Mất bạc tỷ vì muốn chạy việc vào ngành công an, y tế

Mất bạc tỷ vì muốn chạy việc vào ngành công an, y tế

(ĐTCK) Muốn "chạy việc" cho con vào những ngành công an, y tế, nhiều gia đình mất trắng tiền bạc vì gặp phải đối tượng lừa đảo.

Trong hai ngày 31/10 và 1/11, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhận xin việc vào các ngành công an, y tế.

Theo kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 6/2016, các bị cáo Trần Trọng Quyền (SN 1984, trú tại Hải Phòng), Lê Đức Thọ (SN 1974, trú tại Nam Định), Nguyễn Thị Thanh (SN 1970, trú tại Hà Nội), Nguyễn Trọng Mạnh (SN 1983, trú tại Thái Bình), Đỗ Thị Len (SN 1989, trú tại Thái Bình) đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều gia đình có nhu cầu xin việc làm.

Các bị cáo mạo nhận quen biết với nhiều lãnh đạo ngành công an, y tế, có khả năng xin việc vào các ngành này.

Bị cáo Trần Trọng Quyền làm giả các giấy tờ như thư đề nghị, thông báo tuyển dụng, quyết định tuyển dụng của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an có dấu đỏ sau đó chụp lại hình ảnh bằng điện thoại và gửi cho người xin việc để họ tin là đã xin việc được cho nhiều người.

Các bị cáo còn tạo niềm tin bằng cách bố trí người bị hại đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 19/8, dẫn các bị hại vào trụ sở của Viện Chiến lược và Khoa học Công an...

Các gia đình có nhu cầu xin việc tin tưởng các bị cáo làm được nên đã đưa tiền, hồ sơ nhờ xin việc. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không thực hiện việc gì để giúp các gia đình đạt được mục đích. Số tiền đã nhận các bị cáo sử dụng chi tiêu cá nhân hết và không trả lại.

Căn cứ vào các giấy tờ tài liệu thu giữ được, cơ quan  điều tra đã tiến hành xác minh đối với 43 trường hợp. Chỉ có 8 trường hợp làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo

Đơn cử, trường hợp anh Vũ Đức Mạnh xin cho em trai Vũ Mạnh Dũng vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, anh Mạnh đã đưa hồ sơ và 100 triệu đồng cho Nguyễn Thị Thanh nhờ xin việc.

Quá trình trao đổi, các bị cáo nhiều lần hứa hẹn, cam kết xin được việc cho anh Dũng nên gia đình anh Dũng đã đưa thêm 2 lần tiền. Tổng cộng, số tiền đã đưa là 280 triệu đồng. Các bị cáo nhận tiền nhưng không xin được việc như đã hứa hẹn.

Một trường hợp khác, anh Đỗ Thanh Tùng muốn xin vào làm trong ngành công an. Các bị cáo yêu cầu chi phí 650 triệu đồng, đưa trước 80%, còn 20% khi nào nhận quyết định đi làm thì chuyển nốt. Gia đình anh Tùng đã chuyển cho các bị cáo 550 triệu đồng nhưng không thấy được gọi đi làm.

Tổng số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt của 8 bị hại xin việc là 4,9 tỷ đồng.

Với hành vi này, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo Trần Trọng Quyền mức án 15 năm tù, Lê Đức Thọ nhận 10 năm tù, Nguyễn Thị Thanh 12 năm tù, Nguyễn Trọng Mạnh 12 năm tù, Đỗ Thị Len 12 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin bài liên quan