Ông Hoàng Quang Hàm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Là một trong số các đại biểu Quốc hội thường phản ánh về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông có thể khái quát tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm nay?
Trong 10 tháng của năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 49,83% so với kế hoạch, trong khi năm 2018 đạt 56,24%. So với số liệu giải ngân trong 9 tháng được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thì trong tháng 10 qua, giải ngân tăng không đáng kể và tất cả các nguồn vốn đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngày 26/9/2019, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Trước đó, ngày 21/8/2019, Thủ tướng đã có Công điện 1042/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, nhưng vẫn không có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Điều này rất đáng phải suy nghĩ.
Từ năm 2016 tới nay, đã có tới 2 nghị quyết, nhiều chỉ thị, công điện, hội nghị thúc đẩy vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn không khả thi. Theo ông, vì sao lại như vậy?
Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng tựu trung là còn vướng mắc liên quan tới công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn. Trong đó, nổi lên tình trạng chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động lên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện.
Vì vậy, kết thúc năm, dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau. Một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn, nên không thể giải ngân. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác giải ngân…
Những nguyên nhân cơ bản khác cũng được kể đến như tình trạng chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ, chưa chú trọng công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ dẫn đến chất lượng hồ sơ có nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh… gây kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước, nên khi triển khai còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa, dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án…
Thưa ông, vấn đề này không khó để xử lý?
Chậm không phải do các quy định về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục, mà là do tổ chức thực hiện. Nếu tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng vào cuộc, thì thời gian chuẩn bị dự án không hề dài.
Chậm giải ngân nằm ở chỗ, dự án khởi công rồi, nhưng lại đề nghị điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần, do khi lập dự án không lường trước, tính toán khả năng có thể xảy ra khi triển khai, nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục công trình, dự án bị đội vốn. Ngoài ra, còn có tình trạng cố tình bỏ thầu rẻ, trúng thầu bằng mọi giá, sau khi khởi công, thì tìm cách tăng tổng mức đầu tư và dự án phải dừng lại để chờ điều chỉnh.
Muốn điều chỉnh dự án, bắt buộc phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, thủ tục và phải qua rất nhiều cấp, nhiều ngành thẩm định, cho ý kiến. Đây là những quy định bắt buộc để bảo đảm vốn đầu tư công không bị thất thoát, sử dụng đúng mục đích, vì tiền đầu tư công là tiền thuế của dân, tiền đi vay cuối cùng người dân cũng phải trả.
Để xử lý vấn đề này, theo tôi không khó. Trước hết là hạn chế triệt để tình trạng điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, chỉ điều chỉnh trong trường hợp có lý do khách quan bất khả kháng. Khi hồ sơ của chủ đầu tư gửi đến, kể cả hồ sơ dự án khởi công mới, hay dự án buộc phải điều chỉnh, trong thời gian mấy ngày, cơ quan có thẩm quyền buộc phải trả lời, phải xử lý, nếu không, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua tương đương khoảng 33 - 34% GDP (2.363.200 tỷ đồng), tăng hơn 16% so với kế hoạch năm 2019, trong đó vốn đầu tư công chiếm 31%. Với thực tế giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua, ông nhận định thế nào về hoạt động giải ngân vốn năm 2020?
Nếu quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thì không có gì đáng ngại. Trong các chỉ đạo, đáng lưu ý là triệt để điều chuyển vốn từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn; với số vốn không có khả năng giao kế hoạch, cần phải thu hồi toàn bộ...
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi đôn dốc quyết liệt; tập trung chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; xử lý nghiêm và kịp thời nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Giải ngân vốn đầu tư công 4 năm trước đó không hoàn thành kế hoạch, nên gánh nặng dồn vào năm 2020. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch, các bộ, ngành phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết 94/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công vừa được Chính phủ ban hành.
Trong đó, đáng lưu ý là, nếu thấy cần thiết, phải thành lập các tổ công tác đặc nhiệm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; công bố đường dây nóng để xử lý vướng mắc trong triển khai dự án từ khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện, phân bổ, giải ngân và quyết toán dự án. Các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.