Năm 2017, chỉ khoảng 42% số DN thuộc diện công bố thông tin thực hiện việc công bố

Năm 2017, chỉ khoảng 42% số DN thuộc diện công bố thông tin thực hiện việc công bố

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp chây ỳ công bố thông tin

(ĐTCK) Nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như các cơ quan đơn vị chủ quản doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đề xuất Chính phủ xử lý trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác này.

Biện pháp xử lý hành chính, mức phạt tiền từ 5-15 triệu đồng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thi hành ngay đối với một loạt DN còn chây ỳ, hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm công bố thông tin.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đề xuất áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN trong trường hợp vi phạm các quy định như không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực...

Để tăng tính công khai minh bạch và sự giám sát của xã hội đối với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan công khai nội dung xử lý trách nhiệm trên trang thông tin điện tử của mình và gửi về Bộ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho phép công khai tình hình thực hiện công bố thông tin để đảm bảo mục tiêu thúc đẩy và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, DNNN, DN có vốn nhà nước, nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động và nâng cao tính tự chủ, tự giác của các DN.

Có thể thấy, so với trước đây, mức độ quyết liệt của các đề xuất xử phạt đã được tăng cường, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng chây ỳ công bố thông tin, hoặc có công bố cũng "chỉ để cho có" của khối DNNN là rất phổ biến.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với yêu cầu quy định, tỷ lệ DN thực hiện công bố thông tin còn rất thấp. Năm 2016 chỉ có khoảng 38% và năm 2017 là khoảng 42% số DN thuộc đối tượng công bố thông tin thực hiện việc công bố.

Trong đó, hầu hết các cơ quan chủ sở hữu chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP như: Chưa xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin; chưa thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về việc thực hiện công bố thông tin của các DN huộc phạm vi quản lý; chưa kịp thời báo cáo đề xuất giải pháp xử lý...

Phần lớn DN thuộc đối tượng công bố thông tin đều chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công bố thông tin, chưa báo cáo đầy đủ, trung thực cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện công bố thông tin; chưa gửi các thông tin về người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện công bố thông tin về Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định để phối hợp xử lý; chưa có trang thông tin điện tử, cũng như chưa xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định...

 “Những tồn tại nói trên làm hạn chế tính minh bạch, công khai và việc giám sát của các cấp, các cơ quan, tổ chức đến DNNN và DN có sử dụng vốn nhà nước.

Vì vậy, không chỉ là đơn thuần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh khẩn trương hoàn thiện báo cáo và gửi kết quả về Bộ, mà việc đề nghị xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin và đặc biệt là công khai các hoạt động xử lý nhằm tăng cường sự giám sát xã hội, là việc rất cần thiết để chấn chỉnh tình trạng này”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh và cho rằng, đây cũng là lý do cho thấy cần đẩy nhanh việc hình thành và đưa vào vận hành một cơ quan đại diện chủ sở hữu những DNNN, DN có vốn nhà nước để nâng cao chất lượng quản trị, tính minh bạch, công khai trong quá trình hoạt động.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình công bố thông tin của DNNN năm 2017 cho thấy, đến hết năm 2017, mới chỉ có 265/622 DN (chiếm 42,6%) gửi báo cáo đến Bộ để thực hiện công bố thông tin; 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin. Trong số khoảng 357 DN chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các DN thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.

Đặc biệt, một số DN lớn như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, các DN thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin theo quy định. Một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam... cũng chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Tin bài liên quan