Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng trên HOSE và HNX.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng trên HOSE và HNX.

Margin trở về vùng đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) cuối quý III/2021 được dự báo sẽ phá con số kỷ lục hơn 145.000 tỷ đồng cuối quý II.

Margin “gồng” thị trường?

Số liệu kể từ đầu năm 2021 cho thấy, trong quý I và quý II, cá nhân trong nước mua ròng lần lượt 21.000 tỷ đồng và 22.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng lượng cho vay ký quỹ quý I tăng đúng bằng con số mua ròng của nhà đầu tư cá nhân, còn trong quý II có mức tăng hơn 35.000 tỷ đồng, vượt xa con số 22.000 tỷ đồng mà các cá nhân trong nước mua ròng.

Hiện tại, dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán đều tăng so với cuối quý II/2021 và mối tương quan tiếp tục diễn ra khi lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng trên HOSE và HNX.

Chỉ số chứng khoán gần đây “lình xình”, nhưng giao dịch sôi động, một phần không nhỏ đến từ nguồn tiền vay ký quỹ gia tăng.

Nhìn vào giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong nước qua từng quý và so sánh với số liệu dư nợ giao dịch ký quỹ gia tăng, có ý kiến cho rằng, thực tế tiền mới không chảy nhiều vào thị trường, mà cuộc chơi đầu cơ được nuôi lớn từ cho vay ký quỹ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, dư nợ margin tại Công ty Chứng khoán TP.HCM hiện đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với cuối quý II/2021. Tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dư nợ margin đạt hơn 9.000 tỷ đồng.

Dư nợ margin ở nhiều công ty khác như Chứng khoán MB, Chứng khoán ACB… cũng đang dần trở lại mức cao. Dư nợ margin cuối quý III/2021 được dự báo sẽ phá con số kỷ lục hơn 145.000 tỷ đồng cuối quý II/2021.

Chứng khoán ACB cho biết, margin tại Công ty nói riêng và margin trên toàn thị trường nói chung có thể đang ở mức đỉnh lịch sử.

Margin là một chủ đề rộng và cuộc chơi margin có sự thay đổi theo thực tế thị trường. Khi lãi suất cho vay margin ngày càng cạnh tranh, dưới 10%/năm và việc thế chấp cổ phiếu để vay tiền tại công ty chứng khoán đơn giản và linh hoạt hơn nhiều so với vay ngân hàng, nhu cầu sử dụng đòn bẩy càng tăng.

Trong nhịp tăng điểm tháng 8, thanh khoản phiên 20/8 lên đến 40.000 tỷ đồng, nhưng chỉ số điều chỉnh giảm cho thấy thị trường gặp áp lực bán lớn. Để thị trường vượt qua vùng đỉnh tháng 8 và bước vào đợt sóng mới, không chỉ cần điểm số tăng, mà còn cần đến độ rộng và thanh khoản.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn cho hay, với tính thanh khoản cao trong quý III này, đặc biệt ở các phiên phân phối, mức độ quay vòng margin nhanh hơn quý II. Nhìn chung, mức độ quay vòng margin đang rất “khủng khiếp”.

“Từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ số dư nợ margin/thanh khoản khớp lệnh trung bình của HOSE thường xuyên ở mức cao. Tỷ số này cao hơn nhiều vùng đỉnh năm 2018”, vị giám đốc môi giới nói và cho rằng, cuộc chơi margin có thể gây ra hệ lụy khi giá cổ phiếu chấm dứt đà tăng như giá cổ phiếu sử dụng margin giảm sâu, thanh khoản và vòng quay tiền trên thị trường suy giảm.

Việc tăng sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư có thể đến từ việc tận dụng nguồn vốn margin có lãi suất thấp, nhiều sản phẩm linh hoạt, hấp dẫn đối với hoạt động giao dịch ngắn hạn.

Không ít nhà đầu tư chia sẻ, giai đoạn giữa tháng 8/2021, cổ phiếu đang trong xu hướng tăng nhưng công ty chứng khoán không cho vay thêm, bởi công ty tạm thời hết hạn mức cho vay ký quỹ. Tình trạng này cho thấy tình hình cho vay margin rất “căng”.

Cung tăng theo cầu

Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã huy động thêm vốn, giúp dư địa cho vay margin của thị trường lớn hơn và khả năng căng cứng do margin giảm đi nhiều.

Trước đó, các đợt phát hành năm 2018 phải mất 3 năm mới cạn margin, dù thanh khoản thị trường tăng vọt. Tuy nhiên, hiện nay, margin cần phải có sự cân đối với tiền thực, nếu margin tăng mạnh mà dòng tiền thực không tăng tương ứng, thị trường sẽ ở trạng thái rủi ro cao. Thị trường không thể được nuôi lớn mãi bởi margin.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, nhiều nhà đầu tư đã bán chốt lời và rút vốn giai đoạn vừa qua, sau khi hưởng lợi từ kết quả kinh doanh bán niên của doanh nghiệp tăng đột biến và bù lại là dòng tiền margin. Nhu cầu vay margin cao khiến các công ty chứng khoán gấp rút tăng vốn và không ít công ty đã huy động vốn thành công để nâng dư địa margin toàn thị trường.

Các công ty chứng khoán đẩy mạnh cho vay thông qua hai nguồn vốn: thứ nhất là huy động vốn từ các định chế tài chính, đặc biệt tại nước ngoài; thứ hai là phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Chứng khoán VNDIRECT vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn kỳ hạn 1 năm từ nhóm các ngân hàng nước ngoài, với tổng giá trị 100 triệu USD. Trước đó, Chứng khoán SSI đã thực hiện vay vốn tín chấp 100 triệu USD, Chứng khoán VietinBank huy động 90 triệu USD từ các ngân hàng nước ngoài, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội được ngân hàng mẹ là SHB cho vay thêm gần 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán MB phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu…

Như vậy, các công ty chứng khoán có thêm nguồn lực dồi dào để cho vay. Giả sử tình trạng căng margin có tái diễn thì tỷ trọng dòng tiền này trên tổng quy mô giao dịch thị trường vẫn thấp hơn đáng kể so với các năm trước, do thanh khoản ở mức cao.

Vừa qua, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam đề xuất nâng tỷ lệ cho vay margin từ 50% (5:5) lên 70% (7:3), với kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn và các công ty chứng khoán có lý do chính đáng để bung margin. Bởi lẽ, tỷ lệ margin tối đa theo quy định hiện hành là 5:5, nhưng có công ty “lách luật” cho vay với tỷ lệ 6:4, 7:3, thậm chí cao hơn đối với một số khách hàng “VIP”.

Có cung ắt có cầu, dù vậy, liên quan đến chính sách margin, mỗi công ty chứng khoán có chính sách và quan điểm về quản trị rủi ro khác nhau.

Như chia sẻ của lãnh đạo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho đến thời điểm hiện tại, nhu cầu vay margin của khách hàng vẫn rất lớn, nhưng Công ty không chấp nhận rủi ro cao và cho vay bằng mọi giá. Việc cho vay luôn dựa trên tính an toàn nên chính sách cho vay của VCSC có phần khắt khe hơn so với không ít công ty khác.

Tại Chứng khoán TP.HCM, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới cho hay, Công ty đang kiểm soát rủi ro theo từng mã chứng khoán với những tiêu chí cụ thể. Ngoài tiêu chí định lượng, phòng quản lý rủi ro cho vay margin còn thực hiện đánh giá từng cổ phiếu, triển vọng kinh doanh và năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong rổ cho vay.

Tin bài liên quan