Ðể phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 17/3.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.
Ðồng thời, NHNN giảm mức trần lãi suất huy động của tổ chức tín dụng đối với khách hàng loại không kỳ hạn từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm, loại có kỳ hạn từ 1 - 6 tháng từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Riêng với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ðồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm.
Ðây được xem là điều kiện tích cực để các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm được lãi suất đầu ra, chia sẽ khó khăn đối với khách hàng trong đại dịch Covid-19.
Kể từ ngày 17/3, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 4,7%/năm, giảm 0,1%/năm; VietinBank áp dụng lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Tương tự, lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cũng giảm. Sacombank đang áp dụng lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,3 - 4,7%, tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó.
Ngân hàng Bản Việt giảm 0,2%/năm, xuống mức 4,7%/năm, áp dụng đồng loạt đối với các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. VIB áp dụng mức lãi suất đồng loạt cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6%/năm, giảm 0,4%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Techcombank áp dụng lãi suất huy động từ 4,15 - 4,75%/năm cho các khoản tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng. Eximbank giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng 0,4%/năm so với trước, xuống còn 4,4%/năm.
OCB điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,3%/năm cho tất cả kỳ hạn huy động tiết kiệm tiền đồng, xuống còn 4,6%/năm kỳ hạn 1 - 3 tháng, riêng kỳ hạn 6 tháng trở lên duy trì ở 7%/năm.
ACB giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng còn 4,75%/năm, 2 tháng còn 4,55%/năm, 1 tháng còn 4,5%/năm...
Song song với việc tiết giảm chi phí đầu vào, các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, OCB có gói hỗ trợ doanh nghiệp với mức lãi suất cho vay chỉ từ 7,5%/năm.
Doanh nghiệp mới thành lập trên 6 tháng, có tài sản bảo đảm là bất động sản có thể vay vốn tại Ngân hàng với số tiền lên đến 5 tỷ đồng, với tỷ lệ cho vay đến 85% giá trị bất động sản, đi kèm quyền lợi miễn phí trả nợ trước hạn.
Eximbank vừa đưa ra gói vốn 8.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 vay với lãi suất từ 5%/năm. Trong đó, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng có lãi suất từ 6,99%/năm áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; gói tín dụng 3.000 tỷ đồng áp dụng lãi suất từ 5%/năm đối với doanh nghiệp lớn.
Nam A Bank triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona” từ 10/2/2020 đến khi Chính phủ có thông báo kết thúc dịch, với lãi suất giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành.
HDBank dành 10.000 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường tiêu dùng sản xuất và cung ứng “made in Vietnam”, hỗ trợ nuôi trồng, chế biến và sản xuất trong nước, lãi suất linh hoạt chỉ 6,5%/năm.
MSB vừa triển khai gói vay thế chấp với lãi suất hấp dẫn chỉ 6,59%/năm, áp dụng từ nay tới 31/3/2020.
Một cán bộ ngành ngân hàng cho rằng, dịch Covid-19 có thể khiến hàng triệu tỷ đồng dư nợ toàn hệ thống thành nợ xấu, các ngân hàng cũng hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là tự cứu mình. (Theo thống kê của NHNN, đến 4/3, có ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 nhà băng, tương đương 11% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).
Nhận định được đưa ra từ TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành trong tương quan với lạm phát (lạm phát 2 tháng đầu năm ở mức 5,91%, cao hơn mức 4% - mục tiêu lạm phát cả năm).
Mức lãi suất tiền gửi vẫn cao hơn mức lạm phát nên vẫn đủ hấp dẫn người dân. Mặt bằng lãi suất được nhận định sẽ tiếp tục giảm nhẹ.