114 Luật Doanh nghiệp và được cụ thể hoá chi tiết hoặc được bổ sung thêm tại Điều lệ công ty.

Tùy từng trường hợp, các cổ đông căn cứ vào Điều lệ để đưa ra căn cứ, chứng minh các vi phạm nghiêm trọng và cung cấp cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Do đó, theo luật sư Hoành, khi xây dựng điều lệ công ty, các cổ đông cần lưu ý đưa vào Điều lệ các quy định này nhằm có cơ sở giải quyết các mâu thuẫn sau này.

Trở lại với câu chuyện tại Coteccons, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu Kusto có thể triệu tập ĐHĐCĐ bất thường? Trung tâm Lưu ký chứng khoán có thể trả lời câu hỏi này vì Kusto phải đưa ra căn cứ chứng minh các vi phạm nghiêm trọng và cung cấp cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Một vấn đề khác trong trường hợp, một cổ đông lớn đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại một doanh nghiệp niêm yết và đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty liên kết, có thể dẫn đến các ngờ vực của cổ đông còn lại về tính bất vị lợi của các quyết định của HĐQT liên quan đến các giao dịch với công ty liên kết.

Vẫn theo chia sẻ của luật sư Hoành, thực tiễn cho thấy, giao dịch góp vốn hoàn toàn có thể che giấu thông qua các văn bản ủy thác, ủy quyền. Người chủ thực sự nhờ người đứng tên cổ phần và người này sau đó, ủy quyền đại diện cho người chủ thực sự tham gia ứng cử thành viên HĐQT, điều hành công ty.

Trong trường hợp người ủy thác cho người khác đứng tên đầu tư, sở hữu cổ phiếu tại một công ty khác lại có nghĩa vụ phải công bố thông tin thì việc che giấu sở hữu cổ phiếu là vi phạm pháp luật. Đó là việc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Liệu có cách nào nhà đầu tư, cổ đông có cơ hội xác minh được những giao dịch góp vốn như vậy? “Trừ khi có sự cố “bất ngờ” xảy ra, không có cách nào để xác minh, những giao dịch, thỏa thuận dân sự đó” - vị luật sư trên cho biết.

Những tranh chấp nội bộ cổ đông sẽ đi về đâu? Thực tế từ các vụ việc xảy ra trong quá khứ, có thể một bên sẽ chấp nhận bán lại cổ phần và ra đi, hoặc các bên thỏa hiệp, nhượng bộ để tiếp tục cùng chèo lái doanh nghiệp.

Vấn đề là một bên sẽ chứng minh được vi phạm đến đâu và bên kia có nắm giữ được bí quyết, công nghệ, nhân sự, quan hệ cốt lõi trong sự phát triển của doanh nghiệp?

Theo quan điểm của luật sư Hoành, trong bối cảnh nhiều bất định do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giới chủ sẽ có xu hướng tìm kiếm an toàn, bảo toàn vốn. Thời điểm này, việc chuyển nhượng cổ phần có nhiều rủi ro hơn là việc thỏa hiệp.

Tin bài liên quan