Ảnh Internet

Ảnh Internet

Mang trái phiếu tới Hồng Kông, Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chia sẻ góc nhìn về tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 là 171.500 tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2019. Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến này?

Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự gia tăng đột biến trong 8 tháng đầu năm 2020 khi mà các doanh nghiệp tăng tốc huy động vốn qua kênh này trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 với yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian.

Ông Nguyễn Đức Hoàn.
Ông Nguyễn Đức Hoàn.

Như vậy, mức tăng trưởng đột biến của khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong thời gian qua phần nhiều mang tính thời vụ.

Với việc Nghị định 81/2020/NĐ-CP và Thông tư 08/2020/TT-NHNN về giãn lộ trình siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại có hiệu lực, nhiều khả năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bớt sôi động trong quý IV/2020 và giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch Covid-19, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ có kế hoạch thận trọng hơn trong việc triển khai các dự án mới, kéo theo nhu cầu huy động vốn sụt giảm, không chỉ ở lĩnh vực bất động sản mà ở cả các lĩnh vực kinh tế khác.

Mặc dù vậy, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển là xu thế tất yếu của nền kinh tế khi mà quy mô kênh huy động vốn này của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Theo ADB, tính đến cuối tháng 6, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mới đạt 12,6% GDP; trong khi các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia lần lượt là 23%, 50,9%, và 80%.

Ông có cho rằng, tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang và sẽ là mảng dịch vụ tiềm năng với các công ty chứng khoán?

Dư địa phát triển cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam trong trung - dài hạn còn rất lớn. Các công ty chứng khoán sẽ đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong quá trình này, đặc biệt là thông qua các nghiệp vụ tư vấn phát hành cũng như bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Với vai trò là đơn vị tư vấn phát hành, KBSV một mặt hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các bước và trình tự thủ tục theo đúng quy định của pháp luật; mặt khác, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến việc thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu của tổ chức phát hành. Điều này phần nào giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Về nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hiện tại chưa thực sự phát triển và có mức độ phổ biến chưa cao tại Việt Nam. Điều này dẫn đến có nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp không được phân phối hết, hoặc không phát hành thành công.

Tôi cho rằng, đây cũng là một mảng kinh doanh đầy tiềm năng cho các công ty chứng khoán, nhưng đòi hỏi mức độ hợp tác và điều kiện thực hiện chặt chẽ hơn giữa các bên tham gia.

Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp yên tâm và chủ động hơn nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu cho những kế hoạch kinh doanh của mình. Các trái phiếu được bảo lãnh phát hành cũng sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn, giúp khả năng phân phối sơ cấp và cả giao dịch thứ cấp trở nên thuận lợi hơn.

Là công ty chứng khoán với gần 100% vốn Hàn Quốc, KBSV có kế hoạch đưa trái phiếu do các doanh nghiệp trong nước phát hành tới nhà đầu tư Hàn Quốc?

KBSV sẽ tiếp tục vai trò giới thiệu và cung cấp các sản phẩm tài chính Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Đến nay, chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm chứng chỉ tiền gửi ngân hàng với thị trường Hàn Quốc và đang dự kiến giới thiệu thêm các trái phiếu doanh nghiệp lớn với nhà đầu tư Hàn Quốc và Hồng Kông.

Một trong những khác biệt của KBSV so với các công ty chứng khoán Hàn Quốc khác tại Việt Nam là Công ty có CEO người Việt. Đây là một trong những chiến lược địa phương quan trọng của Tập đoàn KB.

Với sự am hiểu thị trường, chúng tôi có ưu thế trong việc cung cấp các sản phẩm có lợi tức cao hơn so với rủi ro tại thị trường Hàn Quốc.

So với kênh gửi tiết kiệm, thì nhà đầu tư nhận được lãi suất khi đầu tư vào sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, ở đây có rủi ro nào mà nhà đầu tư đáng lưu ý không, theo ông?

Đối với bất kỳ kênh đầu tư nào, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. So sánh với mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn thì đúng là mức lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp sẽ cao hơn và nhìn chung điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ phải chịu mức rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các nhà đầu tư cá nhân không nên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, điểm quan trọng ở đây là tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro và mức lợi nhuận kỳ vọng của mỗi người để lựa chọn 1 phương án đa dạng hóa danh mục đầu tư cho hợp lý.

Với các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, có hai khía cạnh rủi ro chính cần lưu ý, bao gồm rủi ro từ góc độ thị trường hay nền kinh tế vĩ mô; rủi ro về khả năng thanh khoản của doanh nghiệp, sẽ được quyết định bởi khả năng quản trị, tình hình hoạt động.

Trong khi chúng ta vẫn đang thiếu 1 tổ chức trung gian xếp hạng trái phiếu có uy tín và phạm vi bao quát đủ rộng để nhà đầu tư tham khảo thì các nhà đầu tư, ngoài việc dựa vào các thông tin từ các bên môi giới cung cấp, vẫn nên bỏ thêm thời gian tìm hiểu và đánh giá thêm về các yếu tố kể trên, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, vốn khá nhạy cảm với chu kỳ kinh tế.

Tin bài liên quan