UBCK sẽ xem xét bỏ quy định NĐT phải duy trì số dư tiền mặt 10 triệu đồng khi margin
Sau đợt thanh tra của UBCK, VND có mắc một số lỗi về hoạt động cung cấp margin nên UBCK tạm thời yêu cầu Công ty tạm ngừng ký mới các hợp đồng với NĐT, còn các hợp đồng cũ vẫn duy trì hoạt động bình thường. Theo tìm hiểu của ĐTCK thì VND vi phạm 3 lỗi. Thứ nhất, theo Thông tư 74/2012/TT-BTC, để thực hiện giao dịch margin, khách hàng phải duy trì khoản tiền mặt tối thiểu 10 triệu đồng. Tuy nhiên, một số tài khoản của VND không duy trì được khoản tiền này. Thứ hai, theo quy định, margin được tính trên từng giao dịch thì VND lại tính hạn mức cho vay trên tài khoản của khách hàng. Thứ ba, VND cho khách hàng vay chứng khoán dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng tại Công ty, tuy nhiên một số mã cổ phiếu lại nằm trong danh sách không được phép margin theo công bố của 2 Sở Giao dịch chứng khoán.
Ngoài việc bị ngừng ký mới các hợp đồng mở tài khoản margin trong vòng 60 ngày, UBCK cũng yêu cầu VND chấm dứt việc hỗ trợ Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư FNM Việt Nam thực hiện hoạt động hợp tác đầu tư với khách hàng của VND. Đồng thời, yêu cầu VND báo cáo UBCK danh sách tài khoản hiện đang thực hiện margin và dư nợ margin trước ngày 22/10/2012 và báo cáo về các biện pháp xử lý, khắc phục sai sót trước ngày 22/11/2012. Lãnh đạo VND cho biết, Công ty sẽ khắc phục để được tiếp tục cung cấp margin mới cho NĐT trong thời gian tới.
Trao đổi với ĐTCK, bà Phạm Minh Hương, Giám đốc đầu tư VND cho biết, trong điều kiện thị trường èo uột như hiện nay, việc VND bị tạm ngừng cung cấp mới hoạt động margin trong vòng 2 tháng, về cơ bản, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của Công ty. Hiện tại, số dư margin của VND chỉ khoảng 200 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cho thấy, ngân sách dành cho nghiệp vụ margin tại Công ty vẫn còn nhiều. Hiện nay, do thị trường vẫn suy giảm và đặc biệt là thanh khoản quá thấp, nên nghiệp vụ margin rất vắng khách. Nếu VND bị cắt margin vào giai đoạn thị trường sôi động, thì chắc chắn sẽ vừa thiệt cho khách hàng, vừa thiệt cho CTCK.
Trước quyết định trên của UBCK, bà Hương cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận các nghiệp vụ trên TTCK về bản chất. Chẳng hạn, việc yêu cầu NĐT phải duy trì khoản tiền mặt tối thiểu 10 triệu đồng trong tài khoản là không cần thiết, bởi xuất phát từ thực tế, có nhiều tài khoản nhỏ lẻ, không thể lúc nào cũng bắt khách hàng duy trì tiền mặt 10 triệu đồng. Đây là điểm bất cập mà nhiều thành viên trên TTCK cùng chung quan điểm. Bên cạnh đó, nghiệp vụ margin đúng là phải triển khai theo quy định pháp lý, nhưng trước hết là phải dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, của khách hàng. “Chức năng quan trọng nhất của TTCK là phải tạo thanh khoản, trong khi những mã NĐT có nhu cầu margin như SSI, KLS… thì lại nằm trong danh sách mà 2 Sở cấm. Một số mã khác nằm trong danh sách được margin thì chất lượng lại quá tệ. Điều này có hợp lý hay không nếu xét trên bản chất tạo thanh khoản của thị trường?”, bà Hương đặt câu hỏi.
Theo bà Hương, CTCK hơn ai hết là người biết được nhu cầu của khách hàng. CTCK cũng hơn ai hết phải biết cách bảo vệ an toàn tài sản của chính họ và khách hàng thì mới có thể hoạt động lâu dài và phát triển được. Vì thế, thay vì 2 Sở công bố danh sách chứng khoán không được margin và buộc các CTCK phải tuân thủ như hiện nay, bà Hương cho rằng, nên để các CTCK tự xây dựng danh mục mã chứng khoán được margin, còn UBCK thực hiện chức năng giám sát nghiệp vụ, đảm bảo các CTCK tuân thủ tỷ lệ cho vay theo quy định. Như thế sẽ hợp lý hơn trên cơ sở tôn trọng tính thị trường, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa các bên liên quan đến loại dịch vụ này.
Về phía UBCK, lãnh đạo UBCK cho biết, UBCK sẽ xem xét các phản ánh từ thị trường, xem xét khả năng sửa đổi một số quy định, như sẽ bỏ yêu cầu khách hàng phải duy trì số dư tiền mặt là 10 triệu đồng khi thực hiện margin và sẽ xem xét nới tỷ lệ margin trên cơ sở cân nhắc theo từng giai đoạn và chất lượng các nhóm cổ phiếu.