NĐT đang gặp khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi của mình khi tài khoản mở tại CTCK bị xâm phạm. Có cách nào hỗ trợ NĐT trong tình huống này không, thưa ông?
Để bảo vệ quyền lợi NĐT, cơ quan quản lý cần rà soát, hoàn chỉnh chế tài theo hướng xử lý trực diện, thật nặng đối với các hành vi CTCK làm mất tiền, chứng khoán của khách hàng. Tùy tính chất vi phạm mà áp dụng đồng thời 4 biện pháp chính yếu gồm: tịch thu toàn bộ khoản thu lợi bất chính, phạt tiền, buộc bồi thường thiệt hại cho NĐT và xử lý hình sự. Chỉ có cách này mới tăng tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm tài khoản NĐT của CTCK.
Trong tôn chỉ hoạt động của mình, VAFI có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của NĐT. Để làm được điều này, VAFI có kiến nghị giải pháp gì để đáp ứng mong mỏi nhất của NĐT khi bị CTCK lạm dụng tài khoản là phục hồi nguyên trạng tài sản?
Đúng là trong tôn chỉ hoạt động của VAFI có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các NĐT, giúp họ am hiểu pháp luật và an tâm bỏ vốn đầu tư vào các DN. Xuất phát từ điều này, hơn hai năm trước đây, VAFI đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nghiên cứu thành lập Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT, theo thông lệ thế giới. Thế nhưng, không hiểu sao kiến nghị này đã rơi vào quên lãng, trong khi đòi hỏi từ thực tiễn về một định chế như vậy ngày càng đặt ra bức bách.
Đến nay, kiến nghị của VAFI vẫn còn nguyên giá trị, bởi TTCK đang thực sự cần cơ chế hữu hiệu, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NĐT, qua đó gia tăng niềm tin của họ vào thị trường.
Nguyên tắc hoạt động của tổ chức này ra sao, để đáp ứng yêu cầu khi bị “mất cắp” tài sản tại CTCK, NĐT được bồi thường thiệt hại?
Về nguyên tắc, khi CTCK làm mất chứng khoán, tiền của NĐT, thì trước hết, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp CTCK mất thanh khoản, không có khả năng bồi thường thiệt hại cho NĐT, nghĩa vụ này được chuyển sang Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT. Tất nhiên, quy định pháp lý phải được thiết kế theo hướng đảm bảo công bằng.
Theo thông lệ thế giới, đây là loại hình DN đặc biệt, có khuôn khổ pháp lý hoạt động riêng và có nhiều điểm (về tôn chỉ, mục đích, cơ chế tài chính và đền bù) tương tự như tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống ngân hàng thương mại. Thành viên của công ty này là các CTCK, phải có nghĩa vụ đóng góp vốn và phí hàng năm cho Công ty, để hình thành Quỹ đền bù cho NĐT trong tình huống CTCK bị giải thể, phá sản hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, làm mất vốn của NĐT.
Khi thiết kế cơ chế thành lập Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT, điều quan trọng là phải xác lập cơ chế rõ ràng, cho phép định chế này có quyền thay mặt NĐT tiến hành khởi kiện CTCK có hành vi vi phạm.
Tại nhiều TTCK có lịch sử phát triển lâu đời, khuôn khổ pháp lý rất hoàn thiện, hệ thống CTCK có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng họ vẫn duy trì sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi NĐT. Không ở đâu xa, mô hình Trung tâm Bảo vệ NĐT chứng khoán tại TTCK Đài Loan thành lập năm 2002, hay Công ty Đền bù cho NĐT được thành lập năm 2003 tại Hồng Kông, hiện vẫn hoạt động hiệu quả, bởi nó là công cụ hữu hiệu bảo vệ tiền và tài sản của NĐT. Qua đó, giúp họ không phải lo sợ tài sản bị “mất cắp” tại CTCK.
Với thực tiễn TTCK Việt Nam hiện nay, việc thành lập Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT có khả thi không và nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và từ thực tiễn TTCK Việt Nam (tình trạng CTCK lạm dụng tài khoản NĐT đang diễn ra nhức nhối, nguy cơ mất thanh khoản, giải thể, phá sản tại nhiều CTCK…), có thể thấy, việc ban hành các quy định pháp lý, cho phép hình thành Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT là đòi hỏi cấp thiết. Đây là phương án khả thi, chứ không quá phức tạp.
Việc cần làm đầu tiên để chuẩn bị cho sự ra đời của Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT là Bộ Tài chính, UBCK phải nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, nhất là từ các TTCK lân cận trong việc thành lập công ty này. Trên cơ sở đó, thiết lập khuôn khổ pháp lý, xúc tiến thành lập và giám sát hoạt động của Công ty.
> Nhức nhối Chứng khoán Tràng An